Tất nhiên, không thể đổ lên đầu những người dân đang thiếu ăn, thiếu mặc rằng họ hám lợi trước mắt mà quên nghĩ chuyện đường dài. Đói thì đầu gối phải bò. Vấn đề ở đây là các cơ quan có trách nhiệm phải thống nhất trên cả nước một quy định rõ ràng về việc bán mua bất hợp pháp với những chế tài nghiêm khắc nhất, chẳng hạn, trục xuất và phạt thật nặng mọi cá nhân có hành vi buôn bán trái phép về tội phá hoại kinh tế quốc dân. Các chính quyền địa phương cũng không thể trả lời là không biết những việc làm sai trái mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự ‘tiếp tay’ cho sự phá hoại, dù vô tình hay cố ý.
Những chuyện đau lòng và vô lý trên đây, nếu suy rộng ra thì hệ lụy có nhiều lắm. Các loại sản vật mà thương lái TQ thu mua theo kiểu tận diệt trên, hầu hết là ‘đặc sản’ hoặc là thế mạnh của nước ta. Chẳng hạn, trái na Chi Lăng nổi tiếng thơm ngon sẽ đến ngày bị na từ TQ (hạt giống Chi Lăng) cạnh tranh đến… mất hết giống. Thử hình dung hàng vạn quả na bị hủy để lấy hạt, bán hết cho TQ sẽ lãng phí ra sao?
Về mặt xã hội, nếu người dân cứ vặt hết lá trầu, đào hết gốc tiêu thì vài ba tháng nữa, lấy gì để sống, rồi bất ổn xã hội sẽ đến, kéo theo nó là vô vàn các tệ nạn.
Về mặt văn hóa, có thể nói nuôi chim trong lồng là sự phản văn hóa, phá hoại môi trường trầm trọng. Cái gọi là thú chơi cổ xưa ấy (“truyền thống”?), chẳng nên khuyến khích một chút nào mà rất cần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ sau này về cái sai trái của trò chơi đua đòi phi lý. Chỉ còn vài nước như TQ, Việt Nam là vẫn đeo đẳng cái thú cầm tù chim chóc để mua vui! Nếu như làm một cuộc điều tra trên diện rộng, sẽ thấy ở các thành phố, thị xã, độ tuổi người nuôi chim nhiều nhất hiện nay là… thanh niên(!) Rõ ràng, sự lười biếng và nhàn rỗi bất hợp đang trở thành một vấn nạn đáng báo động.
Hà Văn Thịnh
Theo: Một Thế Giới