Nếp sống văn minh khởi đầu từ trật tự đô thị

 14:35 | Chủ nhật, 18/05/2014  0

TP.HCM, trước đây là Sài Gòn, đã trải qua hơn 300 năm hình thành và được kế thừa những tinh hoa tốt đẹp của các thời kỳ trước, bất kể chế độ xã hội và những thăng trầm lịch sử. Vì vậy dẫu rằng hàng năm vẫn có một số dân tứ xứ nhập cư vào thành phố, nhưng phong cách sống của người dân thành phố vẫn được bảo tồn và tạo thành điểm đặc sắc trong nếp sống. Đó là sự phóng khoáng, bao dung, chân chất, bình đẳng, nghĩa tình... Tuy nhiên, nếu phóng khoáng thoải mái quá mức sẽ dẫn đến tuỳ tiện như xả rác, phóng uế bừa bãi, bất chấp quy tắc giao thông và trật tự công cộng...

Thành phố đã có lúc được mang tên Hòn ngọc Viễn đông, song cư dân vẫn chịu sự chi phối của lối sống làng xã. Một số nếp sống có phần hủ lậu vẫn còn tồn tại trong thị dân như mê tín dị đoan, đánh đề, cờ bạc, say xỉn, hành hạ vợ con, tang ma cưới xin rềnh ràng...

Phạm vi của nếp sống văn minh đô thị rất rộng, bao gồm rất nhiều lĩnh vực như trên các phương tiện giao thông công cộng, hè phố, nơi sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí, nơi lao động cộng đồng, khu dân cư, cộng đồng xóm nhỏ - gia đình... Mục tiêu ưu tiên lựa chọn đối với thị dân trước tiên là bảo đảm được trật tự đô thị trên vỉa hè đường phố và nơi công cộng, với những điều khoản thật chi tiết, cụ thể như:

- Không xây cất nhà cửa, hàng quán trái phép.

- Không lạm dụng lòng lề đường, hè phố làm nơi sinh hoạt ăn ngủ.

- Không tắm giặt phơi phóng ở các bể phun nước, không phơi quần áo chăn màn ở tường rào hè phố và mặt tiền nhà phố.

- Không đánh banh , đánh cầu trên lòng đường.

- Không túm tụm đông người ở lòng lề đường làm cản trở giao thông.

- Không hút thuốc, đốt nhang khi đang chạy xe trên đường phố làm tàn khói bay vào mắt người đi sau.

- Không đứng hoặc chạy dưới lòng đường để chào mời níu kéo khách vào các tiệm quán ăn uống.

- Ngăn chặn nạn cướp giật, móc túi, lừa đảo, côn đồ ức hiếp dân lành.

- Không phóng nhanh vượt ẩu.

- Không đi hàng hai hàng ba trên đường.

- Không chở quá trọng tải, quá số lượng người trên xe.

- Không quét rác, xả rác, đổ nước dơ, vất xác súc vật ra hè, đường phố, sang nhà bên.

- Không cho súc vật chạy rông, phóng uế bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng.

- Không phóng uế bừa bãi trên hè, đường phố, nơi công cộng.

- Có nghĩa vụ bảo vệ thảm cỏ, cây xanh nơi công viên và trên hè phố.

- Không để xe nhả khói độc hại làm ô nhiễm mội trường v.v..
Giải pháp thực hiện thì có nhiều, bao gồm: các giải pháp về chính sách, pháp luật , điều kiện vật chất, giáo dục cộng đồng, chế tài... Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Trong giáo dục đương đại về hành vi, người ta tập trung vào các nhóm nhỏ, kết quả chậm nhưng mà chắc. Do vậy cần tập trung vào tổ dân phố sao cho nội dung của cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị ngấm tới tận người dân. Tuy nhiên, số người họp tổ dân phố hiện còn ít, mà có đi họp cũng không thể giải quyết những bức xúc vì tổ trưởng không phải là người của chính quyền địa phương. Do vậy giải pháp hữu hiệu nhất là bí thư kiêm chủ tịch phường phân công lãnh đạo UBND phường, cùng với công an khu vực tham gia sinh hoạt với tổ dân phố hàng tháng để thu hút người dân tham gia sinh hoạt tổ, trong đó nội dung thực hiện nếp sống văn minh đô thị phải là trọng tâm.

Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị thực chất là một cuộc cách mạng, do vậy hệ thống chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ mới mong đạt kết quả xây dựng được văn hóa đô thị, hướng đến thành phố văn minh hiện đại, phát triển bền vững người dân sống ấm no hạnh phúc.

Tuy nhiên, nếp sống văn minh đô thị trước hết phải được xây dựng từ ý thức làm chủ của thị dân.

Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.