Gã si tình tài ba của cây dương cầm

 11:58 | Thứ ba, 22/07/2014  0

Là phó ban tổ chức phụ trách chuyên môn, anh tâm đắc nhất điều gì ở festival lần thứ hai này?

Kỹ năng làm việc từ xa. Không có kỹ năng này festival không tài nào qui tụ được đến 25 giáo sư, nghệ sĩ nổi tiếng; 33 học sinh, sinh viên piano trong nước và quốc tế đến tham gia biểu diễn trong suốt sáu đêm hòa nhạc và hàng chục hoạt động học thuật, cung cấp những kiến thức thật sự quí giá, chuẩn mực, bổ ích phục vụ nghiên cứu khoa học, sư phạm và biểu diễn piano; đồng thời nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng. Nhạc viện TP.HCM thực sự tự hào và biết ơn sự hỗ trợ, hợp tác của rất nhiều đơn vị trung ương và thành phố đã đồng hành cùng chúng tôi tạo nên một trong những sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hoá nghệ thuật của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trời, câu trả lời của anh sao mà giống như một bài diễn văn tổng kết sự kiện ấy…

Nhưng đúng là cần phải tổng kết sau mỗi lần tổ chức sự kiện để rút ra những bài học kinh nghiệm chị ạ. Chúng tôi rất sợ bị chê trách vì tiêu tốn thời gian, tiền bạc của xã hội cho những trò phù phiếm, vô bổ.

Vậy, nghĩa là anh thực sự tin vào giá trị thành công của festival?

Vâng, đúng vậy. Không có thành công chung chung nhưng quả là phải có những chuẩn mực chung để làm nên những festival chuyên môn cao. Tôi nghiệm ra điều đó khi cùng các đồng nghiệp xây dựng các tác phẩm khó trong festival.

Chúng tôi rất sợ bị chê trách vì tiêu tốn thời gian, tiền bạc của xã hội cho những trò phù phiếm, vô bổ.

Có phải đó là tác phẩm Ouverture 1812 của Tchaikovsky do E. Langer soạn lại cho hai cây piano và tám tay đàn (bốn nghệ sĩ)?

Đúng đấy. Đây là một trong những bản nhạc giao hưởng tuyệt vời được biểu diễn và thu âm nhiều nhất của Tchaikovsky. Nó đã trở thành phần không thể thiếu trong các dịp trình diễn pháo hoa và chuỗi lễ chào mừng quốc khánh của nước Mỹ. Âm nhạc trong tác phẩm là sự kết hợp của tiếng pháo liên tục nối tiếp, tiếng chuông chùm vang vọng hoà cùng âm thanh hoành tráng của dàn kèn đồng ở đoạn kết thúc. Tác phẩm này thường vẫn được trình diễn với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ. Nhưng, piano vốn là cây đàn có thể tạo ra những cung bậc âm thanh vô cùng phong phú, từ tiếng nước róc rách, tiếng gió vi vu đến tiếng gầm của đại bác. Tin vào tính năng độc đáo đó của cây đàn được mệnh danh là vua của các loại nhạc cụ nên E. Langer đã soạn lại tác phẩm Ouverture 1812 cho tám tay đàn chơi trên hai cây dương cầm. Chúng tôi quyết định chọn đưa tác phẩm này vào chương trình bế mạc Festival Piano quốc tế 2013 với một thách thức lớn: tám tay đàn sống và làm việc ở ba nơi: Nguyễn Bích Trà ở Anh, Olivier Chauzu (nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới) ở Pháp, tôi và Nguyễn Thuỳ Yên ở Việt Nam. Cả bốn người chỉ có vài giờ tập chung trước khi bước vào biểu diễn…

Tôi có đi nghe đêm diễn bế mạc festival và quả thực tác phẩm Ouverture 1812 đã được trình diễn thật tuyệt vời. Điều gì đã giúp cho các bạn thực hiện được điều tưởng như bất khả khi mỗi người tập riêng ở một nơi để rồi biểu diễn chung thành công một tác phẩm khó?

