Sinh thái tự nhiên
Hà Nội có nhiều thuận lợi về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, nông nghiệp và là nơi chứa đựng quỹ di sản văn hóa lịch sử phát triển đô thị và nền văn minh nông nghiệp. Tầm nhìn 2030 của quy hoạch Hà Nội đáp ứng các mục tiêu phát triển: xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại – tất cả đều hướng tới thành phố sinh thái (tự nhiên và nhân văn) - kinh tế. Tuy nhiên vấn đề là phải quản trị thành phố thế nào để cân bằng sinh thái - kinh tế?
Hà Nội trước đây rộng gần 1.000km2, năm 2008 Hà Nội đã mở rộng thêm toàn bộ diện tích của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh Vĩnh Phúc và các xã Đông Xuân, Tiên Xuân, Yên Bình,Yên Trung huyện Lương Sơn – Hòa Bình với diện tích mới là 3.325km2. Trong 6,2 triệu dân Hà Nội hiện nay mới có 3 triệu dân đô thị, còn 3,2 triệu dân đang sống trong các làng xã ngoại thành, đã hình thành một hợp nhất nông thôn – đô thị toàn diện, đó là một tổng thể nông thôn - đô thị theo mô hình “đô thị - làng quê”.
Trong quá trình chuyển đổi nông thôn – đô thị, lĩnh vực bất động sản phát triển nhanh và gia tăng cho tương xứng với toàn bộ nền kinh tế thành phố. Ngành sản xuất phụ và nông nghiệp truyền thống sẽ trở nên chuyên sâu và được công nghiệp hóa thông qua kỹ thuật mới. Những xí nghiệp nông thôn sẽ phát triển thành những xí nghiệp công nghệ cao đô thị hóa, giảm đi mức độ ô nhiễm công nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng những nhu cầu phát triển tại vùng ngoại vi.
Động lực để phát triển một hợp nhất nông thôn - đô thị toàn diện là đô thị hóa nông thôn và phát triển các đô thị vệ tinh.
Tầm nhìn 2030 của quy hoạch Hà Nội đáp ứng các mục tiêu phát triển: xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Ảnh: CTV
Theo kinh nghiệm một số nước, đô thị hóa nông thôn không thể chờ công nghiệp hóa và hiện đại hóa thúc đẩy mà phải tiến hành đồng thời, đô thị hóa phải trở thành khâu then chốt phát triển nông thôn.
Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hoá là một quá trình làm biến đổi thành phần cơ cấu lao động nông thôn và cơ cấu sử dụng đất. Do vậy đô thị hóa nông thôn ngoại thành Hà Nội phải gắn với xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy giải quyết 3 vấn đề đang hạn chế nông nghiệp phát triển là: bảo hộ nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp và thương phẩm hóa nông nghiệp.
Quá trình đô thị hóa ở các xã nông thôn sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của đô thị xét về quy mô dân số, cơ cấu lao động và cơ sở hạ tầng.
Các thị trấn, thị tứ công nghiệp - dịch vụ sẽ làm điểm tựa phát triển khu dân cư nông thôn, giữ vai trò thúc đẩy đô thị hóa nông thôn và quy hoạch các khu phố nhỏ, tuy nhiên mảng xanh vẫn là chủ đạo.
Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, cần coi trọng công năng tỏa sáng của thành phố trung tâm như: phát huy tác dụng của trung tâm trao đổi và lưu thông thông tin, tiền vốn và nhân tài, phổ biến văn minh đô thị. Thông qua việc phát huy công năng tỏa sáng của thành phố trung tâm phát triển các huyện lỵ, thị trấn mang màu sắc riêng của nông thôn phù hợp với đổi mới kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Các huyện lỵ thị trấn sẽ trở thành các đô thị vệ tinh “nhỏ” của thành phố trung tâm, đây là khâu then chốt của đô thị hóa nông thôn.
Do vậy, Hà Nội cần có những chính sách cụ thể để thực hiện đô thị hóa nông thôn xây dựng các đô thị vệ tinh thích hợp trong một hợp nhất nông thôn - đô thị toàn diện, tuy nhiên cần bảo tồn mảng xanh ngoại thành.
Chiến lược không gian xanh của Hà Nội là hành lang xanh được hình thành dựa trên ý tưởng không gian xanh sông Đáy, sông Tích, dọc sông Hồng, sông Nhuệ, đầm Vân Trì - sông Cà Lồ, Nam Linh Đàm, trong đó vùng đệm xanh tập trung chủ yếu ở phía Nam sông Hồng, giữa vành đai 3 và 4. Trong không gian xanh tổ chức các khu vui chơi giải trí cấp quốc gia, cấp vùng với các loại hình công viên lịch sử công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên cây xanh tự nhiên, công viên cây xanh chuyên đề... kết hợp với hồ điều hòa, cây xanh bảo tồn thiên nhiên.
