Khi các tủ sách tinh hoa “nốc ao”

 04:12 | Thứ hai, 19/05/2014  0

Giáo sư Chu Hảo, chủ nhiệm dự án Tủ sách tinh hoa, than thở: “Mỗi một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được hơn 2.000 cuốn, trên 84 triệu dân”. Chính xác hơn là mỗi đầu sách trong tủ sách này, thường số lượng xuất bản dao động từ 1.000 – 2.000 bản. Những cuốn sách Chính thể đại diện, Nền dân trị Mỹ…, số lượng bản trong mỗi lần tái bản chỉ cỡ 300 - 400 cuốn!

Số phận của tủ sách Cánh cửa mở rộng của nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt chắc cũng khó mà khá hơn. Chỉ sau hai năm từ ngày xuất bản những quyển sách đầu tiên đến nay, nhà văn Phan Việt đã thấy cần phải xuất bản những cuốn sách “dễ đọc, hài hước, điên rồ một tí” để thu hút người đọc.

Đó chỉ mới là con số xuất bản. Trong thực tế thì lượng người đọc còn ít hơn thế nữa do người ta thấy sách “tinh hoa” thường có mặt ở những quầy giảm giá của các nhà sách. Chưa kể đến việc có những “độc giả” chỉ mua sách để trưng bày trên kệ cho “oách” chứ chưa chắc gì đã đọc loại sách mà ngay cả nhiều sinh viên cho là “khô khan, khó hiểu” này. (Cần mở ngoặc thêm là trong số khoảng 84 triệu dân mà giáo sư Hảo đề cập có gần hai triệu sinh viên).

Là những người đã và vẫn đang ngưỡng mộ sự “thần kỳ” của nước Nhật thời Duy Tân, chúng ta thừa biết rằng chính những cuốn sách ấy đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chấn hưng đất nước của họ. Chỉ lấy số liệu để so sánh: theo giáo sư Trần Văn Thọ, trong vòng 15 năm đầu thời Minh Trị, trong những điều kiện dịch thuật vô cùng khó khăn, người Nhật đã có trên 1.500 đầu sách xuất bản ở Âu Mỹ được dịch, trong đó có những quyển xuất bản với số lượng hàng trăm ngàn, hàng triệu bản.

Giải Sách hay-2013 vừa trao ngôi vị khôi nguyên cho 14 cuốn sách thuộc 7 hạng mục. Trong số tác giả có sách được trao giải có đến 5 người là người Việt đang sinh sống ở Úc, Pháp, Mỹ, Đức và một tác phẩm đã từng được xuất bản ở miền nam trước năm 1975 (“Những giọt mực” - Lê Tất Điều). Các cuốn sách được giải đều xuất sắc, trong đó đáng chú ý nhất là các cuốn “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” do TS Nguyễn Đức Thành chủ biên, “Tại sao các quốc gia thất bại ?” do TS Vũ Thành Tự Anh tổ chức và hiệu đính, “Biển và chim bói cá” (tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn - ảnh), “ Chuyện nghề của Thủy” (Trần Văn Thủy - Lê Thanh Dũng), “Giã biệt hoang vu” (Nguyễn Hàng Tình). Công ty Văn hóa Phương Nam và Công ty Văn hóa Nhã Nam là hai đơn vị có nhiều sách được giải.

Người Nhật đã đưa những người tài giỏi của đất nước mình trực tiếp đi du học để mang tinh hoa tri thức nhân loại về đóng góp cho đất nước. Thế nhưng việc dịch thuật và xuất bản những tác phẩm tinh hoa mới là yếu tố quan trọng để nâng cao trình độ dân trí, mau chóng đưa mặt bằng dân trí của họ tiệm cận được với người dân của các nước phát triển. Đó là những hình thức “du học tại chỗ” với giá thật thấp nhưng vô cùng hiệu quả.
Như tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh từng nhận định, “mặt trời” của nước Nhật đã mọc lên từ những trang sách. Bài học và những “ông thầy” của cả trăm năm trước luôn nhãn tiền nhưng có mấy “học trò” chịu học…

Nếu làm cuộc điều tra bỏ túi về giới trẻ hiện nay, thử hỏi về những John Stuart Mill, John Lock, J. J. Rousseau, Alexis de Tocqueville… là ai chắc ít người trả lời được. Nhưng nếu câu hỏi đó là smartfone, facebook, The Voice, Next top model, So you think you can dance? Got talent… chắc có nhiều người rành rẽ. Những phiên bản truyền hình thực tế mà thực chất chỉ là những “hội tây” trên truyền hình này đã nhanh chóng được cập nhật toàn cầu và tạo ra những cơn sốt ở những nước nghèo nàn bé nhỏ thuộc “thế giới thế ba” như Việt Nam.

Với việc tiếp nhận văn hóa pop của phương Tây, rất dễ để những công dân của những nước nghèo nàn lạc hậu có cảm nhận về một sự “hội nhập”, “toàn cầu hóa”, cảm nhận về mình như là một “công dân của thế giới” khi đi xe hơi, ăn fastfood, nghe nhạc pop, uống coca cola, hát karaoke, chơi facebook, coi đá banh, phim “bom tấn” và coi truyền hình thực tế… Điều này cho thấy, có thể đã được giải phóng về mặt chính trị, nhưng về mặt văn hóa, các nước thế giới thứ ba mãi mãi vẫn là “thuộc địa” của các nước Âu Mỹ.

Thế nhưng có những sự hội nhập khó khăn hơn về văn hóa “tinh hoa” từ văn hóa phương Tây mà người Việt thường “chạy làng”, điều mà các nhà sản xuất hầu hết những tiện nghi hiện đại cho cả thế giới như người Nhật đã phải kinh qua trong quá trình Duy tân của họ… 

Tủ sách “Tinh hoa trí thức thế giới” được thành lập năm 2005 do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thực hiện dưới sự hỗ trợ tài chính của Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, thông qua nhà xuất bản Tri Thức. Với kế hoạch xuất bản mỗi năm khoảng 50 - 70 tác phẩm, nhưng đến nay, sau gần mười năm, chỉ xuất bản được khoảng trên 40 đầu sách. Ngay chỉ mới hai năm đầu thực hiện, các nhà làm sách “tinh hoa” này đã phải than thở vì khó khăn tài chính do ế ẩm, thiếu người đọc.

Nhưng thử lý giải vì sao những gì tinh túy của tri thức nhân loại trong thời đại được gọi là thời đại “kinh tế tri thức” này người Việt lại thờ ơ? Chúng ta đã đủ giàu mạnh, dân trí đã đủ phát triển đến mức không cần có những cuộc “trò chuyện thông minh” với những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại? Vì sao những cuộc chơi hời hợt, phù phiếm như các chương trình truyền hình thực tế hiện nay lại thu hút khá nhiều tâm trí của xã hội?

Có vẻ như “nhịp” chấn hưng dân trí của nước ta đã lỡ mất cả trăm năm rồi và vẫn còn tiếp tục bị bỏ lỡ. Ngày nay, đa số người đi học chủ yếu chỉ để học lấy những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thực dụng mà không cần phải biết tới những tri thức tổng quát. Có khá nhiều “trí thức” hôm nay cả đời không đọc đến văn học, triết học, kinh tế chính trị…

Đoàn Đạt

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.