UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động số 23 ngày 3.2.2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước nhằm phát triển bền vững hệ thống đô thị và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.
Cụ thể, cần tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị. Xây dựng đô thị theo hướng phát triển các đô thị vệ tinh; phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.
Hà Nội muốn đầu tư đường sắt cao tốc đến Vinh. Ảnh minh hoạ.
Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch… Đồng thời sẽ triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, cũng như đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động.
"Nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai)", thành phố nêu.
Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương các giải pháp thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro tại Thủ đô.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2027 phải hoàn thành tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm, các tuyến còn lại của vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, thành phố cũng tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Đồng thời nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi).
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng được giao cải tạo các tuyến đường thuỷ nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất về 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435mm (hiện là khổ đơn 1.000mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD.
Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.
Ưu điểm của phương án này là sẽ hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới... và nhược điểm là chi phí đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.
Đánh giá về 2 phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.
Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.
Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.
Trước đó, tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28.2.2023, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Theo đó, Bộ Chính trị xác định đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội-Vinh; TP.HCM-Nha Trang).
Anh Hùng