Đón đọc Người Đô Thị phát hành ngày 23.10

 21:25 | Thứ tư, 22/10/2014  0

Số phận Tax - thương xá 134 tuổi là dòng thời sự đô thị nhiều người đang quan tâm. Bởi, để giải phóng mặt bằng thực hiện ga tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam tại TP.HCM, nhiều công trình kiến trúc, cây xanh phải phá bỏ, trong đó có thương xá Tax 134 năm tuổi, gắn bó với bao thăng trầm của người Sài Gòn. Một dự án ảnh hưởng quan trọng đến quy hoạch và kiến trúc cảnh quan của khu vực trung tâm lịch sử, nơi giao nhau giữa trục hành chính và trục thương mại của khu trung tâm theo bố cục từ thời kỳ đầu phát triển của thành phố. Người Đô Thị xin giới thiệu một số ý kiến, với niềm hy vọng cho Tax...

Trong đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn bàn về Tiêu chí thiết kế và những giải pháp khả thi cho khu đất thương xá Tax. Bài viết này điểm lại một số tiêu chí thiết kế và gợi ý một số giải pháp khả thi, để giúp cho TP.HCM, cũng như SATRA, chọn được thiết kế phù hợp, cân đối được nhu cầu bảo tồn và phát triển, bao gồm nhiệm vụ bảo vệ giá trị lịch sử văn hoá của khu trung tâm, và mong muốn phát triển khu đất thành một dự án có hiệu quả cao về đầu tư. 

Việt nam còn thiếu tiếng nói của các tổ chức dân sự chuyên môn – quan điểm của ông Phùng Anh Tuấn, tổng lãnh sự danh dự Cộng hoà Phần Lan tại TP.HCM - tác giả bức thư gửi UBND TP.HCM và bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đưa ra giải pháp bảo tồn một phần thương xá Tax bên trong toà nhà dự kiến sẽ cao 40 tầng (Kim Dung thực hiện). Trong khi đó, TS. Nguyễn Lương Hải Khôi - một chuyên gia đang công tác tại Nhật cũng chia sẻ quan điểm qua bài phỏng vấn: “Đập bỏ” Tax: một quyết định quá dễ dãi (Doãn Khởi thực hiện).

Để bạn đọc tiện theo dõi những diễn biến của dự án đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Người Đô Thị giới thiệu bài viết về dự án sân bay Long Thành của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia kỹ thuật và kinh tế hàng không: Dự án sân bay Long Thành: lãng phí và tăng nợ công. Tác giả đưa ra quan điểm: “Thực hiện dự án sân bay Long Thành sẽ là một việc lãng phí rất lớn vì quy mô quá lớn và thời điểm thực hiện quá sớm, trong khi tổng vốn đầu tư cho toàn thể dự án không được xác định và vốn đầu tư cho giai đoạn một để đạt 25% năng suất dự kiến cũng không chắc có!”.

Cùng chuyên mục Góc nhìn là bài viết Dân đổ cho ai đây? (Thiên Di) bàn về việc chống ngập càng ngập: Quy hoạch là chuyện trăm năm chớ đâu phải trước mũi! Paris đã xây hệ thống cống ngầm to bằng những con đường trên mặt đất, dẫn ra kênh đào St Martin, từ thế kỷ nào? Không chỉ quy hoạch, họ còn quy định sử dụng/không sử dụng hệ nước ngầm như thế nào… Vô số hội nghị, hội thảo về chống ngập, về biến đổi khí hậu rồi, không ít chuyến du khảo Hà Lan, Thái Lan nghiên cứu chống ngập đã cho ra được kinh nghiệm gì?

Bỏ lương 40 triệu vác tù và về nước (Phương Anh)Thị dân trẻ là câu chuyện đặc biệt của một người trẻ bỏ công việc kỹ sư điện tử có mức lương tháng hơn 40 triệu đồng ở Singapore để theo đuổi mô hình phục vụ cộng đồng Service Learning (học tập thông qua phục vụ cộng đồng). Chàng trai 28 tuổi Phạm Văn Anh lý giải “bởi máu làm công tác xã hội hồi cấp ba cứ rần rần”. Anh đã sáng lập tổ chức ECO Vietnam Group (EVG) và là người đầu tiên đưa mô hình SL đến Việt Nam.

Mang cà phê sang bán dạo là cách kiếm sống độc đáo của Nguyễn Duy Biểu sinh năm 1987, đã tốt nghiệp hệ trung cấp cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, nhưng gần ba năm nay khởi nghiệp bằng cách không giống ai: bán dạo cà phê “sang” arabica Việt Nam trên những con phố cổ Hà Nội với cái tên vui tai “Reng Reng café”. 

