Nhớ thời đọc báo để 'làm giàu kiến thức'

 16:33 | Thứ bảy, 24/06/2023  0
Trong hơn 30 năm tồn tại và phát triển, Tạp chí Kiến thức ngày nay đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ độc giả. Sự lụi tàn hay “thoi thóp” duy trì của một tạp chí danh tiếng chắc chắn là một nỗi buồn của làng báo Việt Nam.

Theo ngọn gió đổi mới

Sự xuất hiện của internet tại Việt Nam năm 1997 đã thay đổi hoàn toàn đời sống trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Mạng toàn cầu kết nối từng cá nhân với phần còn lại của nhân loại đã mở ra nhiều chân trời mới, đồng thời, cũng khép lại những “con đường cũ” ít phù hợp. Trong đó, báo chí bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu những tác động lớn bởi các phương thức truyền thông mới.

Truyền thông thời đại số đã xếp nhiều tờ báo “một thời vang bóng” vào “bảo tàng”. Kiến thức ngày nay là trường hợp rất điển hình cho câu chuyện suy tàn của báo in nói chung và những tạp chí tri thức, khoa học phổ thông nói riêng, vào lúc internet phát triển như vũ bão.

Con số kỷ lục về phát hành mà Kiến thức ngày nay từng đạt được là xấp xỉ 200.000 bản/số báo, với 60% là bạn đọc đặt báo dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm.


Ngược về quá khứ, giữa những “anh hào” cùng thời như Thế giới mới, Mỹ thuật thời nay…, Kiến thức ngày nay là trường hợp thành công vượt bậc nhờ chiến lược chọn phương thức truyền thông và báo chí quốc tế trong một thế giới chưa kết nối. Có thể nói những vinh quang mà tờ báo gặt hái suốt thập niên 1990 như số phát hành kỷ lục gần 200.000 bản/số báo, 60% bạn đọc đặt mua dài hạn, thu hút những cây bút lừng danh v.v. đều dựa trên những phương thức kinh điển đã có từ trước 1975 trong làng báo ở Sài Gòn.

Theo ngọn gió Đổi mới (1986), cách thức làm báo trước đây được sử dụng trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin khá lớn của công chúng. Ngoài hệ thống phát hành rộng khắp và có sẵn (sạp báo truyền thống ở TP.HCM) giúp dễ tiếp cận bạn đọc, thì điều đặc biệt khiến Kiến thức ngày nay trở nên “ăn khách” chính là yếu tố phần lớn nội dung được lấy từ nguồn báo chí nước ngoài. Những người làm nên tên tuổi Kiến thức ngày nay đã khai thác tối đa và khéo léo các đề tài khoa học, trinh thám, huyền bí, thế sự, văn hóa… từ nguồn quốc tế gần như độc quyền của mình để thỏa mãn cơn khát kiến thức, đói thông tin của độc giả người Việt thời vừa mở cửa.


“Ông hoàng” của làng báo thập niên 1990

Tạp chí Kiến thức ngày nay ra đời tháng 1.1988 trong bối cảnh cả nước phấn khởi với chủ trương Đổi mới và mở cửa của Đảng, Nhà nước. Ông Hàn Tấn Quang, một cựu tù Côn Đảo, sinh sống ở TP.HCM, đã hết sức bén nhạy với thị trường thông tin lúc đó. Ông ngay lập tức nhận thấy sau nhiều năm “đóng cửa”, nhu cầu lớn của bạn đọc đối với các vấn đề kiến thức khoa học phổ thông, văn hóa, văn nghệ, nên đã mạnh dạn bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất, con người và giấy phép từ các nhà xuất bản để thực hiện Tạp chí Kiến thức ngày nay theo đường hướng và cả hình thức của những tờ như Phổ thông, Thời nay, Em, Bách khoa,… vốn rất ăn khách trước 1975.

Những số đầu tiên, “đứa con tinh thần” của ông Hàn Tấn Quang phải thay đổi “cơ quan chủ quản” nhiều lần do thực chất là một “tờ báo tư nhân”. Khởi thủy giấy phép xuất bản của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương, Bình Phước), sau đó Nhà xuất bản Trẻ, rồi có lúc là phụ trương của Tạp chí Văn (Hội Nhà văn TP.HCM), cho đến khi ổn định “nhảy về” làm thành viên của Liên hiệp các hội văn học nghệ TP.HCM.

