Lời cảnh báo từ vụ ‘trẻ gặp nguy hiểm với đũa ăn’

 20:48 | Thứ sáu, 15/04/2016  0

Cha mẹ cần giáo dục trẻ khi ăn không được vừa ăn, vừa đùa nghịch, nói chuyện dễ bị xặc, nghẹn. Ảnh: internet

Cứu trẻ bị đũa tre găm vòm họng

Mới đây bệnh viện Nhi Đồng 1 có tiếp nhận một trường hợp trẻ bị tai nạn do đũa ăn cơm. Đó là bé T.T.N.H., 9 tuổi, nhà ở quận Tân phú, TP.HCM.

Thông tin từ người nhà bé H. cho biết, bé H. vừa ăn cơm vừa vui đùa với mấy em nhỏ trong khi đang cầm đôi đũa tre trên tay, bất ngờ có một bé khác từ sau xô tới đụng vào lưng. Cú va chạm mạnh từ phía sau làm đôi đũa tre găm thẳng vào vòm họng của bé H. Sau tai nạn trên, người nhà hốt hoảng đưa bé H. vào bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.

Bé H. nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, môi hồng, mạch và huyết áp ổn định. Sau khi thăm khám cẩn thận, bé được các y, bác sĩ cho chụp X-quang vùng sọ mặt kiểm tra, rất may đôi đũa tre không vào tới vùng sọ não nên chưa nguy hiểm tính mạng. Sau đó bé được chuyển lên khoa Tai Mũi Họng. Tại đây em được gây mê, thám sát vết thương và lấy đôi đũa khỏi vùng hàm mặt, sức khỏe của em dần ổn định.

Làm sao phòng tránh tai nạn cho trẻ?

Qua trường hợp trên chúng tôi nhận thấy phòng ngừa tai nạn sinh hoạt ở trẻ là vấn đề rất quan trọng, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Để phòng tránh những tai nạn này không phải dễ dàng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tuân thủ nghiêm ngặt của cha mẹ và người thân của bé. Để làm được điều đó chúng tôi xin đưa ra một số khuyến cáo sau:

Luôn giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi: Kịp thời giải thích ngay cho trẻ về sự nguy hiểm của các vật có thể gây nguy hiểm khi chơi, đùa nghịch hay sinh hoạt để trẻ có thể ghi nhớ ngay và cẩn thận hơn khi chơi.

Giáo dục trẻ khi ăn không được vừa ăn, vừa đùa nghịch, nói chuyện dễ bị xặc, nghẹn. Thường xuyên loại bỏ đồ dùng, đồ chơi gây nguy hiểm.

Học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ: Cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt, các loại thạch, kẹo cứng…Điều quan trọng nhất là phải luôn giám sát trẻ để chắc chắn rằng con mình luôn được đảm bảo an toàn.

 Giáo dục trẻ biết cách phòng tránh tai nạn thương tích cũng là một việc làm rất quan trọng.

BS Trần Văn Cường

(Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.