Huế khi tôi hai mươi

 14:46 | Thứ ba, 10/03/2015  0
Trước 1975, và sau này nữa, ít ai biết tôi là người gốc Huế, có lẽ vì hai vùng rừng và biển của thời mới lớn đã choán đầy những trang viết của tôi.

Gọi là gốc, vì theo cách tính cha tôi là người sinh ở Huế, lại có cả một ngôi nhà tự ngay đường Đào Duy Từ, dưới chân cầu Đông Ba, nơi có nhiều nhà bán nem và tré. Với họ nội, cha tôi là một lãng tử, khi vừa trưởng thành ông đã nhảy tàu ra Vinh làm bưu điện, rồi phiêu dạt sang Lào. Trước khi gặp má tôi ở trại tù Bà Rá (Phước Long) chắc ông còn nhiều trạm dừng nữa.

Nữ sinh Huế nửa thế kỷ trước. Ảnh Swan Point Studio

Tin đồn về xứ, cha tôi kết hôn với “con tù Bà Rá” khiến họ nội tảng thần. Khi đã tám đứa con, cha tôi mới quyết định đem cả nhà từ Pleiku về quê cho đám cháu biết mặt họ hàng. Tôi lúc đó chưa tới mười tuổi. Chúng tôi được gặp những người bà con nói tiếng không giống tiếng của mình. Nhà cửa của những người bà con ấy thì tràn ngập trong không khí cổ xưa, cho dù đó là căn biệt thự ở Đập Đá của bà o, ngôi nhà nhiều cây cối um tùm trong Thành nội của ông bác hay căn phố mặt tiền nhìn qua chợ Đông Ba, nơi bán thuốc Cẩm Lệ bà Cửu Ới và cũng là nơi đầu tiên nhập xe Honda về Huế.

Sau chuyến đi đó, anh lớn nhất của tôi về Huế để học y khoa, ở với ông nội để coi như thay cha tôi trả hiếu. Khi anh tôi tốt nghiệp, cũng là lúc tôi vừa xong trung học. Một nữ sinh học ban toán, đã từng bị đuổi học vì làm tờ báo in ronéo cho lớp ở Phan Thiết như tôi, chỉ thấy Sài Gòn hợp với mình. Khi nghe anh tôi rủ ra Huế thi thử vào lớp dự bị y khoa, chỉ định thi… chơi, chẳng ngờ khi tôi đang học lớp vẽ phân độ để thi vào đại học kiến trúc ở Sài Gòn thì anh tôi nhắn, ra học ngay, lớp đã bắt đầu được cả tuần rồi. Chưa đi mà má tôi đã truyền đời là ra học một năm thôi, coi thu xếp mà về trong thời cuộc bất an, người chết rải từ Quảng Trị kéo vô tới Huế.

Năm đó tôi ra Huế, được ở trong một phòng thuộc căn phố kéo từ đường Trần Hưng Đạo dài miết tới vòng hào đầy sen dưới chân Thành nội. Cảm giác đầu tiên là mình được sống ở một nước khác, tiếng đã khó nghe, thức ăn cũng khác, đa phần được nêm nếm bằng mắm ruốc, nhất là canh, còn bún bò thì khỏi nói rồi. Có một thứ khiến tôi có thể cầm cự một thời gian dài ở Huế, đó là ớt. Ngày còn ở Pleiku, đất đỏ tốt cho nhiều loại cây, nhà tôi trồng hoa, bắp, rau các loại và không thể thiếu ớt, loại cây trái mà tôi thường dùng để chống lạnh. Mỗi bữa ăn ở nhà o tôi, bà bếp bày trên bàn trước mặt mỗi người là chén, dĩa, đũa, muỗng và… năm trái ớt xanh to, dài và thơm cột lại đầu cuống, đẹp như một đoá hoa lạ. Ngoài ba bữa ăn, khoảng bốn giờ chiều còn thêm bữa lỡ. Khoảng bốn giờ chiều, thường có một o bán bún bận áo dài đưa thẳng gánh cơm hến, bún bò vào nhà o tôi, ngon không kém gì các ”thương hiệu” nổi tiếng như Bún Mụ Rớt, Mụ Đỏ. Nếu bạn nghe ai đó nói ở đây, ăn xin cũng bận áo dài, kể cũng không ngoa. Ở căn nhà đối diện với cà phê Lạc Sơn ngay cửa vào chợ Đông Ba, chúng tôi rất quen thuộc một phụ nữ khó đoán tuổi, có lúc áo dài trang nhã, có lúc chẳng manh vải trên người cứ khiến người ta liên tưởng đến bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy.

Khi ngồi ghi lại những dòng này, điều tôi nghĩ về Huế, quê nội của mình, không là hương vị những món ăn, mà là những món nợ ân tình chẳng biết có kịp trả không, ngay ở kiếp này.

