Khó tin hơn là ông Trần Văn Truyền không thể tự làm được các giấy chủ quyền nhà đất thuộc sở hữu nhà nước về tay cha con ông nếu không có các cơ quan hữu trách làm việc đó. Biết đâu ông chẳng “lót tay” cho những người đã “giúp ông” chiếm đoạt số tài sản này. Thời loạn của “bánh ít đi bánh quy lại” mà! Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người”…
Cây xanh: di sản không thể đốn bừa là vấn đề thời sự độ thị đáng cú ý trong tuần. Đường Tôn Đức Thắng với hàng cây có tuổi thọ gần 100 năm là một trong những con đường rộng nhất, xưa nhất và xanh nhất của TP.HCM. Thế nhưng theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, sẽ có 84 cây cổ thụ trên đường này bị đốn hạ và 37 cây được di dời, nhường chỗ cho dự án cầu Thủ Thiêm 2 với tổng vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng. Thông tin này đã gây xôn xao từ những nhà lâm học, các tổ chức môi trường đến cả giới trẻ thành phố. Một nhóm người trẻ đã thành lập website http://happytreeinsaigon.com/home/, nhằm tập hợp danh sách chữ ký - dự kiến danh sách này sẽ được tổng hợp gửi cho những cơ quan, tổ chức có liên quan để chính quyền biết ý nguyện của nhân dân liên quan đến việc hạn chế chặt cây, giữ gìn màu xanh thành phố, đồng thời kêu gọi cân nhắc trong việc tiến hành các dự án, công trình công cộng làm ảnh hưởng đến mảng xanh vốn nhỏ nhoi của TP.HCM.
Trong bài viết của mình, nguyên giảng viên đại học Nông lâm Huế - NGƯT Đỗ Xuân Cẩm đặt vấn đề: “Để phát triển đô thị, việc cải tạo nâng cấp, mở rộng đường phố là cần thiết, nhưng không thể vì thế mà thẳng tay đốn bỏ hết những “di sản văn hoá” từng chở che, bảo bọc cho cộng đồng, cho di tích, cho cảnh quan văn hoá hằng trăm năm”. Ngoài ra, GS.TSKH Phạm Ngọc Ðăng, phó chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng nêu quan điểm về việc này…
Cũng theo dòng thời sự là những nội dung, nhận định được chia sẻ nhiều nhất trong hội thảo khoa học quốc tế “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, diễn ra trong hai ngày 17 và 18.11 tại Đà Nẵng. Trong 64 học giả nước ngoài, có 13 người đến từ Trung Quốc và lãnh thổ thuộc Trung Quốc. Nguyên tắc “thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị” đã làm “nóng” nhưng không “cháy” diễn đàn hội thảo. Ba vấn đề lớn qua thảo luận vẫn còn ý kiến rất khác nhau, đó là: hiểu rõ và minh bạch hoá môi trường chiến lược biển Đông; hiện trạng và cách giữ hiện trạng biển Đông; hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở biển Đông. Những vấn đề này được thể hiện qua góc nhìn của tác giả Nguyễn Trương qua bài viết: “Biển Đông 2015: sẽ còn dậy sóng”.
Chuyên mục Góc nhìn đề cập đến tiêu chí “CPI: Lấy số đo đô thị để chỉnh chính sách”. Tiến sĩ Eduardo Lopez Monero, trưởng ban Nghiên cứu và xây dựng năng lực của văn phòng trung ương UN-Habitat (Nairobi) chia sẻ quan điểm với Người Đô Thị về bộ Chỉ số đô thị thịnh vượng (CPI) sẽ như một bánh lái mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có. Theo đó, đô thị thịnh vượng là đô thị đạt được sáu tiêu chí: tạo được công ăn việc làm cho mọi người; có sự phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật phù hợp; có cơ cấu quản lý điều hành phù hợp; tạo ra các điều kiện đảm bảo chất lượng cuộc sống; tạo ra các điều kiện để thịnh vượng được chia sẻ cho các cư dân trong đô thị; có chiến lược bền vững và thân thiện với môi trường.
