LTS. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không, một khi bệnh dịch được kiểm soát.
Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, dịch vụ...). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (nông sản, thực phẩm, dược phẩm…). Do vậy, cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ.
Bàn tròn trực tuyến Người Đô Thị thực hiện trên số báo 96 (phát hành ngày 27.4.2020), giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, những doanh nhân - thành phần chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.
***
![]() |
PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM. |
Thời gian gần đây, báo chí trong nước và quốc tế đưa tin rầm rộ về cây "ATM gạo". Đây là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với tính sáng tạo và hiệu quả rất cao, rất kịp thời cho người nghèo. Đây chỉ là ý tưởng của một doanh nhân mà hiệu quả đã lớn như thế, thì với một chính sách ở tầm vĩ mô chắc chắn phải có những động thái có tính chất bao quát hơn, hiệu quả hơn. Giờ này còn chưa triển khai thì chưa biết khi nào người dân mới nhận được tiền.
Tiếp theo, chủ trương của Chính phủ thúc đẩy đầu tư công là đúng đắn và cần thiết. Điều này có thể tạo thêm công ăn việc làm, kéo tổng cầu lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lường trước một số dự án trước đây còn tranh cãi về tính minh bạch, hợp pháp về đất đai, nguồn tài trợ… thì có thể vì lý do bối cảnh dịch COVID-19 lại nhanh chóng thông qua.
Các chính sách tài khóa hay tiền tệ lúc này nên được thực hiện theo tư duy thời chiến, như lời Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”, để đảm báo tính nhanh chóng và chính xác. Việc sử dụng một cách linh hoạt các công cụ chính sách lúc này cần ưu tiên tính cần thiết và kịp thời hơn là đảm bảo các tỷ lệ, chỉ tiêu hay hạn mức được phép. Làm sao lúc này, khoảng thời gian từ khi chỉ huy phát lệnh đến khi chính sách đi vào cuộc sống là tối thiểu, tính bằng đơn vị ngày.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kêu cứu, muốn được hỗ trợ, cả doanh nghiệp nhà nước. Nói một cách ví von rằng nhà đông con, gặp lúc khó khăn đứa nào cũng khóc thì mẹ biết cho ai bú trước? Bầu sữa ngân sách là nguồn lực hữu hạn, giải cứu phải dựa trên sự phân loại, doanh nghiệp nào bị đe dọa đến sự tồn vong thì mới được hỗ trợ.
Nên ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vì khu vực này rất dễ bị tổn thương, vì vốn mỏng, quỹ dự phòng để tồn tại trong trường hợp không có doanh thu rất ít. Trong khi, đây là lực lượng kinh doanh linh hoạt, sẽ giúp cho nền kinh tế dễ phục hồi khi dịch qua đi.
PV