Giao thông bền vững và bài học từ thế giới cho Hà Nội

 22:36 | Thứ tư, 16/07/2025  0
Trong thế kỷ XXI, khi các đô thị ngày càng đông đúc và tài nguyên dần cạn kiệt, khái niệm giao thông bền vững nổi lên như một giải pháp toàn diện, hướng tới phát triển hài hòa giữa con người, môi trường, kinh tế.

Nhiều quốc gia đã đi trước, thành công trong việc chuyển đổi hệ thống giao thông đô thị theo hướng xanh - sạch - hiệu quả. Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước chính là “tấm gương soi” quý giá để thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước ta nói chung có thể vạch ra con đường phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Giao thông luôn là một trong những lĩnh vực tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu không được quy hoạch, đầu tư và quản lý một cách bài bản, giao thông sẽ trở thành lực cản cho tăng trưởng, là nguồn gây ô nhiễm lớn và kéo theo hệ lụy về sức khỏe, an toàn, kinh tế.

Trong khi đó, việc phát triển giao thông bền vững lại mang lại nhiều lợi ích, chính vì vậy, không một quốc gia, một chính quyền nào có thể đứng ngoài xu thế này. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu biến động, sức ép dân số đô thị ngày càng tăng thì việc chuyển hướng sang mô hình giao thông bền vững không chỉ cần thiết, mà là một trách nhiệm bắt buộc.

Trên thế giới, nhiều đô thị đã và đang triển khai các mô hình giao thông bền vững thành công. Một số xu hướng chung gồm: Phát triển giao thông công cộng chất lượng cao; hạn chế phương tiện cá nhân; thúc đẩy giao thông xanh; ứng dụng công nghệ thông minh và tích hợp quy hoạch giao thông với quy hoạch đô thị.

Nếu được chọn một ví dụ tiêu biểu cho giao thông bền vững của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, có lẽ thành phố Copenhagen, Đan Mạch luôn nằm trong danh sách hàng đầu. Từ thập niên 1990, thành phố này đã xác định rõ hướng đi đó là lấy xe đạp là trung tâm của giao thông đô thị. Đến nay, hơn 50% dân số sử dụng xe đạp làm phương tiện chính để đi làm, đi học. Hạ tầng xe đạp của Copenhagen được đầu tư đồng bộ, an toàn, thân thiện.

Giao thông luôn là một trong những lĩnh vực tác động sâu rộng đến toàn xã hội.

Thành phố có hàng trăm km làn đường riêng cho xe đạp, cầu vượt chuyên biệt, hệ thống đèn tín hiệu thông minh ưu tiên người đi xe đạp. Các “siêu xa lộ xe đạp” nối liền trung tâm với ngoại ô, cho phép di chuyển nhanh chóng và thoải mái. Đặc biệt, thành phố áp dụng nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ tài chính cho người mua xe đạp điện, cải tiến nơi gửi xe, giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng phương tiện xanh. Nhờ đó, Copenhagen không chỉ là thành phố đáng sống mà còn giảm đáng kể lượng phát thải CO₂ và ô nhiễm tiếng ồn.

Cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á, Singapore cũng đối diện áp lực giao thông từ rất sớm. Từ thập niên 1970, Singapore đã áp dụng chính sách hạn chế phương tiện cá nhân thông qua việc đánh thuế cao khi đăng ký xe, kiểm soát số lượng ô tô thông qua hạn ngạch và áp dụng hệ thống thu phí điện tử đối với các khu vực nội đô vào giờ cao điểm. Song song, Singapore đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng với mạng lưới tầu điện ngầm, xe buýt nhanh, hệ thống kết nối liên hoàn giữa các khu dân cư và trung tâm đô thị.

Đặc biệt, Singapore đi đầu trong ứng dụng công nghệ giao thông thông minh như bản đồ số giao thông theo thời gian thực, chia sẻ dữ liệu mở, áp dụng AI để điều hành mạng lưới đèn giao thông. Tất cả hướng tới một đô thị thông minh, tiết kiệm thời gian và giảm ô nhiễm.

