Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận vào tháng 6.2017 về việc hoàn thổ của các dự án khai thác titan trên địa bàn cho thấy, giai đoạn 2011 – 2015 đã có 75 trường hợp chưa thực hiện công tác hoàn phục môi trường. Theo đó, mục tiêu từ nay đến hết quý I năm 2018, 39 khu vực mỏ còn lại phải giải quyết dứt điểm hoàn phục môi trường và đóng cửa 39 khu vực mỏ này.
Đánh giá của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, tình hình khai thác titan trên địa bàn đã gây ô nhiễm môi trường; sụt mực nước ngầm khu vực; hủy hoại tầng chứa nước; sa mạc hóa phát triển, “biến dạng” địa hình,… Tuy nhiên, thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm nay.
Không khó thấy những "hố bom" titan như thế này xung quanh khu vực dân cư và các khu du lịch ở ven biển Bình Thuận.
Từ hàng loạt sai phạm gây “biến dạng” địa hình, môi trường…
Báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Thuận, từ năm 2006 đến năm 2011, Phòng Tài nguyên khoáng sản và các ngành có liên quan thường xuyên đi kiểm tra các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn nhưng không phát hiện các công ty khai thác sử dụng nước biển khai thác và khai thác sai thiết kế.
Nhưng khi Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra thì lúc này mới kết luận, các công ty Đường Lâm, Công ty CP KS &TM Hưng Thịnh Phát, Công ty CP KS &TM Sao Mai, Công ty CP Dương Anh, Công ty CP Đô Thành có những vi phạm như: không thực hiện việc giám sát mức độ phóng xạ tại khu vực dự án khai thác; Không phân loại chất thải nguy hại; Chưa có sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần; Chưa có Giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Tháng 8.2011, kết luận 3185 của Thanh tra Chính phủ về hoạt động khai thác khoáng sản titan Bình Thuận cho thấy, 5 doanh nghiệp kiểm tra ngẫu nhiên (*) đều phạm hàng loạt sai phạm trong hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Không thực hiện đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa hoàn tất việc đóng mỏ, khuất tất thông tin báo cáo nước thải khu chế biến và khai thác, không có thiết kế mỏ, quản lý không đúng chất thải nguy hại,…
Đặc biệt, cả 5 doanh nghiệp này đều không có giấy phép xả thải, nước thải mặt và ngầm đều bị ô nhiễm với nhiều chỉ số vượt quy chuẩn cho phép, trong đó có ô nhiễm phóng xạ. Kết luận thanh tra cũng ghi rõ: tỉnh đã không giám sát chất lượng phóng xạ tinh tuyển ilmenite trong không khí và tổng hoạt động phóng xạ α, β trong nước.
Sống bằng nghề đi biển và trồng trọt, nhưng nhiều năm nay người dân khu vực huyện Bắc Bình bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động tiêu cực tới đời sống và sinh kế cho nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm phèn, mặn hóa; đất bị sa mạc hóa; cát bay; bờ biển bị bồi,… Nguy hiểm hơn, đa số người dân ở những vùng khai thác titan đều không biết về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác titan gây ra
Tháng 2.2016, trong kết luận thanh tra số 347 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận, 3 doanh nghiệp khai thác titan kiểm tra ngẫu nhiên (**) đều vi phạm đối với vấn đề xử lý nước thải. Nước thải phát sinh trong quá trình khai thác, tuyển quặng chưa được thu gom, xử lý dẫn đến tình trạng nước thải ngấm vào nguồn nước dưới đất; khu vực chứa quặng khai thác tuyển quặng khô và các kho chứa quặng thuộc nhà máy tách tuyển quặng chưa chống thấm, chống chảy tràn đúng quy định; nước khai thác gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất,…
Các công ty này đều khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 2.500 m3/ngày đêm – 6.000 m3/ngày đêm, để phục vụ cho việc khai thác titan.
