Hạt gạo trong chính trường Thái Lan

 15:00 | Thứ tư, 26/02/2014  0

Hạt gạo Thái và sức nặng chính trị

Ngay từ khi thủ tướng Yingluck nhậm chức nhờ sự ủng hộ của đông đảo nông dân, hạt gạo Thái Lan trở thành minh chứng của quan hệ giữa nó với nền kinh tế. Từ đó, hạt gạo trực tiếp lẫn gián tiếp gây sóng gió trên chính trường Thái.

Không khó hiểu khi về mặt lợi ích, hạt gạo đụng đến lợi ích của không ít “thế lực”. Phần đông là nông dân Thái, nhưng cũng phải kể đến nhóm lợi ích kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Nếu nông dân là thành phần ảnh hưởng trực tiếp đến phiếu bầu, thì doanh nghiệp lại là “nhóm” có khả năng cung cấp nguồn lực về tài chính.

Cả hai đối tượng này, trong một thời gian ngắn đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế lúa gạo nhiều nước trên thế giới và nội chính Thái Lan. Gạo Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan… nhiều phen lên xuống do lượng, và chất của gạo Thái thời gian qua thay đổi rất nhiều. Rõ ràng hơn, cũng chính nông dân và doanh nhân lúa gạo, một cách gián tiếp khiến bà Yingluck “lên rồi xuống”, và ông Suthep “bại rồi thành”.

Thế "thượng phong" của bà thủ tướng

Ngay sau khi phong trào biểu tình do thủ lĩnh Suthep Thaugsuban phát động, Thái Lan đối diện với rất nhiều khó khăn do sự hỗn loạn của nền kinh tế. Trong đó, chính sách hỗ trợ giá gạo của thủ tướng nước này có nguy cơ phá sản.

Ngay sau khi phong trào biểu tình do thủ lĩnh Suthep Thaugsuban phát động, Thái Lan đối diện với rất nhiều khó khăn do sự hỗn loạn của nền kinh tế. 

Thực tế thì tới thời điểm trước khi ông Suthep phát động và cầm đầu nhóm biểu tình, Thái Lan đã rất khó khăn với chính sách trợ giá gạo. Việc trợ giá ở mức rất cao khiến ngân sách Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể, gạo Thái Lan mất thứ hạng do không thể xuất khẩu. Giới kinh doanh gạo vốn đang lẫy lừng, nay ôm hận vì dân sản xuất gạo nhiều, nhưng không mua nổi, và bán không ai mua. Chính phủ Thái phải chịu áp lực từ giới kinh doanh rất lớn, thậm chí bà thủ tướng còn bị nhiều thương gia, chuyên gia chính sách kinh tế cáo buộc sử dụng “chiêu bài dân tuý” nhằm tận dụng ủng hộ của số đông nông dân, mà bỏ qua lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên khi cuộc biểu tình diễn ra trong lúc chính sách trợ giá bị cho là “thoi thóp”, thì giới quan sát có nhiều ý kiến cho rằng đây là “cơ hội” cho bà Yingluck buộc tội thủ lĩnh biểu tình Suthep gây náo loạn xã hội, gây tê liệt chính phủ, khiến chính phủ không thể thực hiện chính sách trợ giá cho người nông dân. Với tình thế này, bà Yingluck vừa có thể an nhàn cất giữ ngân khố, vừa biến ông Suthep thành “tội đồ”.

Đồng tình với quan điểm này, có người nhận định nếu ông Suthep đợi đến khi nông dân nổi dậy do chính sách trợ giá gạo của Chính phủ “chết”, thì việc biểu tình sẽ như “diều gặp gió”.

Sự "cao tay" của thủ lĩnh biểu tình

Cứ tưởng người nông dân sẽ thay “bà chủ” Yingluck phạt trị người gây náo loạn chính trị - xã hội. Không ai ngờ, đối thủ của bà Yinglick lại là một chính trị gia cao tay. Ông Suthep vượt lên chiếm ưu thế nhờ vào việc tận dụng chính những kế sách mà bà thủ tướng sử dụng.
Cái sai lầm của bà Yinglick chính là sử dụng con dao hai lưỡi một cách quá mạo hiểm. Người nông dân suy cho cùng khi theo ủng hội bà làm thủ tướng chỉ vì lợi ích “trợ giá gạo”. Cụ thể, bà thủ tướng phải “phá giá” 50% giá thị trường để nhận lại lá phiếu ủng hộ.

Liệu thủ tướng Thái Lan có “chết” bởi chính vũ khí giúp bà đắc cử: chính sách trợ giá gạo cho nông dân?

Như vậy, thay vì nghĩ chiến lược “đổ thừa”, hay “mượn gió bẻ măng”, lẽ ra bà Yingluck nên tìm hiểu về “thế” và “lực” của ông Suthep và khả năng cung cấp lợi ích để phục dân của ông.
Xét về thế, ông Suthep mở rộng rất nhanh lực lượng biểu tình, và có khả năng gây sóng gió trên chính trường. Và thực tế lực lượng ủng hộ ông, bao gồm cả nông dân tại thời điểm xuất phát đã rất đông. Còn về “lực”, khả năng cung cấp tài chính cho nông dân của ông Suthep tuy không bằng ngân sách Thái Lan, nhưng khả năng vận đồng giới nhóm lợi ích và phe đối lập là có. Đặc biệt, giới kinh doanh lúa gạo vốn lắm tiền nhiều của lại đang chống đối bà thủ tướng.

Với uy tín và năng lực của mình, nhân danh khẩu hiệu “Nhân dân sẽ chỉ ra đi khi quyền lực nhà nước thuộc về họ”, ông Suthep đã vận động tạo nguồn quỹ nhằm hỗ trợ cho người nông dân, vốn đang khốn khổ vì chính sách trợ giá gạo bị ách tắc. Không khó đoán về sự ủng hộ của phe đối lập, bao gồm những người xưa nay chống dòng họ “quyền lực” Shinawatra, giới kinh doanh xuất nhập khẩu, giới tài chính bị ảnh hưởng khi gạo Thái Lan bị “bí” lối ra.

Thật khó bình luận rằng ông Suthep đã “cao tay” hay do bà Yunglick chưa thận trọng, nhưng mới đây nữ thủ tướng tiếp tục mắc cáo buộc tham nhũng trong chương trình hỗ trợ giá gạo mà bà từng dùng như một con bài chiến lược. Hôm 18.02 vừa qua, Ủy ban chống tham nhũng (NACC) đã đưa ra cáo buộc rằng bà Yingluck có thể bị buộc tội do vai trò của bà trong chính sách vốn gặp nhiều chỉ trích.

Dù bà Yingluck vừa lên tiếng phủ nhận, tuy nhiên nếu bà không chứng minh được lời phủ nhận ấy trước chứng cứ của NACC, hoặc thông tin về chính sách trợ giá gạo không được bà làm minh bạch, thì dù thực sự không tham nhũng, chức thủ tướng của bà sẽ khó giữ. Nghĩa là, nữ thủ tướng “chết” do chính vũ khí vốn gắn bó với bà từ trước khi nhậm chức.

Thắng Nguyễn

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.