Khi tin tức về việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei lan truyền rộng rãi, không chỉ nội bộ tập đoàn Trung Quốc này bất ngờ mà cá nhân tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman cũng choáng váng không kém.
Nếu xét về quan hệ mật thiết giữa ông Zeman và Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng thì hoàn toàn có thể hiểu việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của tập đoàn công nghệ này là một đòn giáng với tổng thống Czech.
Từ quan hệ mật thiết với chính phủ...
Trong một thời gian dài, Trung Quốc luôn coi Czech là bàn đạp cho lợi ích của mình ở châu Âu. Ngược lại, tổng thống Czech và các lãnh đạo cấp cao tuyên bố sẵn tham gia vào sáng kiến Vành đai - Con đường do Bắc Kinh khởi xướng năm 2013. Tổng thống Zeman trước nay luôn tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc và có kế hoạch đến thăm Bắc Kinh lần thứ năm vào mùa xuân này.
5 năm qua, dưới sự hợp tác tăng cường giữa hai chính phủ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei được lợi hơn cả thông qua việc ký kết hợp đồng với Văn phòng Tổng thống để thực hiện các chiến dịch quảng cáo sản phẩm. Đổi lại, Văn phòng Tổng thống sẽ được sử dụng điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ khác của thương hiệu Huawei. Bản hợp đồng đã được gia hạn hai lần.
Ngoài Văn phòng Tổng thống, Huawei còn tích cực hợp tác với những cơ quan và tổ chức thuộc chính phủ khác như cảnh sát, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp hay Văn phòng An toàn Hạt nhân để cung cấp thiết bị di động cho nhân viên cũng như quản lý truyền thông, thiết bị mạng và hệ thống công nghệ thông tin. Không chỉ vậy, Huawei còn ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển với các trường đại học hàng đầu của Czech.
Hiện có tất cả 330 nhân viên làm việc cho Huawei tại Czech; 30% số đó là người Trung Quốc.
Dự kiến Huawei cũng sẽ là nhà cung cấp mạng 5G của Czech.
... đến mối đe doạ an ninh quốc gia
Thế nhưng, việc Huawei có liên quan mật thiết đến những cơ quan, tổ chức được xem là quan trọng với an ninh quốc gia khiến Cơ quan An ninh Thông tin và Mạng quốc gia (NUKBI) lo ngại. Tháng 12/2018, NUKBI chính thức ra cảnh báo Huawei sẽ gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng.
Trong báo cáo của mình, NUKBI khẳng định mạng 5G là mối nguy bởi nó sẽ thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của xã hội. Đó không chỉ đơn thuần là phương thức kết nối mạng với tốc độ cao mà còn liên kết mọi thứ từ xe cộ cho đến bệnh viện theo cách không ai có thể tưởng tượng được trong một thập kỷ trước. Sẽ là không ổn nếu các cơ quan của chính phủ được liên kết với một mạng 5G không đáng tin, theo NUKBI.
Với việc chỉ ra đích danh công nghệ mạng 5G do Huawei cung cấp sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, Czech giờ đây buộc phải tìm cho mình nhà cung cấp phi Trung Quốc mới.
Ngay sau đó, Thủ tướng Andrej Babiš đã ra lệnh cho Văn phòng Chính phủ Czech ngừng sử dụng điện thoại di động do công ty Trung Quốc này sản xuất.
Bộ Y tế và Bộ Tư pháp ngay sau đó tuyên bố không tiếp tục thực hiện các hợp đồng mua máy chủ đã ký với Huawei. Skoda, nhà sản xuất ôtô lớn nhất Czech đã tạm thời đình chỉ việc Huawei tham gia đấu thầu các dự án của mình trong thời gian Huawei trải qua quá trình đánh giá bảo mật theo yêu cầu của NUKBI. Hợp đồng giữa Huawei và Văn phòng Tổng thống Zeman cũng đồng thời được xem xét lại.
Với sự “sủng ái” mà tổng thống Zeman dành cho Huawei trong gần 5 năm qua, đương nhiên lời cảnh báo đến từ phía cơ quan tình báo của Czech và những hành động của thủ tướng và các bộ ngành khiến ban lãnh đạo của Huawei đã tỏ ra "vô cùng bất ngờ". Tổng thống Zeman cũng vậy.
Huawei đe dọa sẽ trả đũa cả về phương diện pháp lý và kinh tế đối với Prague. Tổng thống Zeman cũng chỉ trích ngược cơ quan tình báo sử dụng “chiêu trò bẩn thỉu”, đồng thời cảnh báo việc này sẽ làm ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến các công ty của Czech đang hoạt động ở Trung Quốc.
Và đương nhiên, với việc chỉ ra đích danh công nghệ mạng 5G do Huawei cung cấp sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, Czech giờ đây buộc phải tìm cho mình nhà cung cấp mới. Dù phương án phi Trung Quốc có phần đắt đỏ hơn và có thể làm chậm quá trình áp dụng mạng 5G, đó là phương án an toàn nhất.
Vì sao lại quay lưng lại với Huawei
Đây không phải là lần đầu những cảnh báo về Huawei là mối nguy với an ninh quốc gia được công bố.