Đó là nhờ mỗi người chúng tôi đã tìm được cho mình kiến thức chuẩn, biết phân tích tổng thể và đặc trưng của từng bản nhạc, từng đoạn nhạc; biết tốc độ chuẩn là gì, chuyển đoạn và phát triển đoạn nhạc như thế nào, các thuật ngữ âm nhạc ở bên trong bản nhạc là gì và dùng kỹ thuật gì để thể hiện nó… Kiến thức chuẩn và chuẩn mực chung vô cùng quan trọng khi chơi đàn cùng nhau. Phải tuân thủ các kiến thức chuẩn và chuẩn mực chung thì mới không làm hỏng sự hài hòa của âm thanh trong toàn tác phẩm. Một trong những thành công của Festival Piano quốc tế 2013 chính là đã tìm được chuẩn mực chung này. Tôi rất thích khái niệm về sự học do UNESCO đưa ra vào cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi mà nhân loại ngày càng xích lại gần nhau, ngày càng cần đến nhau trong cuộc sống và công việc trong một thế giới phẳng: “học kiến thức, học kinh nghiệm, học cách làm việc cùng nhau và học cách sống cùng nhau”.

Với những điều sâu sắc đọng lại như vậy, festival Piano quốc tế TP.HCM chắc chắn sẽ còn diễn ra nhiều lần nữa?

Tôi tin như vậy. Một phần vì tôi là người học piano từ sáu tuổi và tới nay vẫn chỉ có một nghiệp dạy piano, biểu diễn piano, nghiên cứu piano. Sự kỳ diệu của piano là ở chỗ nó có sức diễn tả như một dàn nhạc thu nhỏ, và tiếng piano thường được làm chuẩn âm cho dàn nhạc thế nên nó mới được coi là vua của các loại nhạc cụ. Một lý do khác, đó là trào lưu học piano luôn rộng mở trên toàn thế giới suốt hàng thế kỷ qua. Riêng ở Trung Quốc, chỉ trong hơn một thập niên, từ 20 triệu trẻ em học piano đã tăng lên 50 triệu. Festival piano khu vực và quốc tế ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thế giới cũng có nguyên nhân đó.

 
 

Ths nghệ thuật Lê Hồ Hải

Giải nhì cuộc thi Âm nhạc Quốc gia Mùa thu tại Hà Nội năm 1993.
Giải nhất cuộc thi Concours Musical Regional d’Ill - de - France tại Paris năm 1999.
Tốt nghiệp thủ khoa bậc cao học chuyên ngành biểu diễn piano tại nhạc viện Quốc gia Saint Maur và nhạc viện Quốc gia Versaille.

Lẽ nào chỉ là sự kỳ diệu riêng lẻ của cây đàn piano đã tạo nên sức hút ghê gớm đó?

Không hẳn. Nói chính xác là sự kỳ diệu của âm nhạc đã làm nên sức cuốn hút. Các nghiên cứu về khoa học sư phạm đã chứng minh trẻ em tiếp xúc sớm với âm nhạc thì tư duy toán học và kỹ năng ngoại ngữ phát triển tốt hơn. Khả năng diễn cảm, biểu đạt của trẻ cũng tốt hơn hẳn. Âm nhạc tác động trực tiếp vào con người, tạo cho họ cảm giác thăng hoa, hướng thiện, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu khoa học âm thanh. Có lẽ vì vậy mà tầng lớp trung lưu ở đô thị thường cho con cái theo học âm nhạc, rồi đã trở thành cả một xu hướng. Khoa piano của các nhạc viện trên thế giới bao giờ cũng lớn nhất. Ở nhạc viện TP.HCM khoa piano có gần 400 học sinh và 50 giảng viên. Điểm đáng chú ý là các buổi masterclass của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn trong khuôn khổ festival Piano quốc tế 2013 luôn đông nghịt. Không chỉ là người của nhạc viện mà cả những học sinh đến từ các trường phổ thông quốc tế, cả những công chúng của âm nhạc cổ điển.

Với riêng anh, đường đến với piano có được chọn sẵn do truyền thống gia đình?

Dạ không. Ba tôi trước đây làm trong ngành giáo dục, mẹ làm việc ở ngân hàng, anh trai là kỹ sư công nghệ thông tin viễn thông, em gái là chuyên viên tài chính kế toán. Chị thấy đấy, cả nhà tôi không có ai dính líu đến âm nhạc.

Cơ duyên nào mà anh lại được theo học piano với chính NSND Thái Thị Liên (mẹ của NSND Đặng Thái Sơn)?

