Giáo sư Hans de Wit: “Thứ hạng đại học không đồng nghĩa chất lượng của trường”

 14:33 | Thứ hai, 03/04/2023  0
Xếp hạng đại học Việt Nam ở phạm vi khu vực và thế giới đang là chủ đề được quan tâm, với việc một số trường Việt Nam có thứ hạng chưa cao. Là một chuyên gia có ảnh hưởng quốc tế về giáo dục đại học, Giáo sư Hans de Wit giải thích sự cạnh tranh ngày càng tăng của đại học các nước dẫn đến sự gia tăng của các bảng xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng mới đây của Times Higher Education (THE), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm 401-500; Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1001-1200, trong khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1501+.

Một đánh giá khác,  URAP 2022, đưa 17 trường Việt Nam vào khảo sát. Nhưng việc xếp hạng đại học có phải là chỉ số giúp đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu của các trường?

Người Đô Thị có cuộc trao đổi với Giáo sư người Hà Lan - Hans de Wit, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế thuộc Boston College, Hoa Kỳ từ 2015 tới 2020. Giáo sư Hans de Wit cho biết:

Giáo sư Hans de Wit. Ảnh: TLNV

Động lực đằng sau việc xếp hạng đại học là sự cạnh tranh ngày càng tăng trong giáo dục đại học. Sự cạnh tranh đó có lý do nhằm tăng danh tiếng, nhằm thu hút tài năng và đặc biệt là thu hút tài trợ. Vì thế, đã xuất hiện những sáng kiến của chính phủ một số quốc gia như Đức, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản nhằm đưa một số ít trường đại học của họ lên vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các trường đại học hạng nhất. Một số đã thành công, đặc biệt là Đức và Trung Quốc, một số khác thì không, như Nga.

Nhiều trường đại học vẫn phủ nhận rằng họ đang tích cực khuyến khích sự tham gia và cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng. Nhưng thực tế, nhiều trường hiện có quản trị viên hoặc thậm chí một nhóm quản trị viên lo tìm hiểu dữ liệu liên quan đến xếp hạng và yêu cầu các học giả hỗ trợ họ trong nỗ lực nâng cao danh tiếng của trường.

Một số nhà xếp hạng (QS, Times Higher Education) có cung cấp các dịch vụ mà họ gọi là cải thiện chất lượng, nhưng về cơ bản là giúp các trường cải thiện điểm số trong bảng xếp hạng. Mặc dù có lo ngại đạo đức về cách làm việc như vậy, dù sao nó cũng có hiệu quả trước mắt.

Nhưng về lâu dài, người ta có thể tự hỏi liệu đó có phải là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng và danh tiếng, hay là cách xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và thế mạnh của các trường hay không?

Các bảng xếp hạng đại học có phản ánh chính xác chất lượng giáo dục của các trường hay không, thưa ông?

Tôi không nghĩ vậy. Chất lượng đại học liên quan đến tầm nhìn, sứ mệnh và bối cảnh cụ thể của trường. Những yếu tố đó sẽ thúc đẩy cải thiện chất lượng, chứ không phải là các chỉ số do các tổ chức xếp hạng bên ngoài đưa ra. Các chỉ số bên ngoài có rủi ro là sẽ tạo ra sự lệch lạc giữa đòi hỏi của bảng xếp hạng và sự gắn kết của trường trong bối cảnh địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Tất nhiên, một số quốc gia đã thành công trong việc đưa một số trường đại học của họ lên vị trí đầu bảng, như Trung Quốc và Ả Rập Xê Út. Nhưng phải hiểu rằng, đó chỉ là thành công chậm chạp và hạn chế của một vài trường khi so với tổng số trường đại học ở các quốc gia đó. Và có lẽ cái giá phải trả là việc kém đầu tư cho phần còn lại của hệ thống giáo dục đại học tại các nước đó.

Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Mục tiêu hiện nay của đại học này là nằm trong top 300 đại học châu Á. Ảnh: N.T.B


Nhưng dẫu vậy, việc tăng hạng vẫn là mong muốn cho nhiều trường đại học, trong đó có các trường ở Việt Nam. Để tăng thứ hạng, họ có thể làm gì?

Họ cần có niềm tin vào sứ mệnh, tầm nhìn đại học của họ, để từ đó xây dựng chiến lược dựa theo sứ mệnh và bối cảnh cụ thể, như thế sẽ có ích về dài hạn. Một số nước như Hà Lan, Úc, Singapore đã đầu tư mạnh vào đại học suốt nhiều thập niên. Họ không quá quan tâm chuyện xếp hạng mà tập trung vào đóng góp của đại học cho xã hội, cho kinh tế. Kết quả là các nước đó có vị trí khá tốt trong các bảng xếp hạng.

Theo ông dự đoán, các bảng xếp hạng có thể thay đổi tiêu chí ra sao trong tương lai?

Nếu quá chú trọng vào việc tăng hạng, có rủi ro là các mục tiêu khác gần hơn với sứ mệnh của trường sẽ bị lãng quên, và lâu dài sẽ khiến ảnh hưởng của trường bị sút giảm.

Các tổ chức xếp hạng hiện chịu sức ép phải quan tâm hơn tới ảnh hưởng xã hội và trách nhiệm của các đại học, hay nói cách khác, là các mục tiêu “phát triển bền vững”. Các bảng xếp hạng cũng được yêu cầu phải quan tâm chất lượng đào tạo, trải nghiệm của sinh viên, đạo đức…

Cũng cần lưu ý rằng các trường ở “khoảng giữa” thường mới quan tâm nhất tới các bảng xếp hạng. Các đại học ở nhóm trên cùng - vốn lúc nào cũng xếp cao - ít quan tâm hơn, trong khi các trường ở nhóm dưới cùng cũng ít quan tâm vì biết họ ít cơ hội tăng hạng.

Có thể thấy quan điểm của Giáo sư là các trường và chính phủ không nên cho rằng bảng xếp hạng nhất thiết bộc lộ chính xác chất lượng của đại học?

Nếu quá chú trọng vào việc tăng hạng, có rủi ro là các mục tiêu khác gần hơn với sứ mệnh của trường sẽ bị lãng quên, và lâu dài sẽ khiến ảnh hưởng của trường bị sút giảm.

Cần biết rằng không có khái niệm một đại học duy nhất, mà có rất nhiều loại đại học: đại học tầm cỡ quốc tế, đại học hàng đầu ở tầm quốc gia, đại học chuyên về nghiên cứu, lại có cả đại học cộng đồng... Sự đa dạng đó mới là sức mạnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khác nhau trong xã hội, trong thị trường lao động. Theo tôi, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định chất lượng của họ trong bối cảnh cụ thể, xác định đâu là viễn kiến, sứ mệnh họ theo đuổi, từ đó tìm ra cách cải thiện chất lượng, chứ không phải chạy theo các chỉ số xếp hạng.

Trần Lê Quỳnh thực hiện

Cuối năm 2022, tổ chức xếp hạng Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2023 (THE WUR 2023). Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Huế.

Cùng năm, Quacquarelli Symonds (QS) công bố xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á, với Việt Nam có 11 đại diện góp mặt.

Đầu năm 2023, một nhóm trong nước, VNUR, cũng công bố khảo sát riêng của họ, xếp hạng 100 trường tốp đầu Việt Nam.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.