- Vừa qua Việt Nam đã gửi công hàm đến các nước thượng nguồn sông Mekong yêu cầu chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu. Cùng với đó là các giải pháp trước mắt như đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt; thực hiện các biện pháp thủ công sử dụng tích nước bằng lu, bể, ao chứa; thực hiện tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt.Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Việt Nam cần ứng phó với tình trạng này như thế nào?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Hiện tại đã có 12/13 địa phương ở ĐBSCL đã công bố thiên tai thì vấn đề nguy cơ cho nền kinh tế - xã hội khu vực là báo động, đòi hỏi quốc gia cần lưu ý và hỗ trợ kịp thời.
Việc Thủ tướng yêu cầu bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mekong Việt Nam khẩn trương có công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mekong để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL, có thể giải quyết tình thế thiếu nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo tôi, hiệu quả không lớn vì quá trình chuyển nước từ các hồ chứa thủy điện từ Trung Quốc sẽ thất thoát rất nhiều.
Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang khô hạn trầm trọng, nếu có xả nước, các quốc gia này sẽ tận dụng lấy nước và các vùng đất trũng đang thiếu nước sẽ “hút” một lượng nước lớn, phần còn lại xuống ĐBSCL sẽ rất nhỏ.
Ngoài ra, việc mong rằng Trung Quốc xả nước sẽ tạo một hệ lụy lệ thuộc và phải đánh đổi ở các khía cạnh khác.
- Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu đã đành nhưng chia sẻ nguồn nước, xây đập thuỷ điện là chuyện quốc gia cụ thể, gây ra những hệ luỵ ở hạ nguồn – Việt Nam, đã đến lúc cần quốc tế vào cuộc phân xử hay chưa? Nếu tình huống xấu nhất là các nước không đồng ý điều tiết nước cho ĐBSCL, chúng ta sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: ĐBSCL là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong nên hoàn toàn bị phụ thuộc khoảng 80% tổng lượng nước từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia mà chúng ta gần như không chủ động kiểm soát được.
Việc phân xử nguồn nước ở cấp độ quốc tế rất phức tạp và thiếu “trọng tài” hay “quan tòa” nào giải quyết. Còn thượng lượng theo con đường ngoại giao rất hạn chế và mất nhiều thời gian.
Chúng ta nên tiếp tục đấu tranh yêu cầu các nước thượng nguồn hoãn hoặc hủy các dự dự án thủy điện, mặt khác cần chuẩn bị với những thay đổi nguồn nước trong tương lai như: giảm diện tích canh tác lúa, chuyển sang một phần nuôi trồng thủy sản nước lợ hoặc nước mặn.
Sử dụng nước tiết kiệm, khôi phục các vùng trũng ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và các khu đất ngập nước nội địa để có những hồ chứa tự nhiên trữ nước mưa, nước lũ cho các tháng mùa khô.
Áp dụng bổ sung nhân tạo nguồn nước ngầm dưới đất cũng là một giải pháp bảo tồn tài nguyên nước. Chọn lọc các cây trồng và vật nuôi có khả năng chống chịu với hạn, mặn.
TS Nguyễn Thị Hải Yến: Đối với các đập thủy điện của các nước thượng nguồn, tôi cho rằng, những tài liệu có hàm lượng khoa học và dẫn liệu khoa học làm cơ sở cho tính pháp lý trong việc tôn trọng sử dụng nguồn tài nguyên chung, cụ thể là nguồn nước trong lưu vực Mekong, như SEA (Strategic Environmental Assesment) và MDS (Mekong Delta Studies) cần phải thúc đẩy MRC đưa vào sử dụng như những tài liệu pháp lý tham chiếu.
Để đảm bảo quyền lợi của VN đối với nguồn nước ở Mekong.
Chính phủ Việt Nam, ngoài việc thông qua các kênh đối thoại, phải tranh thủ cộng đồng quốc tế và lồng ghép vấn đề nguồn nước Mekong vào các công ước quốc tế về nguồn nước.
