Hôn nhân như một chuyến ra khơi...

 18:20 | Thứ tư, 11/05/2016  0

 

Ảnh: internet

Bước vào hôn nhân cũng giống như việc thực hiện một chuyến ra khơi. Vậy, bạn đã thật sự sẵn sàng để ra khơi chưa? Hãy chuẩn bị những hành trang thật cần thiết theo lộ trình sau đây nhé!

Chặng 1: Chuẩn bị ra khơi

Việc đầu tiên bạn phải làm ở chặng này là hãy tự hỏi “việc ra khơi có thật sự cần thiết đối với mình?” Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, một số chàng trai, cô gái yêu thích, thậm chí tôn thờ sự tự do cá nhân nên họ không thích đời sống hôn nhân. Có thể, họ vẫn yêu và yêu hết mình một ai đó nhưng lại không muốn tiến tới hôn nhân. Đối với họ, yêu chỉ để yêu mà thôi! Do vậy, những người này sẽ không thích kết hôn và sống cuộc sống vợ chồng. Bạn có phải là người như vậy? Bạn vẫn yêu hết mình nhưng không cần tiến tới hôn nhân?

- Nếu câu trả lời là “có” thì bạn hãy khoan kết hôn. Hãy cho mình thêm thời gian để chiêm nghiệm lại bản thân bạn nhé!

- Nếu câu trả lời là “không” - có nghĩa là hôn nhân thật sự cần thiết đối với bạn thì hãy trả lời câu hỏi tiếp theo “Đã thật sự chín muồi để bạn tiến tới hôn nhân”?

Sự “chín muồi” bao hàm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chín muồi về tình cảm. Để có thể xác định xem đã thật sự “chín muồi” cho việc kết hôn chưa, bạn hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:

Hai bạn đã thật sự hiểu nhau?

Đây là yếu tố phải quan tâm hàng đầu trước khi bạn quyết định kết hôn bởi chỉ khi nào hai bạn tương đối hiểu nhau thì mới có thể song hành cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Đừng nghĩ rằng cứ để cho thời gian sống chung với nhau sẽ giúp hai người hiểu nhau hơn mà hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ. Làm được như vậy, tức là bạn đã chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho cuộc hôn nhân của mình. Điều quan trọng là sự hiểu biết lẫn nhau phải đến từ cả hai phía, xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi người. Tất nhiên, chúng ta không thể nào hiểu người khác một cách trọn vẹn nhưng ít nhất, bạn cần phải hiểu những điều thiết thực, có liên quan chặt chẽ đến đời sống hôn nhân của hai người. Những điều đó là:

- Định hướng tương lai. Người ấy dự định sắp xếp cuộc sống tương lai như thế nào? Dự định đó có phù hợp với bạn, hỗ trợ bạn hay đối lập với bạn? Nếu người ấy sẽ lập nghiệp ở thành phố trong khi bạn không thể thích nghi với nhịp sống của thành thị thì bạn phải suy nghĩ lại quyết định kết hôn của mình. Trong những trường hợp như vậy, cần phải có sự bàn bạc, trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất với nhau trước khi về sống chung một mái nhà.

- Quan niệm về con cái. Đây là vấn đề quan trọng trong hôn nhân. Bạn cần phải biết được người ấy mong đợi khi nào sẽ có con, có mấy đứa con và khoảng cách giữa các lần có con như thế nào? Khi biết được điều này bạn sẽ có sự chuẩn bị trước để sắp xếp cuộc sống. Cần phải mạnh dạn, thẳng thắn đề cập đến chuyện này và đi đến thống nhất trước khi chính thức thành vợ - chồng.

- Tính cách của người ấy. Để có được điều này, bạn cần phải có thời gian. Thời gian càng dài, sự tiếp xúc càng nhiều thì người ta càng bộc lộ rõ tính cách, bản chất của mình ra. Chắc chắn là qua thời gian yêu nhau, hẳn là bạn đã biết phần nào về người ấy. Tuy nhiên, trước khi kết hôn, bạn nên liên kết tất cả các sự kiện xảy ra giữa hai người lại để phác hoạ nên chân dung tâm lý của người ấy với những nét tính cách đặc trưng nhất. Làm được điều này sẽ giúp cho bạn có cách ứng xử hợp lý hơn khi hai người về chung nhà.

