Rồi từ đây tờ Người Đô Thị ra đời, có thể nói dẫu là tổng biên tập đầu tiên, nhưng tờ báo dẫn cuộc đời tôi theo nó chứ không phải ngược lại, và sát cánh cùng mọi người làm tờ báo này qua ba thời kỳ tổng biên tập có ông - TS. Phạm Sỹ Liêm.
TS. Phạm Sỹ Liêm tại Hội thảo khoa học “Phát triển đô thị Bắc Ninh trong quy hoạch vùng thủ đô”, tháng 3.2017. Ảnh: S.T.B
Tư duy về đô thị
Những năm 90 của thế kỷ trước, những suy nghĩ về đô thị của tôi phần nhiều là dự cảm hơn là từ kiến thức. Tôi cảm thấy sự phát triển đô thị Việt Nam sẽ gặp các rủi ro rất lớn, do: 1 - Lịch sử kiến tạo đô thị không có bề dày đáng kể (kinh nghiệm, kiến thức…, trước thời Pháp thuộc vẫn là một nước chủ yếu làm nông nghiệp, dân phần lớn cư trú ở nông thôn). 2 - Phát triển đô thị là một công cuộc ngốn rất nhiều tiền của (ngân sách và đầu tư của dân). Thế nên sẽ có vô số thảm họa nảy sinh từ “cuộc tiêu tiền khổng lồ” do chúng ta thiếu kiến thức,kinh nghiệm, và đó cũng là những nội dung của báo chí đô thị.
TS. Phạm Sỹ Liêm thực hành phát triển đô thị trong vai trò của nhà quản lý nhà nước (Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng) từ thời mà nước ta hầu như chưa có ngành Đô thị học. Để lấp khoảng trống to lớn ấy, ông tự học.
Tôi có vài cơ may được gần những tấm gương tự học: nhà dân tộc học Từ Chi, nhà địa lý học Lê Bá Thảo, nhà nghiên cứu xã hội Nguyễn Kiến Giang, nhà văn hóa học Đỗ Lai Thúy, nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Hưng... và ông. Ngoài mấy điểm chung của những người suốt đời tự học đều có vài ngoại ngữ, đều tìm kiếm kiến thức ngoài các hệ thống trong nước, đều tự xây dựng kiến thức cho mình và có chính kiến riêng... thì, có lẽ điểm khác biệt là ông tự học, tự nghiên cứu để, một cách trực tiếp với xã hội hơn, tham gia xây dựng chính sách và thực hành nó.
Đó là một thế sống với nhiều trăn trở, nếu có thể gọi vậy. Vì một người của hệ thống quản lý nhà nước, ở vị trí lãnh đạo nữa, ông cần tuân thủ các quy định nghiêm khắc của hệ thống để phục vụ nó. Mặt khác, những kiến thức do tự học mà có, lại có thể mâu thuẫn với những quan điểm của hệ thống mà ông phục vụ.
Tôi nhận ra tình trạng này ngày một nhiều hơn trong câu chuyện với ông, mỗi khi ông bỏ lửng, hay chợt dừng lại... Về thị trường đất đai chẳng hạn, ông bảo tôi: “Phải đổi mới thể chế, với đầu tiên là chế độ sở hữu, đặc biệt là đất đai. Chúng ta đi từ thể chế bao cấp sang thị trường thì phải tuân theo quy luật của thị trường. Nghĩa là các quy luật giao dịch (không phải xin, cho) trên thị trường. Vì nếu không có sở hữu thì con người sẽ giao dịch bằng gì? Người nông dân không thể tham gia thị trường với mảnh đất không phải của mình nếu thể chế ấy không đảm bảo tính chắc chắn cho giao dịch của anh ta. Tức là mỗi giao dịch trong xã hội loài người đều đòi họ phải có được quyền sở hữu để thực hiện...”.