Phải chuẩn bị hồ sơ pháp lý để sẵn sàng thủ tục tố tụng trong tranh chấp nguồn nước với các quốc gia thượng nguồn.
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược do Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) thực hiện năm 2009, các đập Trung Quốc sẽ giữ lại 50% tổng lượng phù sa của dòng Mê Công, tức là làm giảm tổng lượng 160 triệu tấn xuống còn trên dưới 80 triệu tấn/năm. Nước mà thiếu phù sa, gọi là “nước đói”, thì gây sạt lở.
Như vậy, các đập thủy điện ở Trung Quốc tác động đến ĐBSCL chủ yếu là làm giảm 50% lượng phù sa, ảnh hưởng đến độ màu mỡ đất đai và nông nghiệp và gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Các đập ở Trung Quốc là đập có hồ chứa nên có khả năng vận hành theo mùa, tức là trữ nước trong mùa mưa và xả nước phát điện trong mùa khô.
ĐBSCL được chính dòng sông Mekong bồi đắp nên trong 6.000 năm vừa qua là nhờ lượng phù sa của sông Mekong.
Nay lượng này giảm xuống thì mất cân bằng, quá trình bồi đắp bị cắt đứt và quá trình ngược, tức là quá trình “tan rã” sẽ diễn ra.
Tôi cho rằng, trong 100-200 năm nữa, ĐBSCL sẽ chỉ còn là “tấm giẻ rách” tả tơi, do sạt lở. Điều này đã có kinh nghiệm ở Đồng bằng Mississippi bên Mỹ rồi.
Người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bơm chuyền nước từ kênh Trần Văn Dỗng lên các cánh đồng để cứu lúa đang bị hạn. Ảnh: Lê Quân - Zing
- Khi thiên nhiên đang ngày càng diễn biến bất thường, nhiều chuyên gia đặt vấn đề giải bài toán hạn, mặn, bằng thuỷ lợi và phát triển giống (con giống, cây trồng) chịu mặn. Giải pháp này liệu có phù hơp? Đặc biệt là ý kiến thay hoàn toàn lúa bằng việc nuôi tôm để ứng phó với thiên tai – xâm lấn mặn?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Thị trường sẽ quyết định tạo nên tất cả các cân đối và tự cân đối. Không nên ồ ạt bỏ lúa nuôi tôm, có thể gây ra những hệ quả nặng nề hơn.
Các địa phương ven biển nên dần dần mở rộng mô hình lúa – tôm (mùa mưa trồng lúa, mùa khô nuôi tôm) thì chắc chắn ít rủi ro hơn và phù hợp hơn đối với điều kiện tự nhiên, khả năng và tiềm lực kinh tế - xã hội hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Thiện Khi người dân hiện đang trồng lúa, bị xâm nhập mặn mất sinh kế thì sẽ khó khăn, không yên, nên chính quyền địa phương, báo chí, Chính phủ cũng không thể ngồi yên, và như vậy cả xã hội bị lao vào vòng xoáy phải “làm điều gì đó” mà chưa kịp tính toán ở tầm chiến lược.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng về lâu dài, cần phải định ra chiến lược, có mục tiêu rõ ràng, có tính toán lời lỗ chi phí và lợi ích, và thích ứng còn có nghĩa là thay đổi theo cho phù hợp với tình hình.
Thích ứng cũng nên dựa trên tình hình diễn biến chung, chứ không nên chỉ lấy tình hình của năm cực đoan để hình thành chiến lược cho nhiều năm.
Khi tiến hành biện pháp công trình, cần phải hiểu rõ và tính toán đầy đủ chi phí của các tác động về môi trường và xã hội.
TS Nguyễn Thị Hải Yến: Định hướng phát triển kinh tế, qui hoạch tổng thể và qui hoạch chi tiết cho các loại hình phát triển.
Đã đến lúc những nhà quản trị và những nhà khoa học của Việt Nam, cần phải cùng nhau quay lại phân tích và đánh giá những chính sách phát triển kinh tế trước đây ở ĐBSCL.
