Mấy chục năm lênh đênh trên sông nước, ông Ba Chúc không còn nhớ đã vớt được bao nhiêu thi thể người, hay cứu sống bao nhiêu người sa cơ gặp nạn, bao nhiêu người có ý định tìm đến cái chết. Chính vì nghĩa cử đó, ông được người dân xóm chài đặt cho biệt danh rùng rợn: “Kẻ cướp cơm của tử thần”.
“Người sống không sợ thì thôi, sợ chi người chết”
Men theo con đường nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Chúc, sinh năm 1957 - thường được gọi là Ba Chúc. Chiếc ghe nhỏ đậu ở mé sông là nơi trú ngụ của vợ chồng ông và đứa cháu ngoại, trên ghe, các vật dụng gia đình hầu hết được các nhà hảo tâm gửi tặng. Trước đây, gia đình gồm vợ chồng ông và năm người con đều sinh sống trên ghe nhưng giờ bầy con đã lớn, lập gia đình và ra riêng.
Ông Ba Chúc quê ở Vĩnh Phúc. Năm 1954 cha ông vào Nam lập nghiệp, ông sinh ra và lớn lên trên sông Sài Gòn, nay khúc sông này cũng là nơi vợ chồng ông hành nghề chài cá kiếm sống. Mấy chục năm lênh đênh trên sông nước, ông không nhớ đã vớt được bao nhiêu xác và cứu sống bao nhiêu người.
Đưa điếu thuốc lên môi, kéo một hơi dài, ông Ba Chúc kể một câu chuyện làm ông nhớ mãi. Đó là một ngày nọ, thằng cu Tèo, cháu của anh Sơn cũng là người dân xóm chài, bỏ đi chơi, nhá nhem tối hàng xóm mới hỏi nhau, cuống cuồng đi tìm thằng bé. Như có linh tính mách bảo, ông Chúc vội vàng nổ máy ghe lao ra dòng sông. Đúng như ông nghĩ, thằng bé rơi xuống sông, đã uống no nước và nổi lập lờ. Ông nhảy xuống vớt thằng bé xám ngắt, mồm miệng ngập đầy sình lên. Cả xóm ai cũng bảo thôi thế là xong! Ôm nó trong tay, ông Chúc vẫn cảm thấy hơi ấm từ cái xác nhỏ bé ấy. Vác ngược thằng bé trên vai, ông cắm cổ chạy. Được chục bước chân, nước cùng bùn đất trong miệng thằng bé ộc ra. Xóm nhỏ hắt hiu bên sông lại vang tiếng thằng bé bi bô. Mỗi chiều, khi vác lưới lên bờ, ông Chúc hay ngắm nó. Niềm vui của người “hiệp sĩ” đôi khi chỉ đơn sơ là thế.
Nhớ lại lần đầu tiên cứu được người nhảy cầu, ông kể, trưa hôm đó hai vợ chồng đang ăn cơm ở trong ghe, vô tình nhìn lên cầu thấy có người vừa nhảy xuống, vất chén cơm ăn dở, ông nhảy vội lên ghe. Người vợ bên cạnh kể thêm: “Lúc hai vợ chồng mới lấy nhau, thấy ổng vớt xác tôi sợ lắm, không dám ngủ gần. Ổng xáp lại thì mình đạp ra! Thấy vậy ổng nói, người sống không sợ thì thôi chứ sợ người chết chi vậy em. Riết rồi tôi cũng quen”.
Đang trò chuyện, bất ngờ có cuộc điện thoại gọi đến cho ông. Nói chuyện xong, ông khoe đó là người con nuôi của vợ chồng ông ở Nghệ An điện vào hỏi thăm. Đứa con nuôi cũng là một nạn nhân đã được ông bà cứu sống. Lúc đó, vào đầu năm 2004, một tốp công nhân của công ty đường sắt 796 đang thi công sửa cầu Bình Lợi, bất ngờ dàn giáo sập, cả năm người rơi xuống sông. Đang buông lưới bắt cá, vợ chồng ông Chúc liền cho ghe nổ máy chạy đến. Ba công nhân bơi vào bờ, hai người còn lại đang vật vờ giữa dòng nước dữ thì ông đến kịp. Một trong hai người đó là Trần Đình Đức, quê ở Nghệ An, cảm phục ơn tái sinh đã xin vợ chồng ông nhận làm con nuôi. Chuyện đã chục năm, Đức giờ đã có gia đình, thi thoảng lại đưa vợ con đến thăm ba mẹ nuôi.
Đồng vợ đồng chồng đồng nghĩa cử
Những người may mắn thoát chết tỉnh dậy trong vòng tay ông đều được ông khuyên: “Cha mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi lớn đến ngày nay, mình huỷ hoại thân thể của mình là huỷ hoại công lao của cha mẹ. Con kiến nó còn muốn sống mà sao con người lại không muốn sống”.
Đồng vợ đồng chồng đồng nghĩa cử
Ấy vậy, có những khi mắt nhìn thấy người chìm xuống mà chậm chân không cứu được, lúc đó ông buồn bực lắm, trắng đêm không ngủ. Thành thử máy chiếc ghe ông sửa cho thiệt ngon, chỉ một lần giật là nổ, bởi nếu chậm trễ dù chỉ mấy giây, mọi chuyện có thể muộn màng. Từ việc nổ máy ghe, thắt dây ngang lưng, cột đầu còn lại vào ghe… tất cả động tác ấy phải làm thật nhanh vì thường khi người rơi xuống nước, “giã gạo” ba bốn cái là chìm.
Gần sáu mươi tuổi, cái tuổi người ta đã có thể nghỉ ngơi, ông vẫn mỗi ngày ai kêu gì làm nấy: đi đổ cá phóng sinh, đổ hài cốt, chèo đò, đánh chài… Lâu lâu lại có người kêu thất thanh: “Chú Ba ơi, ở dưới này có cái xác!”. Ông nhẩm tính, từ đầu năm đến giờ cứu được hai người, vớt tám cái xác. “Thanh niên đã đành, giờ người già cũng tự tử, đủ mọi thành phần”, nói đến đây ông thở dài. Lặng đi một lúc ông chợt khoe: “Hình như từ khi có cái cầu mới, bớt hẳn luôn nghen! Cầu sao cho đừng ai nghĩ quẩn”.
Người vợ của ông lại nghĩ đến những điều xa xôi hơn: “Người ta hay hỏi, sao đi sông nước cứu người không thấy sợ? Mạng đổi mạng chứ chẳng chơi. Tôi nói lại, ai cũng một lần sanh một lần tử, thấy người chực chết phải cứu, lương tâm mình bảo thế. Tôi không tin mạng đổi mạng hay gì hết. Giả sử bây giờ cứu được mười người rồi mình chết thì cũng chịu nữa. Trời cho mình cái duyên số mình cứu người chứ đâu phải ai làm cũng được”.
Chia tay vợ chồng ông, ngước nhìn lên cầu Bình Lợi, dòng người vẫn hối hả lướt qua. Mấy ai biết dưới chân cây cầu sinh – tử này, có một đôi vợ chồng bất kể ngày đêm, nắng mưa vẫn miệt mài cứu người mà không toan tính thiệt hơn.
Bài và ảnh: Thanh Tâm