Hai bạn đã ổn định về mặt tài chính?

Chấp nhận kết hôn có nghĩa là bạn đã chấp nhận chia sẻ trách nhiệm và cả những gánh nặng về tài chính với người bạn đời. Sau kết hôn, bạn sẽ không còn nhận được sự chu cấp về tài chính của gia đình nữa mà sẽ phải tự bươn chải với cuộc sống của chính mình. Sẽ có vô số các khoản chi tiêu cho đời sống vợ chồng đòi hỏi bạn phải cùng gánh vác. Đó là chưa kể đến khi bạn có em bé, chi phí sẽ gia tăng một cách đáng kể. Do vậy, để tài chính không trở thành nguyên nhân của những xung đột trong đời sống vợ - chồng thì cách tốt nhất, hai bạn phải ổn định về mặt tài chính trước khi kết hôn. Hãy cùng nhau dự liệu những khoản chi tiêu cho đời sống gia đình và hãy so sánh, đối chiếu với mức thu nhập của hai người hiện tại để có phương án giải quyết phù hợp nhất.

Bạn có thể dung hoà được với người ấy?

Ảnh: internet

Chặng 2: Ra khơi

Mỗi người là một cá thể độc lập nên sự khác biệt là điều hiển nhiên. Trong thời gian yêu nhau, bạn thường nhìn người yêu bằng ánh mắt “màu hồng” nên sẽ khó thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế của người kia. Sau kết hôn, thời gian hai người bên nhau sẽ nhiều hơn và mỗi người sẽ sống thật với con người của chính mình mà khi yêu nhau, vì một lý do nào đó nên đã không được bộc lộ ra. Lúc này, bạn sẽ phát hiện ra những điều mà trước đây mình chưa từng biết về người ấy và chắc chắn rằng giữa hai người sẽ có nhiều sự khác biệt. Có những khác biệt là bình thường nhưng cũng có một số khác biệt đến mức đối lập sẽ gây cảm giác khó chịu cho bạn. Trong những trường hợp như vậy, nếu không biết cách để dung hoà thì mâu thuẫn sẽ dễ xảy ra. Tâm lý phổ biến của người trong cuộc là mong đợi sự thay đổi, điều chỉnh của bạn đời theo ý của mình mà ít khi chủ động điều chỉnh bản thân. Vì vậy, trước khi kết hôn, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và tâm thế điều chỉnh bản thân cho phù hợp với đối tượng. Điều chỉnh ở đây không có nghĩa là biến chúng ta thành một người khác mà là sự thay đổi trong cách phân tích, nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía để có được điểm chung trong cuộc sống vợ - chồng.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hành trang thì hai bạn hãy chọn thời điểm tốt nhất để tổ chức đám cưới. Đây là một việc rất quan trọng, đỏi hỏi sự đồng thuận của hai gia đình và nhất là của hai bạn. Song song đó, hai bạn cần bàn bạc thật kỹ để có được kịch bản cho ngày cưới của mình một cách phù hợp nhất. Cần nhớ rằng, đám cưới là một hình thức nghi lễ, không mang tính quyết định đối với hạnh phúc vợ - chồng nên không nhất thiết phải đầu tư quá mức vào nó. Tuỳ vào quan niệm về giá trị và hệ thống các mối quan hệ bạn bè, hai bạn cần có phương án tổ chức đám cưới cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cá nhân.

Có thể so sánh hôn nhân với hình ảnh của một loài hoa. Nếu bạn chăm sóc cho cây tốt thì sẽ có những bông hoa đẹp và ngược lại. Đặc biệt, trước khi trồng, bạn phải học hỏi cách thức trồng hoa. Tương tự như vậy, bạn phải chuẩn bị thật kỹ, trang bị thật đầy đủ và có tâm thế thật sự sẵn sàng trước khi kết hôn để có thể tạo dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc.

ThS Tâm lý Bùi Hồng Quân

 
bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.