Chuyên đề: IPC - 25 năm tiến ra biển Đông mô tả câu chuyện 25 năm của công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) là các dự án, công trình có quy mô lớn, trọng điểm như: khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị Nam Sài Gòn, các khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu và cảng SPCT (tại khu công nghiệp Hiệp Phước), nạo vét mở luồng sông Soài Rạp… Tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, khởi sắc bộ mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái… của TP.HCM nói chung và vùng đất phía Nam nói riêng, Ông Phạm Xuân Bình - Tổng giám đốc IPC đã chia sẻ với Người Đô Thị về tâm huyết của cả một tập thể trong suốt 25 năm qua để theo đuổi đến cùng việc biến những hoài bão lớn của thành phố thân yêu thành hiện thực qua phỏng vấn: IPC - dấu ấn 25 năm của một đô thị nhân văn (Kim Yến thực hiện). Cùng chuyên đề là các chia sẻ của ông Phan Chánh Dưỡng, (tổng giám đốc IPC giai đoạn 1989 - 2005), TS Huỳnh Thế Du (giảng viên chính tại chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright). Các chuyên mục đồ hoạ thông tin (Infographic), công bố kết quả cuộc điều tra xã hội học về sự thay đổi của vùng đất phía Nam TP.HCM sau 25 năm…

Dựng lại người: Malala & Joshua và tinh thần công dân tự do (Đoàn Khắc Xuyên) là cảm nhận về hai bạn trẻ, cùng dũng cảm và thông minh, cùng thấm đẫm một cách tự nhiên tinh thần công dân tự do, không lùi bước trước bạo quyền hay cường quyền, ở tuổi 17 cả Malala Yousafzai - người trẻ nhất được trao giải Nobel Hoà bình trong lịch sử, và Joshua Wong - người thanh niên trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông, đang trở thành niềm cảm hứng cho cả giới trẻ và người lớn không chỉ ở Pakistan hay Hồng Kông trong nỗ lực vì một thế giới tự do hơn, nhân đạo hơn…

Trong câu chuyện giáo dục, tác giả Bùi Văn Nam Sơn viết về Những chặng đường thánh giá. Trong đó có quan điểm: “Chính “việc làm” giáo dục chứ không phải bản thân giáo dục là mục tiêu. Tiến trình giáo dục, do đó, bao hàm những tiến trình tự trải nghiệm, “biết bỏ đi những cái cũ và thêm vào những cái mới có ý nghĩa”.

Trong khi đó, chuyên trang Cổng du học gửi tới chia sẻ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền về kinh nghiệm khai thác các tiện ích của thư viên khi du học với bài viết “Thư viện: ngôi nhà thứ hai của sinh viên”. Bên cạnh đó, cơ hội học hành là những thông tin về các gói học bổng tại nhiều quốc gia trên thế giới…

Trên chuyên trang Sống khỏe số nàylà sự xuất hiện trở lại của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng. Nói về bệnh hiểm, nhưng với giọng điệu riêng của mình, BS Chấn Hùng dẫn dắt câu chuyện đầy hình ảnh và nhịp điệu, súc tích mà có sức khơi gợi lớn qua bài viết Simona Halep: vú gọn lại, nhẹ như tiên: “Từ lâu lắm rồi, tuyến vú trở thành biểu tượng của nữ tính và sắc đẹp. Năm 2013, theo số liệu của hội Phẫu thuật tạo hình Hoa Kỳ, có 313.327 phụ nữ Mỹ làm to bộ ngực (phóng to), và 122.838 làm gọn đôi gò (thu nhỏ). Như một huyền thoại: tay vợt nữ Simona Halep thu nhỏ ngực, người nhẹ như tiên, lên hạng như diều”.

Vì sao không nên thường xuyên nhuộm tóc? Là thông tin và những tư vấn trên chuyên trang dinh dưỡng & sắc đẹp của Ths.BS Lê Thái Vân Thanh (ĐH Y dược TP.HCM): Các nghiên cứu còn cho thấy nhuộm tóc từ một lần trở lên trong tháng làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư bàng quang. Một số thuốc nhuộm cũng làm tăng nguy cơ ung thư máu nếu dùng thường xuyên và không bảo đảm yêu cầu an toàn. Ngoài ra, Ths.BS Hoàng Khánh Toàn cũng có những tư vấn cách sử dụng “Sắn dây hạ nhiệt, tăng sức”.

