Mùa tựu trường và nạn “chạy” lớp

 06:49 | Thứ sáu, 18/07/2014  0

Nhiều cha mẹ học sinh, đặc biệt là người không có hộ khẩu thành phố, phần nhiều vì thiếu thông tin nên phải bỏ tiền đi cầu cạnh, nhờ cậy các mối quen biết, hoặc ít nhất cũng đến các vị chức sắc của tổ dân phố, khu phố giúp đỡ. Một người bạn tôi ở ngoại thành, năm nay phải lo cho con vào lớp 1, vì chỉ có sổ tạm trú dài hạn (KT3) đã được ông tổ trưởng dân số thẳng thắn ra giá 2,5 triệu đồng. Nếu bạn tôi muốn chọn thêm vị trí trường gần nhà hay được học bán trú, tiền sẽ tính thêm. Một phần vì lo lắng, một phần thiếu thông tin nên bạn tôi đã đồng ý.

Theo tôi biết, thực tế các trường có chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… cơ bản không khác nhau nhiều, nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải xin xỏ, chạy chọt, do muốn gửi con vào trường mà họ tin rằng là “trường tốt”, “trường điểm”. Thực tế này theo tôi, bắt nguồn từ hai nguyên nhân: thuận tiện cho cha mẹ trong công việc, hoặc muốn con mình có thành tích học tập tốt. 

Là người cũng có con đi học, tôi cho rằng, ngành giáo dục cần phải tính toán, cân đối sao cho thật hợp lý để hạn chế tối đa tình trạng chạy chỗ học cho con vào các lớp đầu cấp bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Do vậy, ngành giáo dục phải phối hợp với địa phương (phường xã) sớm rà soát kỹ lưỡng số trẻ vào mỗi lớp đầu cấp. Đồng thời đo đếm khả năng tiếp nhận thực tế học sinh của các trường trên địa bàn để sắp xếp cho hợp lý. Như vậy, bên cạnh việc phải nắm chắc số trẻ ở các hộ có hộ khẩu thường trú, còn phải quản lý chặt số trẻ ở các hộ nhập cư, tạm trú. Thành thử, hàng năm, lực lượng hộ tịch phải biết rõ số trẻ trong độ tuổi đi học để phối hợp với ngành giáo dục có phương án chuẩn bị chủ động. Điều này, tôi cho rằng với cách quản lý người hiện nay, hoàn toàn không khó.

Khi đến ngày nhận đơn nhập học, các trường nên thông tin rộng rãi, công khai việc phân luồng, phân tuyến theo nhiều tiêu chí ưu tiên: khoảng cách từ nhà đến trường, sau đó mới theo nguyện vọng khác, nếu trường còn chỗ. Như vậy, phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn trường lớp, sao cho việc học của con phù hợp công việc của mình. Trước đây phân tuyến theo cách trẻ ở phường - xã nào sẽ học trường của phường - xã đó, nay trẻ được học nơi gần nhất, có thể ở phường này nhưng được học trường trên địa bàn phường khác nhưng gần nhà để đảm bảo việc đi lại. Cách làm này sẽ khắc phục được việc các học sinh phải đi xa nhà, đường phố quá tải xe cộ giờ vào học và tan học, đồng thời đảm bảo các học sinh thường trú trên địa bàn được ưu tiên giải quyết trước.

Nếu làm được những điều trên, là đã phần nào ngăn cản nạn chạy lớp, chạy trường. Việc trường nhận học sinh trái tuyến chỉ được xét rất hạn chế cho những trường hợp đặc biệt, có như vậy mới tránh việc lợi dụng thân quen hoặc dùng các lợi ích vật chất để chạy trường, làm xáo trộn việc sắp xếp trường lớp, ít nhiều gây vẩn đục môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, phải xử lý thật nghiêm các trường hợp đưa và nhận tiền để chạy trường, chạy lớp. Nếu chứng minh được cán bộ công chức trong ngành giáo dục hoặc quan chức địa phương nhận tiền lo trường, phải xử lý hình sự giống như hành vi đưa và nhận hối lộ.

Học tập là một quyền cơ bản của con người. Do vậy, tạo được những điều kiện thuận lợi để người dân có thể đưa con em đến trường một cách tốt nhất không chỉ hạn chế việc chạy trường mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, tích cực, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng dạy và học.

Chi Mai (quận 12, TP.HCM)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.