Khác với chiến lược hướng đến chatbot tổng quát như ChatGPT (OpenAI), Zalo AI tập trung vào giải quyết một lĩnh vực cụ thể và đặc thù cho thị trường Việt Nam. Với cách tiếp cận này, các sản phẩm AI của Zalo được kỳ vọng sẽ có tính chính xác cao và tăng hiệu quả sử dụng trong thực tiễn cuộc sống của người Việt.
Dựa trên luật giao thông Việt Nam và các tình huống tham gia giao thông cụ thể, Kiki Giao thông hiện đang cho kết quả chính xác và chi tiết hơn so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, bao gồm cả ChatGPT.
Điểm tạo nên sự khác biệt về Chatbot AI - Kiki Giao thông dựa trên năng lực hiểu, phân tích câu hỏi từ người dùng và khả năng cho ra các câu trả lời chính xác cao nhờ vào nguồn dữ liệu từ các văn bản luật, tài liệu chính thống. Dù còn đang là phiên bản thử nghiệm hạn chế, song Kiki Giao thông đã được nhiều người dùng trải nghiệm đánh giá cao về mức độ trả lời chi tiết khi đưa ra các thông số chi tiết về mức phạt và các trường hợp nghiêm trọng dẫn đến ‘tước bằng’ người tham gia giao thông.
Trước đó, vào tháng 12.2023 mô hình ngôn ngữ lớn của Zalo đã có màn chào sân đầu tiên tại sự kiện Zalo AI summit, thông qua thử thách Kahoot và vượt qua GPT3.5, tiệm cận năng lực của GPT4. Tại các dịp lễ 8.3 và 20.10, mô hình ngôn ngữ lớn Zalo cũng đã thử nghiệm tạo ra hàng triệu bài thơ nhận được sự hưởng ứng lớn từ người dùng.
Theo Statistics, đến năm 2025, thị trường chatbot ước tính đạt tổng giá trị 1,25 tỷ USD. Hơn 50% người tiêu dùng lựa chọn việc trao đổi với chatbot hơn là gọi điện để được hỗ trợ và 64% người dùng internet đánh giá cao về dịch vụ hỗ trợ 24/24 của chatbot. Những xu hướng này sẽ tiếp tục định hình quy mô thị trường chatbot - một giải pháp giúp tăng trải nghiệm người dùng trong thời kì chuyển đổi số tăng cường.
Tr.Văn