Ngày 25.2, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Bổ sung quy hoạch sai quy định
Cơ quan thanh tra kết luận: Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời (ĐMT) sai quy định, làm vượt công suất quy hoạch tới 17,3 lần. Cụ thể, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặt kế hoạch lắp đặt 850 MW ĐMT vào năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào năm 2025. Trên thực tế, từ bổ sung sai quy định của Bộ Công Thương, dự án ĐMT tăng vọt.
Theo kết luận thanh tra, có 168 dự án ĐMT với tổng công suất 14.707 MW được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Trong đó, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 114 dự án, công suất 4.186 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh. Bộ trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh 54 dự án, tổng công suất 10.521 MW.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ các dự án này không có căn cứ pháp lý về quy hoạch. Đến cuối năm 2020, có 8.642 MW ĐMT nối lưới vận hành, cao hơn 10 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến 2025 (4.000 MW). Bên cạnh đó, nguồn ĐMT mái nhà cũng phát triển nhanh chóng với công suất lớn là 7.864 MW, nâng tổng công suất nguồn mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp gần 20 lần so với phê duyệt.
Hệ quả của những vi phạm trên, theo TTCP là giá FIT (giá ưu đãi cố định) trả cho chủ đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất 5,5 Cent/KWh. Đồng thời, gây quá tải cục bộ, khó khăn vận hành hệ thống, buộc nhà máy điện giảm phát. TTCP cũng phát hiện một số quy định được Bộ Công Thương tham mưu, ban hành dẫn tới sơ hở, bất cập, nguy cơ bị lợi dụng chính sách để phát triển hệ thống ĐMT mái nhà công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại. Số dự án này vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư như ĐMT mái nhà trong 20 năm.
Cơ quan thanh tra kết luận trách nhiệm chính những khuyết điểm, vi phạm trên thuộc về Bộ Công Thương, UBND các tỉnh đề xuất đầu tư dự án.
Xử lý những cán bộ liên quan
Theo TTCP, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm trong tham mưu cơ chế khuyến khích dự án ĐMT tại Ninh Thuận sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 Cent/KWh trong 20 năm không đúng quy định. Số tiền điện EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm (từ 2020 đến tháng 6.2022) tăng thêm 1.481 tỉ đồng.
Khi tham mưu Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, Bộ Công Thương đề xuất mở rộng dự án được hưởng giá ưu đãi, tức chỉ cần dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư, không cần ký hợp đồng mua bán điện, đang thi công là được mua với giá 7,09 Cent/KWh trong 20 năm. "Bộ Công Thương cũng chưa ban hành quy định đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, cơ chế xử lý các dự án lưới điện truyền tải chậm tiến độ, cũng như chậm đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp từ các dự án ĐMT, điện gió sau khi chính sách cũ hết hiệu lực" - kết luận thanh tra nêu.
Từ kết luận nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra xử lý các vụ việc liên quan. Cụ thể, 123/154 dự án Bộ Công Thương duyệt bổ sung, tham mưu Thủ tướng phê duyệt vận hành từ 2016-2020 là nguyên nhân chính dẫn tới mất cân đối nguồn - lưới điện, cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho quản lý vận hành hệ thống điện và lãng phí nguồn lực xã hội. TTCP kết luận điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
TTCP cũng kiến nghị chuyển tài liệu tới cơ quan công an, làm rõ việc tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà có những sơ hở, dẫn tới nhiều hệ thống đầu tư nhanh với công suất lớn (gần 1 MW) trên đất nông nghiệp, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng lại hưởng cơ chế ưu đãi (giá FIT 8,38 Cent/KWh trong 20 năm).
Về xử lý trách nhiệm, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân có liên quan về những vi phạm, khuyết điểm. Kết luận thanh tra được chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trên. TTCP cũng đã nêu rõ các vi phạm, khuyết điểm của các tỉnh Long An, Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa trong việc quản lý, sử dụng đất đai để đầu tư xây dựng các dự án ĐMT.
Rà soát các dự án ĐMT, điện gió hưởng giá FIT
Về xử lý kinh tế, đối với 14 dự án ĐMT tại Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá FIT không đúng quy định, TTCP kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế, báo cáo Thủ tướng.
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương cùng EVN rà soát, xử lý các dự án ĐMT, điện gió được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trường hợp rà soát phát hiện vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Minh Chiến