Nằm sát Việt Nam, Trung Quốc nổi lên như quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi giao thông điện hóa, đặc biệt ở mảng xe buýt và taxi. Thành phố Thâm Quyến là điển hình khi trở thành đô thị đầu tiên trên thế giới hoàn toàn thay thế xe buýt truyền thống bằng xe điện, với hơn 16.000 xe vận hành không phát thải.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều đô thị lớn tại Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm rộng khắp, giá rẻ, tốc độ cao, giúp giảm mạnh lượng phương tiện cá nhân trên đường phố. Các ứng dụng di động như WeChat tích hợp dịch vụ giao thông thông minh, đặt vé, theo dõi tuyến, giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu tích hợp giao thông xanh vào quy hoạch đô thị, phát triển mô hình TOD lấy nhà ga làm trung tâm, xung quanh là nhà ở, dịch vụ, văn phòng, nhằm rút ngắn quãng đường di chuyển, giảm nhu cầu sử dụng xe cá nhân

Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, để đạt được giao thông bền vững, chính quyền đóng vai trò trung tâm trong mọi mắt xích: từ hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, phân bổ ngân sách, truyền thông thay đổi hành vi đến tổ chức triển khai cụ thể.

Tương lai là phép thử

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn, Chỉ thị 20 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12.7 đã xác định rõ một trong những định hướng trọng tâm là kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân, đồng thời thúc đẩy phát triển giao thông công cộng và phương tiện thân thiện với môi trường.

Theo đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ hoàn thiện lộ trình phát triển hệ thống giao thông công cộng ngay từ năm 2025, kết hợp với kiểm soát khí thải từ xe cơ giới. Đặc biệt, việc ban hành và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện đường bộ phải được hoàn tất trong quý III.2025, tạo cơ sở cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn phát thải trong lĩnh vực giao thông.

Nếu biết tận dụng tốt Chỉ thị 20, thành phố Hà Nội có thể từng bước chuyển mình trở thành một đô thị xanh, bền vững, là hình mẫu về tái thiết môi trường đô thị ở Việt Nam.

Song song, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu bổ sung quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông, đồng thời rà soát các chính sách ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào phương tiện giao thông xanh. Đây là bước đi quan trọng để hình thành thị trường phương tiện thân thiện với môi trường, thúc đẩy sự dịch chuyển từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện hoặc xe năng lượng sạch. Nhiệm vụ này cũng phải hoàn thành trong quý III.2025.

Về hạ tầng dữ liệu, Chỉ thị yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tích hợp với dữ liệu dân cư và các hệ thống chuyên ngành. Việc này cần được hoàn tất trong năm 2025, phục vụ công tác quản lý đồng bộ, từ xử phạt hành vi gây ô nhiễm đến kiểm soát phương tiện không đạt chuẩn khí thải.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường cũng sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng tăng chế tài xử phạt, khắc phục khoảng trống pháp lý và nâng cao hiệu lực thực thi. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để tiến tới thiết lập vùng phát thải thấp (LEZ) tại các đô thị lớn, hạn chế và loại bỏ dần các phương tiện gây ô nhiễm khỏi không gian đô thị.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù mang tính tổng thể cho cả nước, nhưng rõ ràng, các nội dung trong Chỉ thị như kiểm soát phương tiện cá nhân, phát triển giao thông xanh, xây dựng vùng phát thải thấp đều trực tiếp nhắm đến những địa phương như Thủ đô, nơi tập trung dân cư, phương tiện và hoạt động kinh tế xã hội dày đặc nhất.

Việc hạn chế phương tiện cá nhân hoặc áp thuế môi trường có thể gây phản ứng nếu không có giải pháp thay thế khả thi. Đây là một rào cản lớn khi thực hiện Chỉ thị 20, nhất là tại khu vực nội đô Vành đai 1 khi thời gian triển khai là không có nhiều.

Trao đổi tại toạ đàm do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu chính sách, báo cáo Thành uỷ, thông qua HĐND thành phố để thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện xe xăng, dầu sang xe điện.

“Các chính sách hỗ trợ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hoà, trên nền tảng các số liệu tổng hợp, rà soát, thống kê chi tiết cho khoảng 450.000 xe máy chạy xăng trong Vành đai 1. Thành phố cũng thiết lập các chính sách bổ trợ như thu đổi xe xăng sang xe điện, chi phí liên quan việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới sẽ được hỗ trợ gần như 100%”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Cụ thể hơn, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh sẽ hỗ trợ tối đa, đúng nhóm người sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cư dân sinh sống trong khu vực vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định, với chính sách chuyển đổi phương tiện cá nhân, thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực.

Rõ ràng, dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu biết tận dụng tốt Chỉ thị 20, thành phố Hà Nội có thể từng bước chuyển mình trở thành một đô thị xanh, bền vững, là hình mẫu về tái thiết môi trường đô thị ở Việt Nam. Muốn làm được điều đó, cần một chiến lược rõ ràng, một đội ngũ thực thi quyết liệt và một cơ chế giám sát minh bạch. Tương lai môi trường Thủ đô không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà là phép thử về bản lĩnh chính quyền và sự đồng lòng của toàn xã hội.

Anh Tuấn

Nguồn laodongthudo.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.