Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã 8 lần ‘lỡ hẹn’
15:21 | Thứ hai, 02/09/2019
0
Đến nay, sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô. Không biết 1% khối lượng công việc nhỏ nhoi còn lại đến bao giờ mới quyết định được mốc vận hành tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt này. Dư luận vẫn đang mỏng mỏi!
Lỡ hẹn và đội vốn
Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông được Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ Trung Quốc thực hiện bằng vốn vay ODA tài trợ theo Hiệp định khung ngày 30.5.2008. Đến ngày 10.10.2011, dự án chính thức khởi công và lộ trình về đích ban đầu ấn định vào tháng 6.2014. Từ tháng 10/2014 - 6/2015, sẽ tổ chức chạy thử và đưa vào khai thác từ ngày 30.6.2015.
Tuy nhiên, đến tháng 7.2015, Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến chỉ đạt mới đạt 30 - 50% khối lượng và xin lùi tiến độ. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khi đó đã yêu cầu thay tổng thầu và phải quyết liệt đưa dự án đúng mốc 30.6.2016.
Đầu năm 2016, dự án lại lỗi hẹn vì “ì ạch” thi công nhỏ giọt, Bộ GTVT lại ra “tối hậu thư” yêu cầu ngày 31.12.2016 phải hoàn thành xây lắp dự án, cuối quý II.2017 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC lại thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018.
Trước sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ “chốt” tiến độ hoàn thành dự án trong quý IV.2018, thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 - 6 tháng. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, dường như Bộ GTVT đã “bất lực”, khi Tổng thầu EPC tiếp tục thất hứa, thậm chí còn chưa thể chốt “mốc” về đích là khi nào, dù khối lượng công việc còn lại chỉ là những hạng mục phụ trợ…
Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt theo Hiệp định khung năm 2008 là hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức đầu tư đã vọt lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD. Theo tính toán, với số lượng vay phát sinh như trên, dự án đang phải trả lãi, gốc phát sinh cho Ngân hàng tài trợ vốn Trung Quốc (China EximBank) là 14,4 triệu USD/năm, trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay. Nếu cộng cả 2 khoản vay, mỗi ngày, phía Việt Nam đang phải trả cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng. Như vậy, nếu chậm 1 năm chúng ta phải trả tới 876 tỷ đồng.
Bộ GTVT lý giải nguyên nhân
Lý giải nguyên nhân thực tế trên, theo đại diện chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT), ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng tại Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ và giải quyết phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật.
Bên cạnh đó, do yếu tố khác biệt về quy định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong thiết kế, thi công và dự toán, nên khó thống nhất trong điều hành, tổ chức thi công.