Đêm thứ hai ngủ lại nhà, đứa cháu ôm tôi nói: "Con ghen tị với C ghê, ước gì con làm con cô há! Khỏi cần đi học nhiều, mệt quá trời!". Tôi cười nhìn cháu, muốn nói là thương cháu rất nhiều nhưng không dám. Ba mẹ cháu làm quần quật cả ngày ngoài chợ chỉ để lo cho cháu đủ điều kiện học ở trung tâm Anh ngữ quốc tế, học nhạc ở một trường danh tiếng, và học thêm nhiều môn khác. Ba mẹ cháu cũng bỏ thời gian đưa đón cháu mỗi ngày từ trung tâm này qua trung tâm khác, kín mít cả thứ bảy và chủ nhật. Để lo cho cháu đi học ở mức đó, ba mẹ cháu hy sinh cả những giờ nghỉ ngơi lẽ ra có thể dành cho chính mình. Điều này chính tôi cũng chưa làm được cho con cái mình.
Có lúc, tôi cảm thấy áy náy với con, cảm thấy con thiệt thòi hơn nhiều bạn bè khác. Gia đình neo người và có ba đứa con, tôi chưa thể chu toàn cho con như ba mẹ cháu đã làm. Có lúc, tôi tự hỏi, liệu mình đã đủ trách nhiệm với các con chưa? Có lúc, tôi tự hỏi, nếu giàu hơn, có điều kiện hơn, mình có cho con đi học từ sáng đến tối, luôn cả thứ bảy chủ nhật, để cháu ước gì được học ít hơn như những đứa trẻ khác hay không?
Từ ngày đưa con đến trường, bảy năm qua, tôi đã họp phụ huynh trên dưới 40 lần cho cả ba đứa con. Điều mà tôi quan tâm trong những lần đi họp này không phải là điểm số của con, mà là gương mặt, giọng nói, ánh mắt của thầy cô giáo chủ nhiệm. Tôi còn nhớ lần họp phụ huynh lớp bốn cho con gái, tôi chờ vãng bớt phụ huynh rồi mới lên bàn chủ nhiệm chào thầy của con. Tôi nói dạ chào thầy, nghe C kể, thầy thương tụi nhỏ lắm. Em cảm ơn thầy! Khi biết tôi là mẹ của C, thầy liền nói, như áy náy: Em C học giỏi, sáng lắm mà các bạn trong lớp không bầu cho em, hơi tiếc cho C chị ạ! Tôi cười nói dạ không, chuyện đó nhỏ, bầu bán là chuyện của các em, được hay không cũng không có ảnh hưởng gì C thầy à!
Khi ra về, con gái tôi, người chứng kiến đoạn đối thoại đó, hỏi tôi: "Mẹ, có thật là mẹ thấy không sao không? Tại lớp con cơ chế tự bầu chọn, mà con không chơi với phe nào, nên các bạn không chọn con". Tôi quay sang nhìn cháu, hỏi, con buồn hả? Cháu lắc đầu nhè nhẹ, nói có hơi buồn xíu thôi. Tôi choàng tay qua vai con, xoa lên thái dương con, nói rằng: Ở đời, rồi con sẽ quen với điều này, không phải mình hay thì người ta công nhận, cũng không phải mình giỏi tốt mà được nhiều người đánh giá cao. Mình học, hay sống, hay làm bất cứ điều gì, đều cần nhớ rằng mình biết điều này, mình chịu trách nhiệm về điều này, mình làm điều này trước hết là cho chính mình, vì vậy, mọi sự công nhận, dù đúng dù sai, dù sớm dù muộn, đều không phải là mục tiêu cuối cùng để con học hay làm việc. Nếu bạn con công nhận và bầu chọn cho con, điều đấy cũng tốt. Nếu bạn con không thấy thuyết phục, điều đó thật sự cũng không sao. Mẹ thật sự nghĩ vậy chứ không phải vì muốn thầy bớt áy náy mà nói vậy, con hiểu không? Con gái tôi dạ, từ đó không bao giờ nhắc về chuyện bầu bán nữa.
Một lần khác, khi đi họp phụ huynh về, tôi buồn lắm. Cô giáo của con từ đầu buổi đến cuối buổi không mở một nụ cười. Cô toàn nói về kỷ luật nhà trường, chuyện đi đúng giờ, để xe đúng chỗ, nhớ đội nón bảo hiểm cho con, các khoản phí phụ thu, chuyện học trò viết chữ chậm, chểnh mảng học hành... Tôi ngồi nhìn mãi, mong nhìn thấy một nụ cười, một ánh mắt dịu dàng, một câu nói mềm mại, hay một lời nhận xét về cá tính dễ thương của một bạn học trò nhỏ. Nhưng không. Những con số, những vấn đề về kỷ luật, những răn đe hiện ra và tình thương khuất bóng. Tôi tự hỏi, với sự khô cằn cứng nhắc này, cô dạy gì cho con tôi?