Khai thác sinh thái tự nhiên bằng việc tổ chức ba đô thị sinh thái Quốc Oai, Chúc Sơn, Phước Thọ nằm giữa các sông Tích, sông Đáy với các dòng chảy quanh co uốn lượn tự nhiên.
Đô thị hóa nông thôn ngoại thành Hà Nội phải gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lê Bích
Quy hoạch Hà Nội cũng đã xác định không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh và các không gian xanh đô thị.
Hành lang xanh chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo tồn những khu vực tự nhiên quan trọng như sông hồ vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn, làng xóm, làng nghề truyền thống…
Vành đai xanh ở ven đô là để giúp cải thiện môi trường đô thị và không để đô thị phát triển tự phát lan tỏa ra vùng nông thôn ngoại vi, ra ngoàiranh giới tăng trưởng đô thị.
Không gian xanh đô thị (nêm xanh) hiện nay ở Hà Nội còn hạn chế, cần phấn đấu đạt 10-15m2/ đầu người. Cần bổ sung mảng xanh hai bên bờ sông Hồng vì đây là mảng xanh nhiệt đới nằm ngay xương sống của thành phố.
Tuy nhiên cần kết hợp cây xanh với mặt nước. Các khu vực cây xanh thiếu hệ thống nước sẽ không gây được cảm xúc. Chỉ tiêu cây xanh tính cho đô thị khi có mặt nước được tính bằng một nửa diện tích mặt nước.
Sông hồ đã tạo cho Hà Nội một vị thế và diện mạo có một không hai ở nước ta. Tuy nhiên, con người Hà Nội đã khoác lên các sông hồ một diện mạo mới, diện mạo văn hóa. Phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh là lựa chọn mang tính chiến lược của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững và là xu thế đang diễn ra trên toàn thế giới.
Sinh thái nhân văn
Thành phố văn hiến có thể hiểu một cách đơn giản là thành phố mà cư dân có truyền thống rất yêu chuộng văn hóa. Văn hóa như là một chất keo kết nối các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, tạo nên hình hài và bản sắc dân tộc trong đô thị. Nếu như văn hóa có khả năng bao quát trực tiếp, bảo đảm tính bền vững xã hội, tính kế thừa và không bị pha trộn ngay khi hội nhập vào cộng đồng thế giới, thì trong quá trình đô thị hóa cần chú ý đúng mức khai thác sức mạnh của chức năng văn hóa như là hệ điều chỉnh và động lực cho sự phát triển đô thị.
Hà Nội mở rộng sẽ tạo điều kiện để văn hóa người Tràng An thanh lịch có dịp giao lưu với văn hóa thấm đẫm chất dân gian của xứ Đoài và một số vùng lân cận để tích hợp nên những nét văn hóa phong phú hơn sinh động hơn, hình thành bản lĩnh văn hóa đô thị của Hà Nội khi hội nhập quốc tế.
Hà Nội cần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương trên cơ sở bảo tồn đô thị lõi lịch sử. Ảnh: CTV
Thành phố văn minh trước tiên phải là thành phố sống tốt bao gồm môi trường sống lành mạnh và đời sống xã hội văn minh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thành phố sống tốt là mục tiêu chung của quy hoạch phát triển xã hội và chiến lược bảo vệ môi trường của Hà Nội.
Môi trường sống lành mạnh có nghĩa không khí, nước và đất phải sạch, khu gom xử lý chất thải rắn tốt, đa dạng chủng loài, đẩy lùi tình trạng khủng hoảng sinh thái. Hà Nội cần tiếp tụcgiảm ô nhiễm môi trường, tạo nên môi trường sinh thái tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đời sống xã hội văn minh: Hà Nội cần đảm bảo sự công bằng về xã hội (việc làm, thu nhập, giảm nghèo), sự công bằng về không gian (không có nhà lụp xụp rách nát, tiếp tục nâng cấp đô thị các ngõ nghèo, xây dựng nhà ở xã hội và cho người thu nhập thấp) và sự công bằng về môi trường (không có những khu vực ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng).