Cụ thể: việc cho phát triển ồ ạt nuôi tôm vùng bãi bồi (vùng đệm non trẻ), vùng phát triển trồng lúa lùi vào phía trong (vùng đệm ổn định hơn) của đới bờ.
Hai hoạt động nuôi tôm và trồng lúa này đã phá nát sinh cảnh tự nhiên của vùng bồi đắp bằng cách chuyển đổi các cánh rừng tự nhiên này thành ruộng lúa hoặc đầm nuôi tôm, và việc xe đất làm các kênh mương thủy lợi cho trồng lúa và nuôi tôm, chính là những nhân tai gây nên việc nhiễm mặn nặng nề hơn, và nhanh hơn.
Chúng ta cần phải thẳng thắn và trung thực thừa nhận rằng, chính sách cho phát triển như thế là để “giải nguy nạn đói sau chiến tranh” và phát triển kinh tế “nâng tầm xuất khẩu” trong quá khứ là những chính sách sai lầm mà bây giờ đang phải trả giá đau đớn.
Dựa vào mức độ nhiễm mặn theo vùng, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ban ngành của sở huyện, cùng các nhà khoa học cần xác định vùng nào, với mức độ nhiễm mặn bao nhiêu sẽ phù hợp cho trồng lúa hay nuôi tôm, hay các loại cây trồng vật nuôi khác.
Từ đó sẽ xây dựng bản đồ phân vùng canh tác theo loài và theo thời vụ cũng như các khu trồng rừng bắt buộc.
Để phát triển bền vững, các mô hình sản xuất có qui mô gây rủi ro nhiều cả về môi trường và kinh tế cần phải được hạn chế và kiểm soát. Chính vì thế, phải có hành lang pháp lý cụ thể và nghiêm minh.
Có những vùng quan trọng về môi trường, như vùng phòng hộ, vùng bồi đắp vành đai ngoài... cần phải nghiêm ngặt không được lấn chiếm cho các hoạt động kinh tế.
Có những vùng không thể sản xuất hoặc thuộc vùng phòng hộ phải có chính sách và công tác di dân lên các vùng cao giáp biên giới Campuchia, để ổn định cuộc sống của người dân, vừa bảo vệ lãnh thổ phía nam.
Một trong những rẫy mía thiệt hại hoàn toàn ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh:Việt Tường - Zing
Trồng và phục hồi các khu rừng ở các vùng bùn cát bồi đắp tạo vành đai bảo vệ bờ biển. Phải thay đổi tư duy trồng rừng cho mục đích bảo vệ bờ biển.
Phải trồng rừng đa dạng loài và phải tạo các cánh rừng nhiều tầng, có thế mới phát huy chức năng giữ phù xa của rừng cho mục đích chống lại việc chìm dần của vùng đới bờ trước thực trạng mực nước biển dâng.
Đồng thời cũng cho mục đích nâng nền vùng đới bờ và dần dần tạo vùng bờ bền vững tránh giảm sói lở.
"Theo các thông tin tôi có, hiện các nước cũng đang tìm tòi các mô hình canh tác thích nghi với hạn, mặn. Một số nơi có thành công nhưng cũng nhiều nơi thất bại, nhưng hiện chưa ai khẳng định mô hình của nước mình là hoàn toàn thành công cả. Một số quốc gia như Bangladesh, Nepal, Campuchea,… đã cử nhiều đoàn sang ĐBSCL để tìm hiểu các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng hạn – mặn của nông dân Việt Nam. Tôi cũng đã trao đổi với các đoàn quan chức và nông dân các nước này. Họ cũng đang trên con đường tìm kiếm các mô hình khả dĩ cho địa phương họ" - PGS.TS Lê Anh Tuấn
Trung Dũng - Lê Quỳnh thực hiện
» ĐBSCL đang bị 'bào mòn' diện tích đất mỗi ngày
» Miền Tây trong cơn khát - Kỳ 1: Thượng điền tích thủy hạ điền khan?