Sau 1975, Huế thông thương với miền Bắc nhiều hơn Sài Gòn nên đã du nhập nhiều món ăn khác vùng. Còn Huế khi tôi hai mươi vẫn khá bảo thủ, gần như không có những món nước của vùng khác như phở, bún riêu, cà ri... đừng nói gì bún mắm, hủ tíu. Ngoài các món ăn đặc sản của Huế như bún bò, bánh canh, bánh ướt thịt nướng, bánh khoái, nem lụi, giấm nuốc, cơm hến và các loại bánh bèo, nậm, bột lọc, ram, ít, xôi thịt hon… nơi đây chỉ phổ biến món mì có lẽ do nhu cầu từ người Hoa khá đông ở đây. Món ăn mang tên là “phở” tôi được thưởng thức bấy giờ ở Huế mà chủ quán là một người Hoa chẳng giống chút nào với phở Bắc. Nghỉ hè, trên đường về nhà, đêm đầu tiên ngủ lại ở Qui Nhơn, tôi nhờ bạn bè đi lùng sục kiếm ngay bún riêu cho đỡ nhớ.

Huế những năm 1960 qua ống kính phóng viên báo LIFE

Sinh viên Huế thời đó còn khá thân thuộc với trung tâm Xa-vi-ê của bên Công giáo, nơi có bánh patêxô ngon và rẻ. Bên Phật giáo thì có Liễu Quán, đối diện thư viện, có món yaourt tuyệt vời của nhà thầy Vĩnh Thiều làm. Người ta thường nói, Huế có hai điểm quyến rũ nhất là cảnh Huế và con gái Huế, còn hai điều đáng sợ là khí hậu Huế và… bà già Huế. Tôi nhớ trong những ngày mưa bão, các cô bạn gái của tôi nơi đây thường rủ đi ăn cháo lòng, tiết canh. Các cô ít đi ăn với bạn trai món này vì vừa ăn vừa nói chuyện ngó bộ không… thơ mộng lắm. Tôi thích đi ăn chè hơn vì chè Huế đa sắc đa vị, từ chè bắp ở cồn Hến tới chè hạt sen, đậu xanh, đậu ván, đậu phộng (bọc bột), kê vàng, khoai tím… đặc biệt nhất là chè heo quay bột lọc mà sau này tôi chưa thấy xuất hiện nơi đâu.

Khi hai mươi tuổi, tôi được ở ngay trung tâm của một thành phố văn hoá, trong nhà có nhiều người làm trong đó bà bếp nhà o tôi là một người nấu ăn tuyệt hảo. Nhiều món tôi được ăn ở đây có giai thoại đi kèm là những món đặc biệt của vua chúa ngày xưa. Trước đó tôi sống khá lâu với những người miền Nam ở Long Xuyên, người Bắc, người Thượng ở Pleiku, người Quảng ở Phan Thiết, người Huế cùng với người Quảng (Nam và Ngãi), người Bình Định thì gần như tôi được gặp khắp mọi nơi. Không như Sài Gòn là nơi dung chứa gần như món ngon tứ xứ, những món ăn của Huế chưa chắc ngon nhất khi ở Huế, nhưng những món ngon nhất của nơi khác khó sống nổi trên đất này. Người ta cũng nói về xứ này, là nơi đi để mà nhớ, chớ không phải ở để mà thương. Có người còn thêm, người Huế, đặc biệt con trai Huế, sẽ rất tuyệt vời khi lìa xứ, điều này ít ra có má tôi hoàn toàn đồng ý với chị em tôi qua hình ảnh cha tôi.

Duyên nợ của tôi với thành phố này kéo được chỉ hơn một năm. Ngay khi chưa lìa nó, tôi cũng tìm cách thoát khỏi nơi ở và chốn ăn khá tiện nghi kia mà dời đến ba khu ở trọ, tự túc nấu ăn. Có lẽ vì Huế đã đón tôi đến sống bằng một trận bão lớn. Sau tuần học đầu, có tin bà con ở vùng quê gần biển đói đến độ phải luộc cây xương rồng ăn. Tôi tham gia nhóm sinh viên ra đó với những gì quyên góp được. Được thấy bộ mặt thứ hai của vùng đất mà ngày xưa nước Việt có được nhờ đổi công chúa Huyền Trân và hiểu hơn thế nào là ăn để sống chớ không phải sống để ăn. Tôi cảm nhận quanh nơi mình sống có hàng hàng lớp lớp bóng ma oan khuất chung quanh. Khi ghé Khiêm Lăng cứ nhớ “Vạn Niên là Vạn Niên nào, Thành xây xương lính, hào đào máu dân” dẫn đến trận giặc chày vôi mà thủ lĩnh Đoàn Hữu Trưng chỉ vừa 22 tuổi. Huế đã chọn ngày kinh thành thất thủ làm ngày cúng tế trên ngàn rưỡi âm hồn. Rồi còn bao nhiêu cái chết thầm lặng khác sau này nữa, nhất là khi những người ra đi không chênh lệch bao nhiêu lứa tuổi hai mươi của tôi bấy giờ, trong ấy có Ý Nhi, một nữ sinh viên làm ở thư viện, từng là bạn chung phòng với tôi.

Bây giờ, ở cái tuổi gấp ba lần cái tuổi đẹp nhất đời người kia, khi ngồi ghi lại những dòng này, điều tôi nghĩ về Huế, quê nội của mình, không là hương vị những món ăn, mà là những món nợ ân tình chẳng biết có kịp trả không, ngay ở kiếp này.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.