Hai cây nấm lạ

 17:15 | Thứ năm, 08/05/2014  0

Đặt mình là khách

Bạn nam tên Nguyễn Hùng Minh và bạn nữ tên Mai Thị Kim Oanh, cả hai cùng mê nấm. Vì vậy, họ quyết định nghỉ việc và mở một nhà hàng chuyên bán các món nấm tại quận 1 TP.HCM. Nhà hàng Vườn Nấm của họ khai trương ngày 19.12.2012 với 70 món nấm, đến giờ thì thực đơn nấm lên tới 90 món. Tất cả các món ăn được chế biến tại nhà hàng của họ đều không sử dụng bột ngọt.

Bọn họ chia nhau công việc rõ ràng: Hùng Minh lo đối ngoại, những việc lớn; còn Kim Oanh lo việc đối nội, quản lý nhân viên, chăm sóc khách hàng. Oanh kể, thường quan sát xem khách có dùng hết thức ăn không và nếm lại thức ăn thừa khi khách chừa lại nhiều.

Theo Oanh, khách để thừa thức ăn trên bàn có hai dạng: một là chê món ăn dở, hai là đã quá no. Vì vậy, sau khi khách ra về, Oanh sẽ gọi hỏi thăm nhận xét của khách hàng về món ăn, cách phục vụ… Oanh còn huấn luyện nhân viên học thuộc thực đơn, nhớ sở thích khách ngồi chỗ nào, ăn món gì, khẩu vị ra sao… Còn Minh thì đích thân dắt xe cho khách chỉ để… có thời gian trò chuyện thêm với khách.

Oanh chia sẻ: “Không yêu cầu bán được nhiều, nếu khách gọi quá nhiều mình cũng tư vấn khách nên giảm lại. Mình muốn khách thích cách phục vụ của nhà hàng mà đến chứ không phải đến một lần rồi đi luôn”. Còn Minh thì thổ lộ: “Mặc dù kinh doanh là để kiếm tiền, nhưng mình làm vì đam mê chứ không phải kiếm tiền bằng mọi cách”.

Họ luôn để ý và đặt mình ở cương vị khách hàng để có thể phục vụ chu đáo đến từng chi tiết. Có lần một vị khách đến nhà hàng yêu cầu nghe nhạc jazz, trong khi nhà hàng đang phục vụ nhạc của thập niên 1980. Để đáp ứng yêu cầu này, khi khách vắng dần, nhà hàng mở jazz phục vụ riêng vị khách này. Từ đó, họ có thêm khách hàng “ruột”. Lần khác, họ đích thân chạy xe từ quận 1 đến Gò Vấp giao hai bịch ruốc nấm, chỉ để đến tận nơi nghe khách hàng đánh giá sản phẩm.

“Tự cung tự cấp” mới an tâm

Nhớ hồi chuẩn bị mở nhà hàng, đôi bạn đã lặn lội đi Củ Chi, lên Đà Lạt… tìm đến tận các trang trại trồng nấm để tìm hiểu quy trình rồi mới đặt hàng. Các nguồn nguyên liệu như thịt bò, cá hồi, rau củ quả… cũng được tìm hiểu nguồn cung, xuất xứ rõ ràng rồi mới mua. Oanh cho biết: “Mình phải xem quá trình làm, nhìn thấy tận mắt. Phải cảm nhận món ăn đó tốt, cảm thấy yên tâm mới giới thiệu cho khách”.

Gần nửa năm sau, khi nhà hàng đã tạm ổn, họ mở thêm trang trại ở Củ Chi để tự trồng nấm. Họ còn  đầu tư nuôi bò sữa để lấy phân trồng nấm (không dùng phân hóa học), còn sữa bò để bán. Thường thì nhà sản xuất tìm đầu ra bằng cách mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cách kinh doanh của đôi bạn này có vẻ như là một quy trình ngược. Tuy nhiên, Minh cho biết: “Khi kinh doanh phải nắm phần tiêu thụ ổn hơn. Bán cái khách hàng cần chứ không phải cái mình có sẵn”.

Để đảm bảo độ an toàn của thực phẩm, họ muốn tự làm mọi thứ. Với sản phẩm mới là ruốc nấm hương, tuy có thể mua nấm khô ngoài chợ rất nhiều và rẻ nhưng họ không yên tâm. Còn món nấm kim chi làm từ nấm bào ngư khô cũng được phơi trên giàn để đảm bảo vệ sinh. Ngay cả món tráng miệng họ cũng tự làm. Minh cho biết: “Mình cảm thấy tự tin hơn khi sản phẩm do chính mình trồng, chính mình làm vì người nhà mình sẽ là người sử dụng đầu tiên”.

Hai người họ luôn bất đồng quan điểm nhưng đều thống nhất cách kinh doanh thật thà với khách, đặt mình là khách, phục vụ thân thiện, vui vẻ. Với họ, khách hàng càng khó tính thì họ càng có cơ hội để tự hoàn thiện mình.

Bài và ảnh: Vịnh Lâm

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.