Hà Nội cần hướng tới thành phố sức khỏe (của tổ chức Y tế thế giới - WHO) và xây dựng xã hội học tập. Ảnh: CTV
Điều kiện tốt về môi trường văn hóa xã hội: xây dựng nếp sống văn minh, trật tự, mỹ quan đô thị, môi trường xã hội thân thiện, an toàn và an ninh trong cộng đồng, đây là vấn đề cốt lõi trong văn hóa đô thị. Hà Nội cần xây dựng thương hiệu “thành phố văn minh”.
Kiến trúc và cảnh quan đặc sắc: Hà Nội cần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương trên cơ sở bảo tồn đô thị lõi lịch sử: khu trung tâm chính trị Ba Đình và di tích Hoàng Thành Thăng Long; khu phố cổ Hà Nội (khu 36 phố phường); khu trung tâm có từ lâu đời (khu hồ Gươm); khu phố cũ (khu phố Pháp); cảnh quan di tích hồ Tây. Hà Nội cần có chính sách để bảo tồn và phát triển các khu vực trên.
Điều kiện tốt về môi trường y tế giáo dục: cần hướng tới thành phố sức khỏe (của tổ chức Y tế thế giới - WHO) và xây dựng xã hội học tập.
Điều kiện tốt về tiện ích công cộng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, không gian cộng cộng, công viên cây xanh, trung tâm thương mại dịch vụ...
Cần hướng tới thành phố đa truyền thông (multimedia city). Khác với thành phố thông minh (intelligent city) vẫn còn phân chia người giàu và người nghèo nhất là ở các nước đang phát triển, thành phố đa truyền thông cho thấy một xã hội đô thị tương lai có nhiều công bằng hơn, thông tin sẽ được đẩy xuống dưới đến người nghèo nhất. Các ứng dụng đa truyền thông dường như vô tận và các thành phố đa truyền thông có thể có các hình thức đa dạng, vấn đề là làm thế nào khai thác các sản phẩm công nghệ then chốt mới mẻ này để giải quyết các vấn đề nghèo khổ, thất nghiệp, phổ cập giáo dục, tình trạng y tế yếu kém, giao thông và tội ác v.v..
Hà Nội cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình kinh tế của thành phố. Ảnh: CTV
Kinh tế hiện đại
Thành phố hiện đại: trước tiên phải là thành phố có năng lực cạnh tranh kinh tế thì mới phát triển phồn vinh được, tức là hàng hóa và dịch vụ sản xuất tại đó được thị trường ưa chuộng, thành phố thu hút được nhiều vốn đầu tư, khách du lịch cả trong và ngoài nước và chất lượng sống tốt, đó là cơ sở để xây dựng thương hiệu thành phố.
Cơ sở để có năng lực cạnh tranh là GDP bình quân đầu người cao, cơ cấu kinh tế hiện đại. Do vậy Hà Nội cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình kinh tế của thành phố.
Về công nghiệp áp dụng những phát minh mới nhất về khoa học kỹ thuật để có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, ít gây ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ thuật quản lý hiện đại, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, nông thôn sinh thái.
Hà Nội cần hướng đến “thành phố carbon thấp” (low carbon city), giảm khí thải nhà kính, để thành phố có hạn ngạch khí thải nhà kính tham gia vào thị trường carbon quốc tế.
Về dịch vụ tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, nhất là các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và thế mạnh của thành phố như: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh bất động sản; phát triển trung tâm tài chính mang tầm Đông Nam Á… Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hiện đại đồng bộ với hạ tầng truyền thống.
Liên kết vùng bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam và Phú Thọ để trở thành điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài và cả nguồn nhân lực nước ngoài, hướng đến thành phố quốc tế, thành phố toàn cầu.
Hà Nội cần xây dựng hệ thống cấp và thải nước đáp ứng yêu cầu, tiếp tục thực hiện chống ngập nước. Ảnh: CTV
Trong những năm qua, đã xuất hiện một kiểu nhà mới của thành phố, đó là các phức hợp chung cư cao tầng hiện đại, đô thị hóa theo chiều ngang trước đây đã chuyển ngày càng nhiều theo chiều cao, hệ số sử dụng đất đã tiết kiệm không gian cho việc mở rộng không gian xanh.
Hà Nội có thể xây dựng hàng triệu m2 nhà ở/ năm với những công trình cao tầng hiện đại, các khu văn phòng siêu thị, trường học và dịch vụ công cộng, có kiến trúc đa dạng… kết hợp với các khu công viên cây xanh hình thành những khu đô thị mới với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại ở các vùng ngoại vi đang trong quá trình đô thị hóa.