Món quê đã ngự mâm son Sài Gòn là bài viết  chuyên trang ẩm thực. Đó là câu chuyện mà, theo chân người nhập cư, món ăn của mọi miền quê trên cả nước đã có mặt ở đất Sài Gòn. Các đầu bếp tài hoa ở đây lại biến tấu, sáng tạo món ăn theo gu thực khách, để đặc sản thêm giá trị và đi xa hơn…

Bài thơ cuộc đời - Đọc lại Trang Thế Hy trong dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông, nhà văn Nguyễn Hồ phát hiện văn chương lão ông 90 này có một điều nhất quán trong suốt sáu mươi năm cầm bút, đó là viết về cái gì nhỏ nhất nhưng vì cái lớn lao nhất, cái chân - thiện - mỹ: “Trong đời sống thường ngày cũng thế, ông không có cuộc sống nào khác ngoài sống với văn chương và nhân thế, viết và sống đối với ông bao giờ cũng chỉ là một, chỉ có một”…

Giữa đám đông là Một tôi rất… Tạ Quang Thắng (Trâm Anh). Tạo nên một cơn sốt nho nhỏ trên cộng đồng mạng vào năm 2006 khi song ca cùng Anh Khang ca khúc Bèo dạt mây trôi, Đi học; nổi lên từ sân chơi Bài hát Việt với ca khúc Lá cờ và sau này là các bài hit gắn với nhạc chuông, nhạc chờ, Tạ Quang Thắng với lối hát “à ơi theo kiểu hát ru, luyến láy kiểu chèo tuồng” vừa trình làng một album mới mang màu sắc country rock.

Con chạy bước lùi, lỗi ấy do đâu? Bài viết của nhà văn Võ Diệu Thanh: Chuyện con vào lớp một tưởng rất đơn giản nhưng với một số gia đình, nó hoàn toàn có thể làm mẹ cha sớm bạc đầu… Tôi chỉ tin một điều: nếu cháu ham học sẽ biết cách tự học và sẽ trưởng thành vượt bậc so với những gì cháu có. Trưởng thành là giá trị mà mọi đứa trẻ đều cần có để đi về tương lai.

Biết Khoan dung cho tử tế lên ngôi (Hạc San): Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã khởi xướng chương trình “Sống tử tế”, nhằm vận động người dân chung tay thực hiện những điều tốt đẹp với người xung quanh, để những giá trị nhân văn lan toả góp phần xây dựng một xã hội tử tế hơn. Trong khuôn khổ chương trình này, chuỗi sự kiện “Tuần lễ tử tế +” do iSEE kết hợp với tổ chức Hành động vì tương lai (A4F) và trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) thực hiện từ 14 - 21.9 ở Hà Nội, đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực.  Ông Lê Quang Bình - viện trưởng iSEE (ảnh) đã có cuộc trò chuyện với Người Đô Thị về chương trình này.

Học làm người từ một cái cây (Hữu Nam), là thông điệp cuốn sách The giving tree thuộc mục điểm sách. Theo khảo sát của hiệp hội Giáo dục quốc gia Hoa Kỳ, The giving tree xếp hạng 24 trong 100 quyển sách thiếu nhi được yêu thích nhất. Năm 2013, dựa trên 500.000 lượt bình chọn của cộng đồng Goodreads, The giving tree xếp thứ ba trong danh sách “sách thiếu nhi hay nhất”…

World Cup U20 thế giới: Myanmar hoá ra hay thật (Tất Đạt) - câu chuyện thể thao đáng suy ngẫm. Khi Việt Nam đang loay hoay với những mục tiêu cao đẹp như lọt vào World Cup (trên giấy) để phát biểu cho xôm tụ, thì Myanmar đã giành quyền vào vòng chung kết U20 thế giới - giải đấu mà chưa một đội Đông Nam Á nào làm được.

Nhịp đập đô thị sẽ là những thông tin chú ý trong tháng 11.2014, như: Bắt đầu bán vé tàu điện tử  (hệ thống bán vé điện tử mới của tổng công ty Đường sắt sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21.11, cho phép người dân dễ dàng mua vé tàu và cập nhật thông tin về hành trình tàu thông qua SMS, email... ); Nhiều loại ôtô được miễn, giảm phí đường bộ; bộ Tài nguyên và môi trường áp dụng văn phòng một cửa…

Trong khi đó, tại các địa phương như TP.HCM đã có lộ trình giao thông thay thế trong khi đường Nguyễn Huệ được cải tạo, xây dựng thành đường đi bộ (kết hợp giao thông), có tổng chiều dài 670m, tổng vốn đầu tư nâng cấp đường Nguyễn Huệ là 428 tỉ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 25.4.2015 vì vậy phương tiện lưu thong vào đường này gần như bị cấm hẳn. Tại Đà Nẵng, 100% các cửa hàng xăng dầu sẽ bán xăng sinh học E5 thay thế hoàn toàn xăng Mogas 92, lưu hành song song cùng xăng Mogas 95 từ 1.11. Tại Hà Nội, từ tháng 11.2014 khoảng 740.000 khách hàng tại tám quận, huyện, gồm: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn sẽ được dùng hoá đơn điện tử khi sử dụng điện

Ngoài ra, Người Đô Thị số này (phát hành thứ 5, ngày 23.10.2014) có nhiều tin, bài thời sự, đời sống, văn hóa thú vị khác.

Mời bạn đọc đón xem.

 Người Đô Thị

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.