Khi Facebook mở quán café, Apple tạo quảng trường và Google lập thành phố thông minh

 09:50 | Thứ hai, 26/08/2019  0
Cà phê miễn phí, xe đạp cho mượn và các sự kiện công cộng: Đây là một số tiện ích mà các thương hiệu công nghệ và ngân hàng cung cấp tại những không gian bán lẻ thế hệ mới.

Sau khi đối mặt với nhiều vụ bê bối về quyền riêng tư, Facebook đã công bố kế hoạch mở một loạt năm “Facebook Café” trên khắp Vương quốc Anh vào đầu tháng 9.

Ở đó, bạn sẽ có thể kiểm tra quyền riêng tư của mình cùng với cà phê miễn phí, theo Evening Standard. Kế hoạch này được gọi là một “trò PR”, có thể là vậy. Nhưng trong bối cảnh mà các công ty công nghệ đang xây dựng sự hiện diện trong các thành phố, có lẽ Facebook gia nhập bữa tiệc có phần hơi muộn.

Nhiều thành phố lớn vẫn đang hình dung xem cần phải làm gì trong một thế giới thời “hậu Amazon”: Những cửa hàng bán lẻ quen thuộc từng phủ đầy các con đường đã bị đóng cửa ồ ạt trong thập niên qua và điều này có vẻ không dừng lại.

Năm ngoái, 5.824 cửa hàng ở Mỹ đã phải đóng cửa và trong năm nay 7.062 cửa hàng đã đóng cửa; các nhà phân tích tin rằng cho đến cuối năm 2019 sẽ có hơn 12.000 cửa hàng phải đóng cửa.

Các doanh nghiệp thành công chuyển vào những chỗ trống này thường tập trung vào trải nghiệm, cung cấp dịch vụ cần thiết do con người phục vụ hơn là các loại hàng hóa mà người tiêu dùng dễ dàng đặt hàng qua mạng trực tuyến.

Chẳng hạn, các trung tâm trị liệu thể chất là một trong những dịch vụ “nóng nhất” trong xu hướng bán lẻ mới hiện giờ. Không chịu thua kém, ngành công nghệ cũng đang xây dựng một dấu ấn ngoại tuyến, tìm cách tái định vị các thương hiệu công nghệ như những sự hiện diện thân thiện, dễ tiếp cận ở các thành phố và khu vực lân cận.

Năm 2017, Apple bắt đầu điều chỉnh các cửa hàng của họ và miêu tả chúng như là những “town square” (quảng trường thành phố). Đây là một sự chuyển đổi tinh tế về mặt ngôn ngữ nhằm tái định vị các cửa hàng Apple như “những nơi tụ tập” và dĩ nhiên mang lại cơ hội để công chúng được sống cùng thương hiệu – sống cùng Apple.

Trong khi đó, công ty mẹ Alphabet của Google đang tiến xa hơn và “chiếm chỗ” trong các thành phố. Chẳng hạn, Alphabet có kế hoạch phát triển Quayside thành “một khu vực thành phố thông minh” ở Toronto – nơi sẽ có mọi thứ từ nhà cửa, không gian văn phòng cho đến khu vực công cộng – tất cả đều được sản xuất bởi tập đoàn công nghệ khổng lồ này.

Trở lại với ý tưởng Facebook Café. Facebook, với tư cách là một nền tảng kỹ thuật số, là một thương hiệu được xây dựng dựa trên bạn bè của bạn.

Bạn có thể không đánh giá cao các chính sách quyền riêng tư lỏng lẻo của Mark Zuckerberg, nhưng bạn yêu tất cả những bức ảnh cún con và em bé trên Facebook. Và bạn có khuynh hướng so sánh cuộc sống của mình với những người khác, vì vậy bạn tiếp tục quay lại đây.

Thế mạnh lớn nhất của Facebook là họ đã thực sự xây dựng quảng trường thành phố (kỹ thuật số), tuy nhiên, cũng đã làm méo mó quảng trường đó thông qua các thuật toán của họ.

Facebook có thể vẫn là một điểm đến phổ biến, nhưng nó không phải là một địa điểm. Ngoài các hoạt động bảo mật kém, việc giao dịch với dịch vụ khách hàng mơ hồ của Facebook cũng giống như hét vào một khoảng không. Chính vì thế, một quán cà phê ngoại tuyến có thể là một động thái PR thông minh của Facebook, làm dịu đi cảm xúc của công chúng, nhưng nó cũng là biểu hiện đầu tiên của Facebook cho một vị trí thực trên bản đồ với đội ngũ nhân viên mà bạn thực sự có thể nói chuyện với họ.

Facebook sẽ xuất hiện như một trải nghiệm thực với những con người bằng xương bằng thịt thay vì chỉ hiện diện trên môi trường kỹ thuật số.

Giống như Apple, Amazon và Google/Alphabet, Facebook muốn đưa thương hiệu của mình vào thế giới thực bằng một quán cà phê địa phương thân thiện, nơi bạn có thể dừng lại để uống cà phê nếu bạn đồng ý kiểm tra chính sách riêng tư trên tài khoản của bạn.

Khi các thương hiệu này trở thành địa điểm, chứ không chỉ là nền tảng kỹ thuật số, chúng sẽ có tác động sâu sắc đến các thành phố, biến các Phố chính (Main Street) trở nên tương đương với màn hình chính trên điện thoại thông minh của bạn.

Chúng ta vẫn phải chờ đợi để thấy chính xác bằng cách nào họ có thể làm điều đó và thay đổi cuộc sống của các cộng đồng. Nhưng các thành phố của chúng ta sẽ không bao giờ còn giống y như cũ.

Long Hồ

 

Nguồn theo Doanh Nhân Plus, Fast Company
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.