Ban đầu tạp chí phát hành dưới hình thức khổ A5, từ nguyệt san, rồi bán nguyệt san. Có lúc, nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả lên cao, báo tăng kỳ lên mỗi tuần một số, với phương châm “Hãy luôn làm giàu kiến thức của bạn”. Giai đoạn sau năm 2000, báo ổn định với kỳ phát hành vào các ngày 1, 10, 20 hàng tháng cho đến số báo thứ 1.113 năm 2021, đánh dấu sự kết thúc của Tạp chí Kiến thức ngày nay (bộ cũ). Sau đây là những lý do tạp chí được gọi là “ông hoàng” của làng báo thập niên 1990.


Công thức thành công của tờ tạp chí lừng danh

Như đã nói, bên cạnh sớm nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của độc giả trong giai đoạn đất nước chuyển mình, Kiến thức ngày nay còn tận dụng phương thức, nhân lực làm báo ở Sài Gòn trước đây, khai thác tối đa nguồn thông tin độc quyền từ báo chí nước ngoài và có những bứt phá, tiên phong trong hình thức trình bày để trở thành tờ tạp chí bán chạy nhất với số lượng phát hành khủng nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, 80% nội dung thu hút độc giả trên Kiến thức ngày nay vào lúc “thịnh trị” là bài dịch từ nguồn báo chí nước ngoài. Hàng tuần, tòa soạn phải cử người ra sân bay Tân Sơn Nhất để nhận sách báo, tạp chí mà ông Hàn Tấn Quang đặt mua từ các nước châu Âu và Bắc Mỹ.

Cần nhớ, khi đó rất ít cơ quan báo chí có đủ lực hoặc dám “chịu chơi” bỏ ra một khoản chi phí khá lớn đầu tư cho việc này. Hầu hết lực lượng biên dịch cho các báo lúc bấy giờ phải thường xuyên ghé kho sách báo của vợ chồng ông Dũng bà Mai bên hông nhà sách Sông Hương (đường Xô viết Nghệ Tĩnh, nay là Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM) để tiếp cận các nhật báo, tạp chí vương vãi trên những chuyến bay nước ngoài ghé ngang phi trường được lực lượng quét dọn trên máy bay kín đáo “thu gom”. Nói ra để thấy Kiến thức ngày nay đã chịu đầu tư thế nào.

Các bài dịch về chủ đề khoa học kỳ bí, phát minh mới, kiến thức y học, sự kiện chính trị, văn hóa tổng hợp được đội ngũ các cây bút của Kiến thức ngày nay như Thiếu Quân, Lê Nguyễn, Tân Sơn, Đinh Văn Bảy… xử lý theo lối “phóng tác” của báo chí miền Nam. Họ không dịch nguyên bản bài gốc “word by word” mà sử dụng kỹ thuật viết lại theo văn phong tiếng Việt. Bạn đọc được thưởng thức những tác phẩm báo chí không lợn cợn lối văn dịch, trong khi thông tin thì cập nhật mới từ nước ngoài.

Kiến thức ngày nay đi tiên phong trong việc trả nhuận bút thật cao để giữ chân những cộng tác viên tên tuổi. Ông Hàn Tấn Quang cho biết mình từng bán đồ đạc trong nhà đi để giữ chân các cây bút. Bằng nhuận bút, kéo được thêm những tên tuổi mới, nhờ đó số phát hành càng tăng, thu nhiều quảng cáo. Đến đây có thể tạm đưa ra công thức thành công của tờ tạp chí lừng danh này là “thông tin hấp dẫn, độc quyền + nhuận bút cao + cây viết tên tuổi = phát hành cao, quảng cáo tăng”.


Số phát hành cao đến nỗi các “trùm” phát hành sách báo tại TP.HCM có dịp “làm luật” với các đại lý. Nếu muốn lấy 10 tờ Kiến thức ngày nay thì phải lấy kèm 2-3 tờ của những báo, tạp chí ít người mua, bằng không, chỉ được lấy 3 tờ Kiến thức ngày nay mà thôi.