Cảnh báo liên quan đến Huawei và mối liên hệ giữa các sản phẩm của công ty này với hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã xuất hiện trong báo cáo của dịch vụ Thông tin An ninh Séc từ năm 2013. Tuy nhiên, từ đó cho đến tháng 12/2018, không có phản ứng đáng kể nào từ các nhà hoạch định chính sách.
Đâu là nguyên nhân của thay đổi này?
Lý do đầu tiên đó là sự ngờ vực đối với Huawei. Điều 7, Luật Tình báo quốc gia Trung Quốc ban hành hồi năm ngoái nêu rõ: “Tất cả mọi doanh nghiệp và công dân sẽ phải hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với hoạt động tình báo quốc gia, và đảm bảo tính bí mật cho hoạt động tình báo quốc gia mà họ biết… Nhà nước sẽ bảo vệ các cá nhân và các tổ chức hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với hoạt động tình báo quốc gia”.
Canada, Anh, New Zealand, Na Uy và Nhật Bản đều bắt đầu xem xét lại mối quan hệ của họ với Huawei. Czech không phải là ngoại lệ.
Điều này có nghĩa tất cả các công dân và tổ chức Trung Quốc có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin khi được cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc yêu cầu. Lo ngại rằng Huawei có thể thay mặt cho chính phủ Trung Quốc truy cập vào thông tin và tài liệu nhạy cảm của các quốc gia liên quan là có cơ sở.
Lý do thứ hai có thể liên quan đến chính phủ Mỹ. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang ở nhiều lĩnh vực, từ thương mại, sở hữu trí tuệ đến các vấn đề địa chính trị. Mỹ kêu gọi các quốc gia đồng minh, các công ty điện thoại di động cũng như các nhà cung cấp Internet của mình tránh việc sử dụng thiết bị của Huawei do các rủi ro bảo mật có thể xảy ra, thậm chí còn gọi Huawei là công ty là sao chép và lừa đảo.
Mỹ cũng cảnh báo sẽ không hợp tác với các nước dùng thiết bị Huawei. Canada, Anh, New Zealand, Na Uy và Nhật Bản đều bắt đầu xem xét lại mối quan hệ của họ với Huawei. Czech không phải là ngoại lệ bởi nước này là đồng minh chính của Mỹ trong lĩnh vực an ninh mạng.
Bài học không chỉ của riêng Czech
Huawei luôn biện hộ luật của Trung Quốc đang bị hiểu sai và những cáo buộc liên quan chỉ dựa trên những bằng chứng gián tiếp.
Thế nhưng, lo ngại thực tế chính là cấu trúc sở hữu của Huawei có phần không minh bạch. Những sự việc liên tiếp xảy ra gần đây càng làm tăng thêm nghi ngờ về Huawei.
Trong thế giới mà tri thức và thông tin là sức mạnh, liệu có nên cho phép một công ty nước ngoài bị ràng buộc bởi những điều luật tình báo phải cung cấp thông tin ở nước khác được xây dựng hoặc vận hành thế hệ hạ tầng quan trọng tiếp theo không?
Sau sự kiện bà Mãnh Văn Châu bị bắt hồi cuối năm 2018, tháng 1.2019, tình báo Ba Lan đã bắt giữ hai người: Một trong số đó là Piotr D., sĩ quan cao cấp; người thứ hai là Weijing Wang, một trong những giám đốc của Huawei ở Ba Lan. Cả hai người đàn ông bị buộc tội gián điệp cho dịch vụ bí mật của Trung Quốc. Huawei tiếp nhận thông tin rất nhanh và lập tức sa thải Wang.
Không có bằng chứng công khai chứng minh rằng Huawei có liên quan đến tình báo Trung Quốc và đương nhiên công ty công nghệ này nhiều lần phủ nhận cáo buộc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Huawei sẽ có nghĩa vụ hợp tác và cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, nếu cần, theo Điều 7 của Luật Tình báo Quốc gia nước này.
Điều này đã gây ra rủi ro bảo mật rất lớn cho bất kỳ quốc gia nào có thể đang sử dụng mạng 5G được Huawei cung cấp.
Câu hỏi chính ở đây là liệu trong một thế giới mà tri thức và thông tin là sức mạnh, liệu có nên cho phép một công ty nước ngoài bị ràng buộc bởi những điều luật tình báo phải cung cấp thông tin ở nước khác được xây dựng hoặc vận hành thế hệ hạ tầng quan trọng tiếp theo không?
Bất kỳ quốc gia nào cũng có hai sự lựa chọn: mạng 5G rẻ nhưng có khả năng bị xâm phạm hoặc một giải pháp thay thế an toàn nhưng đắt tiền hơn. Tốt nhất vẫn là “dù tin tưởng vẫn (luôn luôn) phải xác tín”.
Maria Strasakova (Đại học Palacky Olomouc và Đại học Metropolitan Prague, Cộng hòa Czech)
Biên dịch: Hà Phương
_____________
* Tiến sĩ Maria Strasakova là giảng viên cao cấp khoa Nghiên cứu châu Á, Đại học Palacky Olomouc và Đại học Metropolitan Prague, Cộng hòa Czech. Lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, chính sách đối ngoại của Việt Nam và vấn đề Biển Đông.