Đúng là cơ duyên. Tình cờ mà ba mẹ tôi là hàng xóm với NSND Thái Thị Liên. Chỉ một câu hỏi của bà với ba mẹ tôi “anh chị có đứa con nào có chút năng khiếu âm nhạc thì đưa sang tôi dạy đàn cho” mà tôi được bà nhận làm học trò vỡ lòng về piano. Mãi sau này khi đã trưởng thành trong âm nhạc tôi mới nhận thức được giá trị mà tôi đã được nhận từ NSND Thái Thị Liên - người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi: đó là sự mẫu mực trong sư phạm, luôn đòi hỏi sự nghiêm túc trong công việc. Chính sự khai tâm mở kỹ ban đầu ấy đã giúp tôi học tốt sơ cấp và trung cấp piano với cô Trần Đức Dung. Rồi khi bước vào bậc đại học với sự hướng dẫn của Nhà giáo Ưu tú Trần Thanh Thảo tôi đã được cô khai mở cho ý thức tiếp tục bước đi trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp trong âm nhạc, cụ thể đối với piano, có thể được hiểu một cách tương đối như thế nào?

Đó là nắm vững các kỹ thuật cơ bản (tư thế ngồi, cách sử dụng pê đan, bàn tay và từng ngón tay), là cách phân biệt màu sắc và âm thanh khác nhau, sự cảm nhận hơi thở trong âm nhạc, sự khác nhau về tiết tấu, cao độ, tốc độ và sắc thái cũng như cấu trúc của tác phẩm âm nhạc, cách diễn đạt âm thanh thông qua các ký hiệu, thuật ngữ âm nhạc. Cả việc biết cách làm việc nhóm và những kiến thức cơ bản trong sư phạm và trong phát triển kỹ năng biểu diễn để thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Tôi luôn được thầy cô dạy và tự mình luôn rèn luyện và nhận thức rằng sự tinh tế mới làm nên phẩm chất nghệ sĩ, còn nếu chỉ có kỹ thuật thì sẽ chỉ đạt đến vị trí thợ đàn. Không say mê, không đủ kiến thức thì dễ trở thành thợ đàn lắm.

Ngay cả việc sử dụng pê đan cũng phải rất tinh tế, tôi vẫn làm như vậy và khuyên học sinh cố gắng tập luyện, đó là không thể đạp pê đan theo cách bật công tắc điện bằng một tiếng “tách”, mà phải nhả từ từ, như cái cách người ta xoay công tắc tròn cho ánh sáng đèn sáng lên từ từ…

Năm năm theo học sau đại học ở Pháp với Lê Hồ Hải có ý nghĩa như thế nào ?

Đó là một món quà cuộc đời tặng cho tôi. Paris thực sự là một môi trường lý tưởng cho những sinh viên theo học các chuyên ngành nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Mỗi ngày có hàng trăm hoạt động văn hoá, nghệ thuật của các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Bảo tàng, công viên, thư viện, di tích… đâu đâu cũng thấm đẫm bầu không khí văn hoá nghệ thuật mà một sinh viên nghệ thuật cần có để đắm mình vào đó rồi thoát ra từ đó với những hứng khởi sáng tạo bất ngờ. Ở đó tôi đã may mắn gặp được những người thầy giỏi và tốt bụng, những người bạn cũ từ Việt Nam từng chia sẻ với nhau những ước vọng nghệ thuật lớn lao. Chính họ đã giúp tôi định hướng, khẳng định con đường nghệ thuật và vận dụng vào thực tế công việc từ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về nước từ năm 2000 đến nay. Tôi rất thấm thía điều này sau mấy chục năm theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật: đối với việc học ở giai đoạn nâng cao (piano nói riêng) thì học với thầy nào là vô cùng quan trọng. Thầy chính là người ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách trình diễn cũng như phương pháp sư phạm sau này của học trò. Tôi đã được trải nghiệm như vậy và đến lượt mình làm thầy tôi muốn mình làm được điều đó cho học sinh.

Nguyễn Thế Thanh (thực hiện) – ảnh: Thanh Hảo 

_______________

(*) Thạc sĩ nghệ thuật, quyền trưởng khoa Piano nhạc viện TP.HCM

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.