Đúng vậy, "Một quốc gia không trở nên giàu có bằng cách nhặt nhạnh bạc vàng như một đứa trẻ, mà bằng việc mỗi người dân đều có của cải tích lũy từ sự thịnh vượng về kinh tế của bản thân họ - Adam Smith". Nhưng thế chế này lại dựa trên đất đai sở hữu thuộc sở hữu toàn dân với nhà nước là đại diện, “vị đại diện ấy” nắm quyền thu hồi, đền bù đất theo giá họ định, chứ không phải thị trường? Sau câu hỏi này của tôi, là yên lặng.
Tôi biết chắc chắn một người viết hơn 30 trang tổng hợp các học thuyết trên thế giới (theo các thể chế khác nhau) về quyền tài sản và trình bày nhận thức của mình (cuốn Tân kinh tế học thể chế) về quyền này, hẳn có câu trả lời từ rất lâu, nhưng ông muốn dùng một kênh khác, không phải báo chí. Chúng ta có thể đọc cuốn sách đó để hiểu tác giả đã nghiền ngẫm, diễn giải sâu sắc một vấn đề cốt tử của mọi thể chế như thế nào. Quyền tài sản và quyền ra quyết định, là một trong ba đỉnh “tam giác vàng” của các khái niệm nền tảng trong Tân kinh tế học thể chế (hai đỉnh còn lại gồm : Giao dịch - chi phí giao dịch và Khế ước).
Cũng vấn đề đất đai trong phát triển đô thị, ông nêu đại ý: Nhà nước phải bỏ tiền mua đất (trưng mua chứ không phải thu hồi, đền bù - ông dẫn Luật thời thuộc Pháp) nhằm tạo ra quỹ đất để dùng khi cần xây dựng các loại hạ tầng công ích (giao thông, trường học, bệnh viện, công viên...) cho dân, mà không thể để tư nhân đầu cơ đất.
Tôi dẫn lời một vị đại biểu Quốc hội kiên quyết bác bỏ: “Đất đai thuộc sở hữu nhà nước, thì cớ gì nhà nước phải mua lại tài sản của chính mình?”, làm câu hỏi. Mặc dù ông từng dẫn North (Nobel kinh tế 1993) rằng “Quyền công hữu không giới hạn dẫn đến tình trạng lạm dụng, lãng phí, khiến tài nguyên chóng bị khô kiệt, còn quyền sở hữu có giới hạn khiến cộng đồng phải sử dụng tài nguyên chỉ vừa mức cần thiết, đồng thời khuyến khích tái sinh tài nguyên. Như vậy rõ ràng quyền công hữu có giới hạn hiệu quả hơn quyền công hữu không giới hạn...”, nhưng ông chỉ cười buồn: “Đi loanh quanh rồi lại về với... thể chế. Kinh tế thị trường đã xảy ra khắp nơi, nhưng vẫn chưa xảy ra... trong đầu họ”.
Chính vì chế độ sở hữu chưa được giải quyết tường minh, mà đất đai, đặc biệt đất đai đô thị, trong suốt quá trình đô thị hóa ở nước ta luôn là không gian chứa đựng những mâu thuẫn kinh tế, xã hội gay gắt nhất, tác động trực tiếp nhất vào sự ổn định của các tổ chức thuộc thể chế.
Từ phải: TS. Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) và ông Vũ Quang Các (Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc trao đổi “Tư duy mới trong quy hoạch”, nhằm góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch, do VTV1 tổ chức tháng 3.2017. Ảnh B.T.S
Ông chia sẻ với tôi nhiều kiến thức, suy nghĩ về những biến đổi vô cùng lớn của “cuộc đô thị hóa” trên thế giới cũng như trong nước, nó giống như cơn sóng thần bạo liệt đối với những thể chế có cấu trúc xã hội lạc hậu và chưa kịp chuẩn bị đón nhận. Bằng mọi cách ông cố gắng hiểu nó, những gì đang và sẽ diễn ra ở nước ta.