Nhịp đậm đô thị chuyển tải tới câu chuyện tại TP.HCM: chợ ế, tiểu thương bỏ sạp ra đường. Ghi nhận của phóng viên Vĩnh Hoà tại những ngôi chợ lớn vào bậc nhất quận 1, đếm số lượng sạp đang đóng cửa, làm kho hoặc rao cho thuê, sang phải tính hàng chục. Chợ truyền thống trong cơn ngắc ngoải dù sắp vào mùa mua sắm cuối năm. Bài viết phản ánh thực tế bây giờ, thu nhập của một sạp trong chợ Tân Định không hơn lương công nhân là mấy, dù vốn liếng bỏ ra vài ba chục cây vàng để có chỗ ngồi. Một ngày, cái sạp đôi của vợ chồng ông Tú bán được 1,2 - 1,4 triệu đồng. Mỗi tháng chi phí thuế má, điện nước, vệ sinh, bảo vệ… mất ngoài hai triệu đồng. Thu nhập của chủ sạp chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng, dù vợ chồng ông không bỏ buổi chợ nào.
Phóng sự của nhà báo Doãn Khởi chuyển tải câu chuyện thú vị, giữa lòng đô thị Sài Gòn, bán đảo Thanh Đa bây giờ vẫn là một không gian thuần nông. Ở đây, những người nông dân vẫn một nắng hai sương bên đám ruộng, hột lúa. Với họ, Sài Gòn xa vời, giống như người ở quê lâu lâu lên ghé thăm, dù chỉ cách nhau năm, mười phút xe máy. Phóng sự “Người trồng lúa giữa Sài Gòn” ghi lại bộc bạch của người nông dân thành phố về cái nghei6p5 với thửa ruộng mảnh vườn, về sự trở trăn: “Quy hoạch là chuyện của người ta, điều ông lo lắng là cái máy chà lúa duy nhất ở vùng này - còn rớt lại từ hồi tập đoàn - sắp đóng cửa. Lúc đó, gạo đâu mà ăn, không lẽ mua cối giã, chứ làm ruộng lại bán lúa mua gạo thì kỳ quá!”
“Cô gái tê giác” - bài viết trên chuyên mục Thị dân trẻ, là cuộc trò chuyện của phóng viên Trung Dũng với “cô gái tê giác” Nguyễn Thị Thu Trang - một người bạn trẻ mà khi coi bộ sưu tập ảnh trên Facebook của cô, chỉ cần bỏ ra một chút thời gian hỏi, chịu khó ghi là sẽ có ngay những ký sự đường xa thú vị. Thế nhưng, thường ít ai thực hiện được điều đó, bởi chủ nhân những hình ảnh trên luôn ở trạng thái xê dịch. Cô thường xuyên mất liên lạc bởi đang băng rừng, lang thang giữa sa mạc hay đang “sống” với đàn tê giác nào đó ở Phi châu, rồi lại bị gián đoạn bởi căn bệnh quái ác ập xuống người bạn trẻ này… Sinh năm 1990, Thu Trang hiện là nghiên cứu sinh đại học Cambridge và là khách mời nói chuyện chuyên đề về bảo tồn tại chương trình hằng năm của Fauna & Flora Internationnal. Cô cũng là sáng lập và điều hành tổ chức phi chính phủ WildAct, hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam…
Trở lại với không gian sống là bài viết “Thêm một tấm lòng cho đời thêm “xanh”. Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP.HCM, thành lập tháng 9.2011, là nơi tập hợp các thành viên từ nhiều lĩnh vực, có cùng quan tâm và nhiệt huyết trong việc thiết kế và xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam. Qua hơn ba năm hoạt động, CLB đã tổ chức được năm hội thảo chuyên ngành lớn. Nhân hội thảo “Kiến trúc xanh lần 6: Không gian nội thất xanh” tổ chức ngày 28.11, Người Đô Thị xin giới thiệu bài viết chia sẻ kinh nghiệm thiết kế và thi công văn phòng theo tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh (LEED) của TTT Corporation.
Cùng chuyên mục này, PGS.TS.KTS. Nguyễn Trọng Hoà có bài viết “Tạo không gian sống tốt từ chung cư cũ”. Tác giả cho biết: Sài Gòn trước năm 1975 đã xây dựng khá nhiều khu chung cư có quy mô và chất lượng khác nhau. Đặc biệt, có rất nhiều toà nhà chung cư được xây đơn lẻ nằm rải khắp đô thị, thậm chí cả trong những hang cùng ngõ hẹp. Nhưng rất đáng tiếc, những gì chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay là kết quả đáng buồn của một thời kinh tế bao cấp và sau đó là thời kỳ phát triển một nền kinh tế thị trường theo hướng tự phát mà trách nhiệm, vai trò quản lý nhà ở cho người dân của Nhà nước bị bỏ ngỏ…
“Ấp Ánh Sáng & Remedios - Người Ðẹp của tôi” là những lần mò ký ức về Đà Lạt, để rồi nhớ, cảm nhận và sự đau đau về không gian ấy ngày hôm nay của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đà Lạt sang trọng và hào hoa không? - Có chứ. Nhưng Đà Lạt cũng có những ấp Ánh Sáng mộc mạc làm cho cô gái ăn sương trở thành Remedios Người Đẹp trong giấc mơ của chàng sinh viên nghèo đầy mơ mộng năm nào. Sau cuộc bể dâu, có ai biết nàng Remedios Người Đẹp ở ấp Ánh Sáng của tôi nay đã bay về đâu không?