Chưa hết, độ “hot” của tờ tạp chí lớn đến mức, tòa soạn phải chủ trương in bìa một nơi, ruột một nơi, nhằm tránh tình trạng in lậu tuồn ra ngoài. Con số kỷ lục về phát hành mà Kiến thức ngày nay đạt được là xấp xỉ 200.000 bản/số báo, với 60% là bạn đọc đặt báo dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Một chủ quầy sách nhỏ trước Đại học Sư Phạm TP.HCM cho hay, cứ mỗi kỳ Kiến thức ngày nay ra sạp, ông có thể kiếm được mấy chỉ vàng với chỉ riêng việc bán báo.

Những điểm sáng tiên phong

Kiến thức ngày nay cũng là tờ báo tiên phong trong trình bày và thiết kế bìa. Ngoài hình ảnh in màu ấn tượng lấy từ báo chí nước ngoài, tòa soạn chủ trương phong cách trình bày bìa sang trọng, hiện đại, ảnh gối lên măng sét (manchette), xử lý out khung v.v. Và đáng chú ý là phong cách “rất Tây” khi lần đầu tiên độc giả thấy nghệ thuật “câu chuyện ảnh bìa”.

Cả bìa 1 và bìa 4 là các tác phẩm do họa sỹ trình bày của báo thể hiện tâm huyết và luôn kèm theo một câu chuyện. Đây là một trong những yếu tố thu hút bạn đọc của tờ báo khi xuất hiện tại quầy báo. Kiến thức ngày nay cũng là tờ báo duy nhất ở Việt Nam dành cả hai trang bìa cho nội dung, không bao giờ nhận quảng cáo ở bìa 4, dù thời điểm đó quảng cáo bìa rất cao tiền.

Bên cạnh nội dung dịch, Kiến thức ngày nay vẫn tổ chức nội dung trong nước khá tốt, nhất là mảng văn học sử, phê bình văn chương, thơ, truyện ngắn… Báo tổ chức những cuộc thi bình văn, thơ mời những cây đa cây đề như Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ làm giám khảo để đẩy mạnh phong trào sáng tác. Nhờ vậy, theo nhà thơ Lê Minh Quốc, không có tờ báo nào có thể đạt được điều này: “Tất cả những cây bút lớn đều đã xuất hiện trên Kiến thức ngày nay”.

Kiến thức ngày nay có nhiều chuyên mục được bạn đọc yêu thích và nhớ mãi tới hôm nay. Có thể kể đến Mỗi kỳ một nhân vật (do Phan Hoàng phụ trách), Truyện ngắn 100 chữ, Chuyện Đông chuyện Tây (An Chi), Sức khỏe của bạn (Lương Thị Thìn, Lương Trung Hiếu), Học báo Tiếng Anh (Nguyễn Ngọc Chính), Thế giới qua mắt Chóe (họa sĩ Nguyễn Hải Chí)…

Từ các chuyên mục này, nhiều đầu sách ra đời bằng cách tập hợp lại các tác phẩm báo chí đã xuất bản trên Kiến thức ngày nay phục vụ nhu cầu lưu trữ, sưu tập của độc giả.

Suy tàn như một đóa hoa sống thật trên đời

Nếu như có ai đó từng nói, ước mơ lớn nhất của bông hoa nhựa là được một lần héo úa như đóa hoa sống thật trên đời, thì Kiến thức ngày nay chính là đóa hoa thật thà đó. Tất cả những lợi thế lại chính là “gót chân Asin” của tờ báo trước sự phát triển của công nghệ.

Năm 1997, internet chính thức được khai thác tại Việt Nam. Từ tháng 5.2003, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng ADSL trên quy mô toàn quốc. Đến năm 2007, sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, tốc độ truy cập internet tăng 7.500 lần. Từ kết nối 2Mbps đi Mỹ và Australia trước đây, nay đã mở rộng thành mạng lưới tổng băng thông 10,5Gbps theo 12 hướng qua 8 vùng quốc gia có lưu lượng trao đổi internet lớn.

Có thể thấy, các lợi thế của Kiến thức ngày nay hoàn toàn bị “tước đoạt” trước “siêu xa lộ” thông tin internet với truyền thông số, sách báo, thư viện điện tử. Dù năm 2014, tạp chí đã đổi mới toàn diện từ hình thức cho đến nội dung và in bốn màu trên giấy couche. Tuy nhiên, tại thời điểm từ sau năm 2007 khi internet phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, trước số lượng phát hành ngày càng thu hẹp, càng in càng lỗ, khách đặt mua dài hạn giảm đều đặn, nhiều lần ông Hàn Tấn Quang đã bày tỏ ý định bỏ cuộc chơi.