Tôi ước mơ gì ở nhà trường, nơi tôi gửi gắm con tôi cho các thầy các cô? Tôi thật lòng mong thầy cô truyền thụ kiến thức cho con, nhưng hãy truyền thụ bằng tình thương. Tôi mong thầy cô nhìn các con bằng ánh mắt dịu dàng, cho các con cảm nhận một dòng chảy tình thương từ thầy cô sang các con. Tôi mong cái sai của con tôi được chỉ rõ bằng ngôn ngữ, được giải thích bằng các luận cứ thích hợp, và nếu có phạt, đó là cái phạt của tình thương, chứ không phải của nguyên tắc vô cảm.
Khi còn nhỏ, hầu hết thời gian là các con tự học, tôi không nhắc nhở gì nhiều. Tôi cũng không đủ thời gian để cho con đi học thêm, dù mấy lần các con có đề nghị. Nhưng tôi nói với con: ông bà ngoại đã đưa tụi con đi học mỗi ngày hai bận, buổi tối cần để ông bà nghỉ ngơi, nếu tụi con học nữa, sức khỏe của ông bà không bảo đảm. Thôi con tự học nhé!
Tại sao tôi quyết định như vậy? Vì tôi thực sự không quan tâm đến điểm số của con. Tôi cũng không cần con đạt học sinh giỏi hay xuất sắc. Tất cả những gì tôi yêu cầu con khi đi học, đó là hiểu bài và sống hòa đồng với tập thể. Đó là lý do vì sao tôi không la mắng con nếu điểm thấp, và chỉ khen ngợi một cách vừa phải khi con đạt điểm cao. Nhưng tôi khen ngợi không tiếc lời khi con giúp đỡ bạn, chia sẻ những nỗi buồn với bạn của mình. Tôi khiển trách con nghiêm khắc khi con quan tâm nửa vời với bạn. Tôi dạy cho con bài học này: Nếu việc gì cần hiểu thì phải hiểu cho cặn kẽ, nếu người nào cần giúp thì phải giúp cho tới nơi. Còn điểm số? Kệ nó.
Tôi muốn nói với đứa cháu của mình rằng, một trong những lý do khiến ba mẹ cháu muốn cháu học nhiều như vậy, là họ sợ. Chúng ta đều sợ một ngày kia khi chúng ta không còn trên đời nữa, hay khi chúng ta đã già đi, trở nên vô dụng rồi, thì các con của chúng ta có thể tự lo lấy cho bản thân, tự sống một cuộc đời danh giá, sáng láng, tự chủ, đàng hoàng. Đó là nỗi sợ của tình thương và trách nhiệm. Họ phải chuẩn bị cho con cái một tương lai vắng mặt chính họ, nỗ lực đó không phải đáng trân trọng sao?
Nhưng có một điều rất quan trọng là, trong quãng đời bất định này, chẳng thể biết trước thế giới mà các con thuộc về sẽ thay đổi ra sao trong vài chục năm tới. Liệu mớ kiến thức chúng ta dạy các con ngày hôm nay đã đủ cho chặng đường tiếp theo hay chưa? Chúng ta sẽ lấy điều gì làm trọng tâm để dạy con trẻ? Nghị lực vượt khó? Khả năng thích ứng với sự thay đổi? Ý thức và khả năng tự học? Phương pháp học hiệu quả? Tình thương và trách nhiệm với cộng đồng? Liệu người thầy trong thời đại Google, Youtube, Facebook, LinkedIn, Twitter, và MOOC (khóa học trực tuyến miễn phí) và hàng ngàn ứng dụng (app, platform) học trực tuyến mỗi ngày, liệu có khác với người thầy - sự lựa chọn duy nhất của học trò - hồi mấy chục năm về trước hay không?
Và có một điều rất quan trọng khác nữa, liệu mớ kiến thức con đã được nhồi nhét hôm nay, có giúp ích gì cho tâm hồn con hay không? Nó có làm tâm hồn con lớn lên, xanh um, rộng mở, và phơi phới gió? Nó có làm con cất tiếng hát vang, mắt sáng long lanh, nụ cười rạng rỡ? Nó có làm con thức dậy với một ngày mới thật tuyệt diệu và tràn đầy lòng biết ơn?
Đây mới chính là điều tôi muốn mang lại cho con mình. Cuộc sống thật sự là một món quà, và chính con, không ai khác, là người quyết định về chất lượng và ý nghĩa của món quà đó. Việc học của con ngày hôm nay là để làm cho món quà đó trở nên phong phú hơn, để con cảm nhận món quà đó ở tầng sâu sắc nhất có thể. Và đó là vì chính con, vì trách nhiệm và cơ hội của con với món quà của mình.
Nỗi sợ về một tương lai bất định có thể khiến chúng ta vô tình dựng khung rồi bỏ con mình vô vòng an toàn đó, nghĩ rằng khi đã xây được tháp ngà kiến thức vững chắc như vậy rồi, chắc con mình sẽ yên ổn thôi. Nhưng điều đó có ý nghĩa không nếu một ngày kia, con bạn muốn đổi một người mẹ khác?
Ngô Phương Thảo