Trong chuyên mục Dựng Lại Người là bài viết của nhà báo Đoàn Khắc Xuyên: “Trả lại cho con người cái gì của con người”. Tác giả nêu quan điểm: Đã đến lúc cần trả lại chiến tranh cho chiến tranh và trả hết lại cho con người cái gì thuộc về con người trong ca nhạc, và không chỉ trong ca nhạc. Bởi: “Chứa đậm trong ca từ của những ca khúc ấy chính là tính nhân bản, là tình người, là những gì liên quan đến con người mà cho dù chiến tranh, đạn bom, máu lửa, sự xung đột ý thức hệ – bối cảnh ra đời của những ca khúc ấy – vẫn không xoá nhoà đi được, làm mất đi được nơi người sáng tác và cả nơi người nghe”.
Cụm trang Giáo dục, tác giả Bùi Văn Nam Sơn đặt vấn đề: “Một gam kinh nghiệm hơn một tấn lý thuyết?” về câu chuyện giáo dục qua tác phẩm nổi tiếng Dân chủ và giáo dục (bản tiếng Việt của Phạm Anh Tuấn, NXB Tri Thức, 2008, 2010, 2012). Trong cuốn sách, John Dewey có câu viết nổi tiếng không kém: “Một gam kinh nghiệm tốt hơn một tấn lý thuyết, đơn giản chỉ vì lý thuyết chỉ có ý nghĩa sống động và kiểm tra được ở trong kinh nghiệm. Kinh nghiệm, dù khiêm tốn nhất, cũng có thể sản sinh và chống đỡ cho lý thuyết, còn lý thuyết mà không liên hệ với kinh nghiệm thì không thể xác định và nắm bắt như là lý thuyết”.
Cổng du học là câu chuyện về Sinh viên khiếm thị Nguyễn Thành Vinh: hai học bổng một nụ cười. Là sinh viên khiếm thị đầu tiên được nhận học bổng toàn phần của đại học quốc tế RMIT Việt Nam 2014, cậu sinh viên 20 tuổi Nguyễn Thành Vinh gây ấn tượng với người gặp gỡ bằng sự tự tin, hiểu biết và khả năng tiếng Anh lưu loát… Ngoài ra, cùng chuyên mục là cơ hội học hành với những gói học bổng tại Anh, Nhật, Úc…
“Parkinson không tha người trẻ” bài viết của PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Công cho mục bác sĩ trò chuyện. Từ ghi nhận vài năm trở lại đây cho thấy nhiều người mắc bệnh Parkinson ở tuổi 30-40, trong đó có tới 10% khởi phát bệnh trước 45 tuổi. Mặc dù không phải là loại bệnh chết người nhưng nếu chậm điều trị, bệnh nhân Parkinson có thể gặp hệ lụy nặng nề. Người ta đã thống kê: nếu không điều trị, 61% trường hợp bị Parkinson sẽ bị tàn phế hoặc chết sau 5 - 9 năm, sau mười năm tỷ lệ này sẽ là 80%! Cùng chuyên mục là những tư vấn chẩn bệnh: Đàn ông “yếu” tại uống nhiều vitamin C?
