![]() |
Công nhân xuống than ở một nhà ga thuộc Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Ảnh minh họa: Washingtonpost |
Thứ nhất là than. Chỉ trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc tồn 3,3 tỉ tấn than do mở rộng quy mô khai thác hầm lò trong khi lượng cầu chỉ khoảng 4 tỉ tấn/năm và đang trong đà giảm, theo hãng đánh giá tín nhiệm Fitch. Trung Quốc có truyền thống nhập khẩu than. Tuy nhiên Tập đoàn Năng lượng Shenhua, nhà khai mỏ lớn nhất nước này, cho biết có kế hoạch đẩy mạnh xuất cảng, sớm đạt 10 triệu tấn than so với 1,2 triệu tấn than hiện nay.
Thứ hai là alumin. Những nhà sản xuất Trung Quốc cung ứng quá nửa lượng alumin của thế giới nhờ mở rộng sản xuất dù thị trường đang dư cung kim loại này. Hongqiao - công ty sản xuất alumin lớn nhất thế giới dự kiến nâng sản lượng lên 6 triệu tấn trong năm nay (năm 2015 là 5,2 triệu tấn). Động thái này được cho là làm giá giao dịch alumin rơi theo phương thẳng đứng, khiến các đối thủ cạnh tranh thiệt hại nặng nề.
Thứ ba là dầu. Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải ước tính Trung Quốc hiện dư công suất 200 triệu tấn dầu. Năm 2014, các nhà máy lọc dầu chỉ vận hành khoảng 2/3 công suất. Xuất khẩu dầu diesel tăng vọt (79% so với cùng kỳ), đạt 7 triệu tấn năm 2015. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ước lượng xuất khẩu ròng các loại dầu năm nay sẽ tăng 31%, đạt 25 triệu tấn.
Thứ tư là hóa chất. Khoảng 25 ngàn nhà máy hóa chất đang hoạt động trên đại lục dù con số thống kê của Trung Quốc khó tin cậy hoàn toàn. Phần lớn trong số này chuyên bắt chước, gia công những loại hóa chất thông dụng. Các nhà máy gia tăng sản lượng. Công suất sản xuất a-xít PTA (một loại a-xít hữu cơ để chế tạo hợp chất polymer) tăng 200% trong vòng 5 năm qua, giúp các nhà sản xuất Trung Quốc quét sạch lợi nhuận của các đối thủ cạnh tranh đến từ Nhật Bản.
Những ngành công nghiệp khác cũng dư thừa công suất nhưng hầu hết đều cố tỏ ra vô hại với thế giới. Các tập đoàn Nhà nước có thể yêu cầu mạng lưới công ty thành viên sử dụng sản phẩm dư thừa của tập đoàn mẹ để sản xuất, thí dụ như chế tạo xe hơi.
Tuy nhiên, chất lượng “ve chai” khiến Trung Quốc khó tìm được đầu ra ở thị trường xuất khẩu.
Tường Anh (Theo Economist)