Phát triển thành phố theo mô hình tập trung - đa cực, theo hướng phi tập trung hóa để kết hợp cả hai lối sống nông thôn và thành thị.
Phát triển trung tâm đô thị phần mở rộng theo hướng hiện đại kết hợp với truyền thống dân tộc để tạo nên bản sắc văn hóa trong kiến trúc. Cần xây dựng công trình tiêu biểu cho Hà Nội .
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại đồng bộ, nhất là về giao thông, bao gồm cả metro trong đô thị ngầm và đường sắt trên cao để giảm ách tắc giao thông.
Xây dựng hệ thống cấp và thải nước đáp ứng yêu cầu, tiếp tục thực hiện chống ngập nước. Cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Phát triển công nghệ thông tin và viễn thông.
Quản trị tốt để phát triển bền vững
Để thành phố trở thành thành phố xanh-văn hiến-văn minh - hiện đại, hướng đến thành phố sinh thái – kinh tế, vai trò quản trị của chính quyền đô thị Hà Nội có ý nghĩa quyết định, bao gồm:
Quy định pháp luật và sự tham gia của cộng đồng: cần đổi mới thể chế chính sách, điều chỉnh kịp thời các cơ chế chính sách đã lỗi thời và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý (theo phươg pháp quy hoạch và quản lý đô thị có sự tham gia của cộng đồng) để trở thành động lực và nguồn lực cho phát triển, đó chính là cơ sở hạ tầng thông minh để phát triển thành phố.
Công khai minh bạch là cơ sở để phòng và chống tham nhũng.
Hướng tới sự nhất trí của các nhóm lợi ích trên cơ sở quy định pháp luật.
Bình đẳng giới là cơ hội để cải thiện và duy trì sự cân bằng xã hội.
Hiệu lực và hiệu quả là tiến trình mà các tổ chức quản lý thực hiện sản sinh ra các kết quả đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng, trong khi đó sử dụng tốt nhất các nguồn lực.
Trách nhiệm trước công chúng là của chính quyền, các tổ chức tư nhân và các tổ chức xã hội hay là của tất các thành phần tham gia, trách nhiệm cụ thể sẽ khác nhau tùy theo từng tổ chức, trong đó bản lĩnh của chính quyền phải cao.
Tầm nhìn chiến lược: lãnh đạo và công chúng cần có tầm nhìn rộng và dài hạn về sự phát triển trên cơ sở nhận biết về lịch sử, văn hóa và sự phức tạp của xã hội làm căn cứ để xác định tầm nhìn. Hướng tới nguồn lực sinh thái và lịch sử độc đáo của thành phố. Xem thành phố như một tổng thể, nỗ lực tạo ra một thành phố có thể tái tạo nguồn lực và đa chức năng.
Các thành phố lớn như Hà Nội thiết nghĩ sẽ được trung ương phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: CTV
Do vậy Hà Nội cần tiếp tục cải cách hành chính thực sự, thực hiện chính phủ điện tử và khảo sát chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới phương pháp quy hoạch theo phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất giữa các bản quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quy hoạch xây dựng của Hà Nội để tìm ra mục tiêu quy hoạch chung đảm bảo công bằng, sống tốt và tính bền vững có sự tham gia của cộng đồng và các nhà đầu tư. Sự phối hợp giữa các đơn vị với sự tham gia cả cộng đồng trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chính là yếu tố thành công.
Quy hoạch phân khu không nên cứng nhắc kiểu hình học mà cần linh hoạt, hợp lý và đa dạng.
Các thành phố hiện nay đang đấu tranh với ba xu hướng cực lớn: toàn cầu hóa, đô thị hóa, phân cấp/phân quyền hóa. Do vậy các thành phố lớn như Hà Nội thiết nghĩ sẽ được trung ương phân cấp mạnh mẽ hơn nữa.
Ngân hàng - tài chính lành mạnh theo hướng đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng hạn chế tối đa nợ xấu và tăng nguồn thu cho ngân sách, cũng là một tiêu chí quan trọng.
Nguyễn Đăng Sơn
(Phó viện trưởng viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Hà Nội muốn hướng đến thành phố sinh thái – kinh tế thì trước tiên phải quản trị thành phố tốt (quản trị nhà nước tốt và ngân hàng- tài chính lành mạnh) để cân bằng giữa sinh thái (tự nhiên và nhân văn) và kinh tế, đảm bảo có môi trường sống tốt và có năng lực kinh tế cạnh tranh và tính bền vững.Đó chính là bốn tiêu chí của một thành phố phát triển bền vững theo WB.