Người Việt chỉ đoàn kết khi đứng trước mối hoạ bên ngoài?

 23:22 | Thứ bảy, 16/04/2016  0

Bằng việc quyên góp ủng hộ các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang làm nhiệm vụ trên biển và ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa, bằng những cuộc biểu tình của người Việt ở khắp nơi trên thế giới và bằng cả việc tự thiêu, hiến mạng sống mình để phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông… Những hành động đó đã không làm hổ danh con dân nước Việt.

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Tiền Phong

Mừng và tin vào tinh thần bất khuất, truyền thống không bao giờ chịu khuất phục của người dân Việt. Nhưng đồng thời, quanh quất đâu đây vẫn là một câu hỏi không mới: phải chăng người Việt chỉ biết đoàn kết khi đứng trước hoạ ngoại xâm? Phải chăng khi mối hoạ ngoại xâm qua đi, hoà bình trở lại thì người Việt lại quay trở lại chia rẽ, đấu đá nhau khiến đất nước suy yếu, không thể trở nên cường thịnh, gián tiếp tạo điều kiện cho những kẻ có dã tâm xâm lược tấn công để rồi người Việt lại phải đoàn kết chống đỡ và tiếp tục đổ máu? Phải chăng đó là số phận của dân tộc này? Và có cách nào thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó không?

Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Cách nay trên 100 năm, trong cuốn Việt Nam quốc sử khảo (1909), chương thứ năm mang tên Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta, Phan Bội Châu từng nhận xét: “Giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi”.

Những nhận xét từ trên trăm năm trước của cụ Phan về những nhược điểm gần như căn tính của người Việt đến nay vẫn đúng, và đó phải chăng là nguyên nhân sâu xa khiến người Việt khó thể đoàn kết trong hoà bình để dựng xây đất nước cường thịnh mà chỉ khi đứng trước mối đe doạ từ bên ngoài mới thấy phải đoàn kết với nhau. Tất nhiên, bên cạnh đó, những xáo động lịch sử, sự chia cắt đất nước lâu dài, chiến tranh khốc liệt và những hận thù bắt nguồn từ đó khiến cho sự đoàn kết giữa người Việt càng trở nên khó khăn hơn ngay cả khi hoà bình đã trở lại. Cộng thêm vào đó là sự thiếu vắng những chính sách bao dung tạo điều kiện cho sự hoà giải hoà hợp và đoàn kết giữa người Việt nhằm khai thác mọi nguồn lực trong tất cả các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu tối thượng là dựng xây đất nước hùng cường. Và một lần nữa, đất nước lại đang đứng trước mối đe doạ mới từ bên ngoài.

Muốn khắc phục những nhược điểm cố hữu của người Việt như Phan Bội Châu nêu ra ở trên, trong đó có sự thiếu đoàn kết khi không phải đối diện với mối đe doạ từ bên ngoài, không thể ngày một ngày hai mà chắc hẳn cần một lộ trình dài. Lộ trình đó có thể rút ngắn hay không, tuỳ thuộc vào việc có hay không sự hỗ trợ của một thể chế bao dung đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và vận hành dựa trên công lý và công bằng. Quả thật, không thể đoàn kết người dân khi không có công lý và công bằng cho tất cả. Công lý và công bằng cho mọi người dân, không phân biệt, chính là cơ sở cho sự đoàn kết bền vững vì mục tiêu chung là sự hưng thịnh của quốc gia. Tất nhiên đoàn kết không có nghĩa là không có tranh luận, phản biện; ngược lại, chỉ trên cơ sở tranh luận, phản biện rốt ráo những vấn đề, những thách thức đặt ra cho đất nước, cho xã hội mới có thể dẫn đến sự đồng thuận và đoàn kết bền vững nhằm kiến tạo đất nước hùng cường khiến kẻ thù không thể dòm ngó.

Đoàn Khắc Xuyên

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.