Chẳng hạn, từng sang Pháp học một khóa vài tháng về quản lý đô thị, ông cười: “Họ chủ đích mời các nhà quản lý sang học, mình lại toàn cử nhân viên đi thay, vào lớp mới biết chỉ có tớ đương chức tước to nhất và già nhất”. Hoặc chúng tôi từng cùng tham gia làm nghiên cứu về “Dịch vụ công cộng đô thị”, theo chế độ tài chính việc chi trả tính theo số trang viết, nghĩa là cực kỳ ít, đến mức không mấy ai muốn làm. Nhưng viết cũng là cách tự học, ông an ủi mọi người, thậm chí còn vui vẻ coi đó là một cơ hội được nghiên cứu để tự phát triển nhận thức cho mình. Phương châm của ông là, Viện hay Tổng hội không phải là tổ chức sinh ra và tồn tại vì chính nó, mà vì xã hội. Bởi nếu vì chính nó (hoạt động sinh lời, để kiếm tiền...), thì chúng ta mở doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Chính khối kiến thức sâu và rộng do bền bỉ tự học, đã khiến ông có các ý kiến xác đáng với rất nhiều tờ báo trước mọi vấn đề rất phức tạp nảy sinh hàng ngày từ đời sống đô thị, từ rác thải... đến Luật đặc khu. Thêm tính rộng lượng nữa, ông sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của báo giới qua điện thoại, và lối dùng ý kiến của ông chỉ để “được việc cho họ” đã không ít lần làm ông chịu phiền hà. Khi ấy ông than với tôi, rồi tự hẹn “tớ sẽ không trả lời báo chí nữa”, nhưng “quán tính” đó vẫn không sửa được, ông lại lỗi hẹn với chính mình.
Sài Gòn như một duyên lành với TS. Phạm Sỹ Liêm, khi cuộc hội thảo đầu tiên về đề tài đô thị do Tạp chí Người Đô Thị và Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM tổ chức có tên “Đô thị hóa ở Sài Gòn - TP.HCM từ góc nhìn lịch sử văn hóa” tháng 4.2008, là kết quả đầu tiên của quyết định đưa tạp chí vào Sài Gòn có vai trò của ông
Người Đô Thị là trung tâm
Muốn tác động vào cộng đồng cư dân đô thị cần có một tờ báo ra được với xã hội đô thị, chúng ta có thể tham gia vào việc này chăng? Chừng hơn 15 năm đã qua, tôi vẫn nhớ ý đó của ông. Nhưng nói thật, khi ấy tôi đang có điều kiện làm việc tốt ở tờ Lao Động Cuối Tuần, nên không mặn mà lắm.
Mãi đến năm 2006 tôi mới giới thiệu với ông một người có thể làm việc đó và cùng bắt tay thiết kế tờ Người Đô Thị. Ông ký công văn xin phép bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau này là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho Tổng hội Xây dựng Việt Nam ra tờ Người Đô Thị, nhưng vì Tổng hội đã có tờ Người Xây Dựng nên ông đưa báo về Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển Hạ tầng, nơi ông làm Viện trưởng.
Đã có giấy phép xuất bản (Tổng biên tập do ông bổ nhiệm, có đề cương chi tiết báo...) với thời hạn sau 90 ngày để ra số đầu tiên, thì người được bổ nhiệm từ chối. Mọi việc dừng hoàn toàn, ông rất buồn, gần như thất vọng, trong phút ấy, tôi nhận làm với ông.
Tình thế như tuyệt đối không có một điều kiện nào để ra báo (tài chính, nhân lực, hệ thống phát hành, trụ sở...). Câu chuyện dài dặc và gian khổ khó có thể gói lại trong vài dòng chữ, để một dịp khác vậy. Điều chỉ có thể nói thay người quá cố rằng, cho đến cuối cuộc đời sau 12 năm luôn bên tờ Người Đô Thị, ba ê kíp nhân sự tòa soạn, bên cả ba tổng biên tập, ông vẫn thường thốt lên: “Thật phúc đức, thật quý hóa chúng tôi có được tờ báo!”. Rằng, ông không bao giờ quên ơn nghĩa của những người đã vô tư đồng cam cộng khổ làm nên tờ báo cho Viện từ thủa ban đầu: từ người thương binh mù, đến các nhà doanh nhân hảo tâm, các trí thức hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị, các nhà báo kế tiếp nhau qua các thời kỳ..., và đặc biệt là những đóng góp tâm huyết của những người đã định hình nên bản sắc tờ Người Đô Thị hôm nay: Thẩm Tuyên, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Đào Vĩnh Huy…
Có thể không nhớ hết tên, biết mặt từng người, ông thường gọi chung họ là “anh chị em của chúng ta”. Đánh giá đúng và yêu mến họ bởi ông từng làm báo, từng bị “tai nạn nghề báo”, hiểu sâu sắc giá trị xã hội của tờ báo, sự cống hiến của mỗi người cho tờ Người Đô Thị ở mỗi giai đoạn rất khó khăn, ngay cả khi phải xin dừng xuất bản vì không còn tiền, nợ nần...
Rất băn khoăn, ông bảo: “Tớ còn cuốn sổ tiết kiệm mấy chục triệu, anh cầm cho báo vay, bao giờ có trả, khó quá thì thôi”. Tất nhiên chúng tôi không dám dùng đến món dự trữ cuối cùng của người già, nhưng tấm lòng ấy, cũng sâu nặng như tấm lòng của kẻ Bắc người Nam đã mang không phải chỉ danh dự, công sức, mà “cả những dự trữ ít ỏi của gia đình mình” góp vào tờ Người Đô Thị.
Cuộc giao ban cuối cùng năm 2018 của TS. Phạm Sĩ Liêm (thứ hai bên trái) cùng nhà báo Trần Trung Chính, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng - phụ trách Tạp chí Người Đô Thị (đầu tiên bên trái) với các cộng tác viên của Người Đô Thị ở Hà Nội. Ảnh: TLHN
Có lẽ ông là người duy nhất thường xuyên “tiếp thị” tờ Người Đô Thị ở Hà Nội, ông hay vui vẻ thông báo với tôi: “Tớ vừa dự hội thảo, biếu báo Người Đô Thị cho nhiều đại biểu, giới thiệu một số bài trong đó nữa...”.
Theo tôi, sở dĩ ông coi tờ báo là của mình, tự hào về nó, do trải qua chặng dài 13 năm xuất bản với ba thời kỳ tổng biên tập, nhưng họ vẫn không đi ra ngoài đường lối mà những người chung sức từ thủa ban đầu đã xác định là “Tiếng nói của thị dân”, “Cùng bạn xây dựng giá trị và chất lượng sống”..., slogan này tựa cái la bàn của báo. Điều đó có nghĩa là tờ báo vô hình trung đã thu hút, tập hợp được những người gần gũi về quan điểm làm báo về đô thị. Bởi phần lớn họ là những người không hề biết nhau từ trước, không được “chuẩn bị niềm tin” để cùng lên một chuyến tàu không hải trình đầy mạo hiểm, ngoài có mỗi cái la bàn.
Trong “thế giới thị dân mênh mông”, ông thảo luận với chúng tôi để xác định đối tượng bạn đọc chủ lực của báo là tầng lớp trung lưu lớp trên (xét theo trình độ và thu nhập). Nhóm bạn đọc đó lấy từ ba khối: Các bạn đọc ở đô thị nói chung; Các nhà quản lý, nghiên cứu đô thị; Các nhà đầu tư phát triển đô thị. Từ đây, chúng tôi xác định nội dung, rồi các chuyên mục, chuyên trang... cụ thể hóa nội dung của báo, xác định cách bán, giá báo...
Dù luôn luôn khó khăn, khó khăn là kinh niên - nhưng tờ báo chưa bao giờ dời xa hai mảng nội dung căn bản: Thứ nhất, Hạ tầng đô thị, gọi chung là khối vật chất của đô thị (giao thông, kiến trúc, năng lượng các loại...) từ chính sách đến thực thi. Và điều khiến tờ báo tạo được sự khác biệt do nó chứa nhiều tính khoa học, chuyển hóa nhiều nghiên cứu đô thị phức tạp thành các bài báo dễ hiểu phục vụ bạn đọc, chứ không chỉ thuần thông tin về các sự việc xảy ra ở đô thị.
Thứ hai, cùng với tính khoa học ở nội dung trên, việc tạo nên tính riêng của tờ báo còn thuộc nội dung Nhân văn đô thị (lối sống, giáo dục, văn hóa, di sản, nghệ thuật...), góp phần xây dựng tinh thần yêu mến nơi chốn cư trú của các thế hệ người đô thị, thông qua giới thiệu, đăng tải những chân dung, hoạt động của các nhóm cộng đồng người đô thị có các nghề nghiệp, hoàn cảnh sống khác nhau... được cùng nhau tương tác trên các trang Người Đô Thị. Có lẽ chính vì kiên trì “tạo dựng, vun đắp sự tử tế” mà tờ báo dù rất nghèo, đã nhận được lòng yêu của bạn đọc, của những cây bút, các chuyên gia... tham gia viết cho nó. Có thể nói đó là niềm tự hào sâu xa trong ông mỗi khi nói về tờ báo.
“Vui là chính”, ông thường nhắc câu này trong các cuộc họp, rằng chúng ta sinh hoạt trong một tổ chức dân sự tự nguyện, không ai ép chúng ta phải làm nghiên cứu, làm báo... do thế, không nên tiếp tục tập quán ứng xử trên - dưới, xin – cho... như hồi chúng ta còn trong các tổ chức công quyền. Rằng, “Các ông các bà, các anh các chị... đã tự gắn mình với tờ báo (không ai bắt buộc) do thế, các vị là chính những người có quyền nhất, tự chịu trách nhiệm cao nhất với nó. Tôi chỉ có thể ủng hộ, hay góp ý thôi”. Chính cách nhìn nhận, đối xử minh bạch, dân chủ, thân mật ấy của ông đã lập nên mối quan hệ tốt nhất giữa tờ báo và cơ quan chủ quản, mà tôi chỉ là người kế tục .
Ngày 30.11.2018 - sáng đó tôi được tin ông vào bệnh viện Hữu Nghị đã mấy hôm. Như những lần trước, mỗi khi thấy tôi đến thăm trong bệnh viện, ông xua tay: “Cậu Hân Hương lại vẽ chuyện (những người biết tôi từ hơn 20 năm trước thường gọi tên này), tớ chỉ ở đây vài hôm, rồi về”, nhưng khi tôi đã tìm ghế ngồi bên, ông lại hỏi chuyện tờ báo... Tôi hy vọng buổi chiều đó cũng vậy, nhưng khi ra khỏi cầu thang máy bệnh viện, nhìn thấy những người thân của ông xúm xít trước cửa một phòng cấp cứu ở tầng 8, linh cảm điều chẳng lành ập xuống.
Ông lâm chung, đang dời xa thế giới này. Trong chừng 10 phút căng thẳng dồn nén đó - là người duy nhất không phải ruột thịt của ông, tôi nhìn ông đang ra đi. Sự tình cờ hay ông đã gọi tôi tới bên ông những phút giây sống cuối cùng ấy? Tôi không biết, chỉ biết đến hôm nay tôi vẫn không quen được sự vắng mặt của ông trong cuộc đời ít vui này.
Trần Trung Chính
Hà Nội, thu 2019