Đến thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, tờ báo gián đoạn phát hành trong hai năm. Rồi ông Quang đã chính thức “rút lui” để ấn phẩm tâm huyết sáp nhập vào Tạp chí Văn nghệ TP.HCM.

Vàng son xa vời...

Trong quý II.2023, Kiến thức ngày nay (bộ mới) đã trở lại với một diện mạo khác, tuy nhiên, bấy nhiêu chưa đủ để có thể tồn tại trong hoàn cảnh hiện nay. Trao đổi về việc khôi phục lại một tượng đài báo chí, Tổng biên tập Bùi Anh Tấn cho rằng có quá nhiều khó khăn để giúp tờ báo tồn tại, chứ chưa nói là phát triển thế nào hoặc chuyện trở lại thời vàng son là quá xa vời. Thứ nhất, thời điểm huy hoàng thì Kiến thức ngày nay gần như độc quyền những thông tin mà hiện giờ đang đầy rẫy trên internet, đặc biệt mạng xã hội. Thứ hai, do chủ trương ít tính thời sự, dẫn đến tờ báo khó chuyển đổi nội dung.

Lần phát hành lại vào tháng 4.2023, theo ông Bùi Anh Tấn là bước thăm dò với những thay đổi lớn như đổi khổ báo sang cỡ A4 với mục đích dễ làm tiếp cận độc giả mới hơn. Trả lời câu hỏi làm sao để Kiến thức ngày nay tồn tại và đứng vững trong bối cảnh không gian số nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình với khẩu hiệu nổi tiếng “Hãy luôn làm giàu kiến thức của bạn”? Ông Tấn cho rằng đấy cũng là một trăn trở lớn của Ban biên tập.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng sự kết thúc của Kiến thức ngày nay cũng như sự kết thúc của báo in nói chung, là không thể cưỡng lại được sự lớn mạnh của công nghệ.

“Phải đổi mới triệt để, nội dung phải thật sự hiện đại, hướng đến những cái mà bạn đọc cần chứ không phải làm như thời báo chí ban phát cho bạn đọc nữa. Bây giờ mình phải đón đầu cái bạn đọc cần. Số đầu tiên của bộ mới, chúng tôi đã bàn về trí tuệ nhân tạo, ChatGPT… tức là những cái hiện nay bạn đọc cần đi vào chiều sâu so với thông tin trên mạng. Nhưng mà nói thật là không dễ dàng đâu, rất khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay của báo in nói riêng và báo chí nói chung”, ông Bùi Anh Tấn chia sẻ.

Vì sao người khai sinh ra tờ Kiến thức ngày nay - ông Hàn Tấn Quang - không “chuyển đổi số” sớm như khi ông sớm nhận ra nhu cầu của độc giả trong giai đoạn đổi mới, một lần nữa nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, không riêng gì tờ báo nào, tất cả ngành báo chí đều mất dần lợi thế khi internet ập đến. “Ai cũng biết, khi internet vào Việt Nam, thông tin về khoa học, kỹ thuật, về những vấn đề mà Kiến thức ngày nay có thể độc quyền thì trên mạng có hết, đáp ứng hết nhu cầu tìm hiểu kiến thức của công chúng. Người làm báo giấy không đủ lực, không đủ sức nghĩ chiêu trò nào nữa để có thể cạnh tranh với internet. Vậy rõ ràng sự kết thúc của Kiến thức ngày nay cũng như sự kết thúc của báo in nói chung, là không thể cưỡng lại được sự lớn mạnh của công nghệ. Không có cách nào cưỡng lại, chỉ có cách là thoái lui.

Kiến thức ngày nay nếu còn tồn tại là do một thói quen cũ của lớp độc giả cũ. Những người bỏ tiền ra mua để lưu lại cảm giác cầm tờ báo in trên tay. Bạn nói một cách cực kỳ chính xác, đó là duy trì cảm hứng đọc chứ không còn mang tính thị trường báo chí nữa rồi”, nhà thơ cảm thán.

Quốc Ngọc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.