Dinh dưỡng & sắc đẹp chuyển tải vấn đề thời sự Có nên làm đẹp bằng “mặt nạ ma cà rồng”? Từ câu chuyện: Kardashian với khuôn mặt máu me khi đi làm đẹp tại viện thẩm mỹ Miami đã tạo ấn tượng rợn người về kỹ thuật “làm đẹp bằng máu” đang trở thành trào lưu khắp thế giới. Tại châu Á, trào lưu này rầm rộ nhất ở Hàn Quốc và gần đây đã tới cả Việt Nam. Ths.BS Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM; trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ bệnh viện An Sinh chia sẻ câu chuyện: Sự ra đời của kỹ thuật làm đẹp bằng máu bắt nguồn từ một sự tình cờ. Năm 1987, huyết tương giàu tiểu cầu được áp dụng lần đầu tiên trong một ca phẫu thuật tim; sau đó, được sử dụng để điều trị các tổn thương bệnh lý và thu kết quả tốt nhờ khả năng làm vết thương mau lành, nhất là với tổn thương cơ xương khớp…
“Ðẹp mắt, ngon miệng, an lòng” là bài viết chuyên trang ẩm thực, ghi lại khoảnh khắc các đầu bếp trổ hết tài nghệ tại bán kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014. Chỉ với những nguyên liệu rất đỗi thân quen, bằng sự tinh tế và khả năng sáng tạo, họ đã làm nên những món ăn đẹp mắt, ngon miệng, an lòng…
Chuyên mục bếp ấm là cuộc trò chuyện của tác giả Đình Phúc với nhà văn Võ Diệu Thanh qua quan điểm: “Dạy con bằng kiến thức có từ con”. Nữ nhà văn nêu quan điểm: “Nếu cha mẹ không nỗ lực trong việc rèn mình, dạy con, không là người để con tin tưởng, quý trọng thì dù có đem một biển luật lệ, với hàng núi hình phạt khủng khiếp đi kèm cũng không thể cản được ý nghĩ khinh thường của đứa trẻ đối với cha mẹ”.
Chuyên mục Xe đò ra phố với bài viết “Tình nghĩa Gò Quao”. Tư Thân, dĩ nhiên là tuổi thân, tuổi con khỉ, vốn là bộ đội ra quân, về nhà lấy vợ. Tư Thân quê tuốt miệt dưới, xứ Gò Quao nghèo khổ ruộng phèn nước mặn, dù mấy năm quân ngũ cộng với tánh siêng năng sẵn có nhưng hai vợ chồng mới cưới quay đi quay lại với đủ thứ nghề và mấy công ruộng ở quê vẫn không khá nổi…
“Gốc là văn hoá, hồn là nghĩa dân” - Người Đô Thị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922) bằng bài viết của nhà thơ Thanh Thảo về con người đã được báo chí trong nước đánh giá là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới, được Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi nhận là “cựu lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc”.
Chuyên mục mới – Nhớ quê – là thanh âm đầy xúc cảm, gắn với tuổi thơ nhiều người qua tiếng rao “Ai mua muối hôn!”. Bài viết của tác giả Phạm Hồng Thuỷ.
Chuyên mục Tranh chuyện là sự trở lại của hoạ sĩ MỚ với phong cách thể hiện độc đáo, cách chuyển tải câu chuyện thâm thuý - “Thị phi công phượng”.
Người Già Chuyện cũng “lời quê góp nhặt rông dài” với câu chuyện “Hoài Linh, Thành Lộc sắp giải nghệ?”
Giữa đám đông là cuộc trò chuyện với Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Tôi là người cực kỳ bình thường”. Buổi ra mắt của bộ phim Đập cánh giữa không trung tại Việt Nam sau những ngày tham gia các liên hoan lớn trên thế giới diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vào sáng 24.11. Dường như phim đã chạm được vào tâm hồn của những người nữ trong rạp…
Với Dấu chân lữ hành, hãy cùng hai tác giả Hương Vũ và Mc Freddy “Leo Alps tìm bánh phô mai”. Nép mình dưới chân dãy Alps hùng vĩ, thị trấn trung cổ Gruyères được xem là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Thuỵ Sĩ không chỉ bởi khung cảnh tuyệt đẹp, mà còn bởi nơi đây chính là quê hương của một loại bánh phômai nổi danh…
Chuyên mục Thể thao, là những quan sát và bình luận của tác giả Tất Đạt về “vấn đề” ở AFF Cup 2014 qua bài viết “Ðó mới là Công Vinh”: Sau bàn thắng, Vinh gào thét, mắt như muốn khóc, bởi anh ra sân trên băng ghế dự bị. Đó mới là hình ảnh thật của một Công Vinh vốn rất khát khao ngày nào, thay cho một hình ảnh Công Vinh vốn được coi là ông hoàng ở đội tuyển... Trong khi đó, bài viết “Sau người Nhật là người Thái” của tác giả Thảo Du đề cập: “Người Nhật đang có sức ảnh hưởng rất lớn lên bóng đá Việt Nam, từ việc Việt Nam học theo mô hình tổ chức giải đấu của Nhật, đưa người sang Nhật học hỏi, đến dùng các huấn luyện viên của Nhật theo sự giới thiệu của đối tác”.
Ngoài ra, Người Đô Thị số 31 (phát hành thứ 5, ngày 27.11.2014) còn có nhiều tin, bài thời sự, đời sống, văn hóa thú vị khác.
Mời bạn đọc đón xem.
Người Đô Thị