Điều đặc biệt, cả 3 doanh nghiệp này có vi phạm giống nhau nhưng kết luận khác nhau; có doanh nghiệp yêu cầu lập hồ sơ xin phép xả nước thải, có doanh nghiệp không.
… Đến văn bản kỳ lạ của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngoài hàng loạt vi phạm của các doanh nghiệp khai thác titan, đặc biệt là sai phạm về nước thải như trên, nghiên cứu của TS. Tôn Thất Lãng, trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (nay là Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) còn chỉ ra, trong các chất thải phát sinh từ quá trình khai thác titan, nước thải từ công tác tuyển quặng có ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường.
Các hoạt động khai khoáng, lẫn việc môi trường, địa hình bị thay đổi, biến dạng so với ban đầu trong quá trình tuyển quặng và chế biến sâu quặng titan là những tác nhân khiến nước thải nhiễm phóng xạ.
Trao đổi với Người Đô Thị, nhiều nhà khoa học cũng nhận định, nghiên cứu và thực tế đã cho thấy, đặc thù trong khai thác titan là trên khai trường toàn cồn cát, nước được sử dụng tuần hoàn (tái sử dụng) và thường có tổng hoạt động phóng xạ α, β cao vượt quy chuẩn, nên cần phải xử lý nước thải.
Tuy nhiên, ngày 28.9.2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra một thông báo… kỳ lạ, mang số 86/TB-BTNMT. Theo đó, nội dung công văn này cho phép: các dự án khai thác titan thực hiện tuần hoàn, tái sử dụng nước từ quá trình tuyển quặng, không sử dụng bất kỳ hóa chất, phụ gia nào và không thải nước thải ra ngoài khu vực khai thác thì không phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả thải.
Titan khai thác được không hề đơn giản khi công nghệ khai thác chế biến hiện nay tại Việt Nam còn lạc hậu...
Ngoài ra, để giám sát tác động hoạt động khai thác titan đối với chất lượng nguồn nước dưới đất trên địa bàn, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các chủ dự án xây dựng chương trình quan trắc, giám sát chất lượng nước tại các khu vực khai thác để so sánh, đối chứng.
Trường hợp phát hiện ô nhiễm, hoặc có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất thì phải thực hiện thu gom xử lý nước thải mới được tái sử dụng và phải thực hiện việc chống thấm, chống tràn, hoặc điều chỉnh công nghệ khai thác titan đang áp dụng.
Đây là kết luận của Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển về giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, và các doanh nghiệp khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh báo cáo về việc khai thác, sử dụng nước trong hoạt động khai thác tuyến quặng titan.
Theo đó là hàng loạt văn bản hướng dẫn không lập hồ sơ xin phép xả thải sau đó.
Sai luật
Trao đổi với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thông báo số 86 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nội dung trái quy định tại Khoản 5 Điều 37 Luật Tài nguyên nước, và Khoản 3 Điều 16 Nghị định 201 năm 2013 của Chính phủ về các trường hợp không phải xin phép xả thải vào nguồn nước.
Đối chiếu tại Khoản 3 Điều 16 của Luật tài nguyên nước, các dự án khai thác titan ở Bình Thuận là đối tượng phải lập giấy phép xả nước thải vì không thuộc 4 trường hợp không phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước quy định (***).
“Điều này cho thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không căn cứ các quy định pháp luật hiện hành để hướng dẫn mà hướng dẫn theo suy nghĩ chủ quan của mình là các dự án khai thác titan Bình thuận không phải làm giấy phép xả thải.”, ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Thuận bình luận.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan nhà nước khác ngoài Quốc Hội chỉ có quyền dựa vào Hiến pháp và Luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, và không được đặt ra quyền, nghĩa vụ mới so với quyền, nghĩa vụ hiến định và luật định hoặc xóa bỏ quyền, nghĩa vụ hiến định và luật định.
Vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường không có thẩm quyền bổ sung trường hợp không phải xin cấp phép xả nước thải, ngoài 4 trường hợp đã quy định theo Luật Tài nguyên nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ở đâu trước những "hố bom" titan như thế này?...
… chồng sai luật!
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường “đẻ” ra trường hợp thứ 5 không cần giấy phép xả thải, vào tháng 2.2017, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cho ra công văn số 233 yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nước dưới đất tại các dự án khai thác khoáng sản titan.
Trao đổi với Người Đô Thị, ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Trưởng phòng khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho rằng, như vậy là sai luật chồng sai luật.
Ông Tám phân tích, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có quyền yêu cầu doanh nghiệp tổ chức quan trắc và thẩm định dự án quan trắc độc lập nếu pháp luật không quy định. Trường hợp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chứng minh hướng dẫn thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật nào? Nếu pháp luật không quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức quan trắc và tự cho mình quyền thẩm định dự án quan trắc là sai.
Ông Tám cũng cho rằng, thông qua xem xét cấp phép xả thải, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc xây dựng, thực hiện hệ thống quan trắc như thế nào và hàng loạt vấn đề khác theo pháp luật quy định, trong đó việc thẩm định sẽ do một hội đồng chuyên ngành xem xét. Làm như vậy sẽ minh bạch, khoa học, đúng pháp luật, thay vì làm tráo pháp luật như thông báo số 86 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay.
Giấy phép xả thải được xem là cơ sở đánh giá hiện trạng môi trường nguồn nước; là cơ sở kiểm tra, đánh giá việc xây dựng các hệ thống quan trắc; kiểm tra, đánh giá và giám sát việc xả thải của doanh nghiệp vào nguồn nước. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng kiểm tra qua hệ thống cấp phép khi có vấn đề. Vì vậy, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường “bỗng dưng” cho phép doanh nghiệp khai thác titan không phải làm giấy phép xả thải khiến dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: liệu Bộ có đang “bao sân” cho hoạt động khai thác titan?
Cũng vậy, dường như nguy cơ ô nhiễm phóng xạ đặc biệt nghiêm trọng cũng đang bị chính đơn vị đầu ngành về môi trường này “thả rông”!
Thiếu trách nhiệm và đạo đức công vụ
Theo ông Nguyễn Toàn Thiện, từ năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã có đề nghị các doanh nghiệp khai thác titan điều chỉnh quy trình khai thác, và thực hiện xử lý nước thải (do các mẫu nước thải sau khai thác và các hồ chứa có nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng) để không thải ra môi trường mức phóng xạ vượt mức cho phép.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào điều chỉnh, thay đổi quy trình, công nghệ khai thác và thực hiện xử lý nước thải. Trong khi đó, quy định của pháp luật là phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào môi trường, và trường hợp xả thải của các dự án titan không thuộc 4 trường hợp không phải xin phép xả thải, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời không phải làm giấy phép xả thải.
Ông Thiện cũng cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường viện dẫn Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan hướng dẫn pháp luật và Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định văn bản pháp luật nên vẫn lên kế hoạch thực hiện Thông báo số 86 dù biết là Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trái pháp luật. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm với cử tri và thiếu đạo đức công vụ.
Bài & ảnh: Lê Quỳnh
(Còn tiếp)
-------
(*) Gồm Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận, Liên doanh khoáng sản quốc tế Hải Tinh, công ty cổ phần du lịch Sài Gòn Hàm Tân; công ty TNHH thương mại Tân Cường Quang; công ty TNHH Việt Pháp.
(**) Gồm công ty TNHH Phú Hiệp, công ty TNHH đầu tư Sài Gòn, công ty TNHH thương mại Đức Cảnh.
(***) Các trường hợp không phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước quy định tại Khoản 5 Điều 37 của Luật Tài nguyên nước bao gồm:
a) Xả nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình;
b) Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ;
c) Xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó;
d) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa.