Những giấc mơ bay

 04:15 | Thứ tư, 12/06/2024  0
Nếu không có bầy yến, khoảng không mênh mông trên cánh đồng trên dòng sông rộng kia quá xa xăm và vô cùng hiu quạnh. Yến làm giàu không gian và yến giàu có hơn bất cứ đại gia bất động sản nào.

Phải là những không gian mênh mông mới nhìn thấy nó. Như cánh đồng lúa mùa thu hoạch, như dòng sông rộng trong những bình minh hoặc trong những chiều tà. Nhìn nó bay tôi hình dung kiểu như cánh đồng hay dòng sông tung lên trời những rừng lá mỏng. Cứ thế rừng lá chao nghiêng chao ngã, lướt nhẹ xuống rồi lại vút lên cao và chao lượn.

Yến lượn như những chiếc lá chao trong lốc xoáy. Lá vô tri, yến vô tư. Nhưng những chiếc lá yến nhọc nhằn nhất và tự do nhất. Anh bạn nuôi yến nói nó đang ăn uống. Tôi thấy nó đang lả lướt chơi bời hơn là đang dùng bữa. Anh nói nó ăn trong khi lả lướt rồi nó ngủ cũng trong khi lả lướt như vậy kể cả thả thính nhau và “chăn gối” cũng giữa không trung.

Yến lượn như những chiếc lá chao trong lốc xoáy. Ảnh: TAT


Tiếp cận theo một góc độ sách vở, tôi nghe nói đó là loài chim cẩn trọng đến độ tăng động. Nó cứ bay bay rồi bay bay. Nó không đậu trên bất cứ một cành cây một thửa đất nào. Nó bay như vậy suốt hàng chục ngày, hàng chục tháng. Thông tin đó làm tôi ám ảnh về một thân phận nhọc nhằn. Một phận đời bị trời đày. Vừa bay vừa ăn thì được, sao có thể vừa bay vừa ngủ.

Nhưng chiều chiều, khi qua những chuyến phà trên dòng Cửu Long bát ngát, nhìn bầy yến chao liệng tôi không còn cảm giác nó đang nhọc nhằn. Sự bay, sự liệng giống như nhịp đập của một trái tim đang sống. Một trái tim có thể đập khi ta đang ăn đang ngủ đang ca hát hẹn hò. Những thân hình thật nhỏ, những đôi cánh thật rộng, yến đủ cân bằng và bay bổng như một cánh diều. Cánh diều không cần nỗ lực để lơ lửng mà chỉ cần nỗ lực để chuyển hướng.

Tôi không hỏi vì sao đàn yến cứ lượn đầy khoảng trời của những dòng sông rộng. Nơi bến đỗ của chúng là những khoảng trời bao la đầy những luồng khí vận hành từ thấp lên cao. Nơi đó chúng nghỉ ngơi, nơi đó chúng vui đùa, nơi đó chúng săn mồi và tìm bạn tình. Yến các cứ bầu trời không phải bằng sức mạnh mà bằng sứ mệnh mỏng như chiếc lá. Mỏng nhẹ để lấp đầy khoảng trống của thiên nhiên.

Nếu không có bầy yến, khoảng không mênh mông trên cánh đồng trên dòng sông rộng kia quá xa xăm và vô cùng hiu quạnh. Yến làm giàu không gian và yến giàu có hơn bất cứ đại gia bất động sản nào. Bởi cái giường ngủ, cái bàn ăn của nó là cả không gian trùm phủ quả địa cầu. Trên bàn tiệc bao la đó, vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa của châu thổ Cửu Long cây cỏ xanh um là góc tiệc ê hề món ngon vật lạ.

Thời tôi còn nhỏ, yến phải vượt những chặng đường rất xa, từ những cái tổ trên vách núi cheo leo giữa đại dương để về cánh đồng đầy tiệc côn trùng. Hiếm hoi lắm, như là một sự kiện ngàn năm có một, đó là khi đàn yến về đậu đầy khoảng vườn nhà một chân tu cả đời vô sản sống cạnh Vàm Nao.

Người ta nói chân tu từng ở đảo hoang, từng bậu bạn cùng đàn yến hiếm. Thời đó tổ yến là một món không có trong mơ ước. Tôi nghe về tổ yến như loài người nghe về chuyện kho báu của A-li-ba-ba và 40 tên cướp. Nó quý cỡ nào kệ nó vì nó quá xa vời. Món bồi bổ cho vua, món khoái khẩu của nhà giàu.

Cái thời đàn yến quá nhọc nhằn. Dù chọn nơi hiểm trở để đẻ nhưng yến vẫn không thoát khỏi quyền lực của vua chúa chốn kinh kỳ. Từng bữa ăn vương giả chốn hoàng cung là đổi bằng những cái chết của bầy yến con lẫn đàn yến mẹ, kể cả cái chết của người săn tổ yến.

Giờ thì những ngôi nhà yến như những cái hang chuyên biệt an toàn, thậm chí nó an toàn hơn cả những cái hang xa nhất giữa đại dương. Nơi ngôi nhà đó, người ta đo nhiệt độ, bóng tối và đặt bẫy triệt để những loài động vật săn yến. Cũng những vách đá gỗ hẳm đứng tối đen, cũng là những nơi không có bóng dáng những loài vật khác, nhà yến thay thế những ngọn núi giữa trùng khơi một cách nhẹ nhàng. Nơi đó đàn yến không cần phải vượt biển kiếm ăn. Yến cứ lượn giữa những bao la ăn uống chơi bời để rồi khi cần đẻ, nó lượn thẳng vào căn nhà dành riêng cho nó, đúng tầng quen thuộc, ô cửa quen thuộc.

Ở đó yến độc tôn. Ở đó yến bên yến, bên những đồng loại quá đỗi hiền lành. Nơi nào an toàn chúng cứ xúm xích xúm xít cùng nhau, mật độ không bao giờ là chuyện chúng sợ. Không phải cộng sinh mà là san sẻ. Ta cần gì giành giựt. Nhà ta là bầu trời mênh mông kia. Miếng ăn cho ta lơ lửng bạt ngàn. Ăn chỗ này không được ta chỉ việc vút lên cao, giang cánh đi chuyến bay giường nằm bằng hãng hàng không khí và gió.

Thế là ta có những bữa tiệc xuyên quốc gia. Nhà cho con ta chỉ chưa đầy một tấc vuông. Và nhà của ta là một nguồn dinh dưỡng diệu kỳ. Nó không phải là đạm. Nó không phải là sinh tố. Nó là enzim. Nó mang sinh lực cho những kiệt cùng.

Yến sao mà kiêu hãnh.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy yến rợp trời châu thổ Cửu Long. Miền tây cây cỏ um tùm, không có mùa lá vàng mà chỉ có mùa lá xanh và mùa lá rất xanh. Đủ ẩm đủ nóng đủ xanh cho côn trùng đẻ bầy đẻ lũ. Côn trùng nhiều đến độ từng hạt giống nảy mầm cho tới mùa thu hoạch nó gánh trên vai nợ nần thuốc diệt côn trùng nhiều hơn là phân bón. Côn trùng rợp trời. Côn trùng dầy đất. Bạt ngàn sông nước lúa thóc là bạt ngạt ngàn côn trùng hẳn nhiên cũng bạt ngàn loài vật săn bắt côn trùng trong đó có đàn yến.

Đàn yến về đồng bằng miền tây mỗi ngày một đông thêm. Bầu trời mỗi ngày một vui hơn. Tôi nhìn đàn yến lượn khác hơn nhìn đàn còn cò đàn bồ câu chấp chới. Bởi tôi không đơn thuần thấy ở đó sự sống. Tôi thấy dòng enzim diệu kỳ quý giá đang chao lượn đầy trời. Vẫn châu báu ngọc ngà nhưng nay người lao động có thể với tới chớ không phải chỉ dành riêng cho vua chúa. Cái cảm giác đứng trên phà nhìn những cánh đồng đầy lúa, nhìn những dòng sông đầy nước, trùm lên đó là bầu trời đầy yến chao liệng thấy xứ mình trù phú ngọc ngà. Ngọc ngà tuôn trôi chảy, ngọc ngà nhấp nhô và ngọc ngà chao liệng.

Anh bạn nuôi yến nói, cuối năm những con yến di cư về nhà yến miền tây ngày càng đông. Có khá nhiều con ở lại và một phần nhỏ khác thích hồi hương. Cũng dễ hiểu. Nơi này là thiên đường của đàn yến. Chúng có thể cất nhà ngay trong cái bầu trời bao la đầy sương trong nắng ấm gió lộng bốn mùa. Yến có thể ăn no rồi vào ổ ngủ yên mà không cần phải mang thân phận trời đày vừa bay vừa ngủ.

Tiện nghi có làm biến chất bầy yến? Chắc chắn có. Sáng và tối đi kiếm mồi, trưa và đêm vào tổ trốn nắng trốn mưa. Năm này qua năm khác, yến có còn bay được những chặng đường mười ngày, mười tháng?

Đàn yến vẫn có một tương lai khác bởi có nhiều con thích hồi hương hàng ngàn cây số. Nó khác biệt, nó nhọc nhằn. Nhưng chính điều khác biệt và nhọc nhằn đó đem cho nó cái tự do, bất chấp dòng đời vạn biến. Bất chấp nhà yến ít hay nhiều nó vẫn tồn tại. Bởi nó vẫn luôn sẵn sàng bay từ biển khơi xa thẳm để đẻ để nuôi con rồi về những cánh đồng phì nhiêu rau cỏ để săn mồi. Dòng nước bọt của nó vẫn cứ là một thứ ngọc.

Tôi nhớ bạn tôi chia sẻ câu chuyện về những con yến bay thật cao đâm đầu vào vách núi vì quá đau khổ khi chứng kiến cảnh tổ mình bị tàn phá, đàn con bị tàn sát dã man. Là họ đang tả về những cuộc khai thác yến thời lặn lội trùng dương. Bơi thuyền qua những sóng gió, leo trèo lên những vách núi, vào được những hang tối sau bao nguy hiểm thì có tổ nào hái sạch tổ đó đem về dâng vua dâng chúa chớ ai đâu nghĩ tới bảo tồn.

Nhà yến thì khác, nó là cả gia tài. Họ bảo vệ từng lứa yến con tổ để nhân rộng đàn yến là bảo vệ nguồn sống của họ. Yến cũng như sếu, nó có thể bay hàng trăm ki-lô-mét để ăn nên nó không sợ thiếu đất ăn đất ở mà chỉ quan trọng đất lành cho những đứa con. Nhà yến cướp tổ giết con nó thì dẫu béo bổ cỡ nào đàn yến cũng rủ rê nhau xa lánh. Chính vì vậy yến ở được nơi nào thì nơi đó kẹo nẹo yến, khiến cho những nhà yến lâu năm phải chiết bớt tổ non, loại chưa có con vừa để thu hoạch nhanh vừa để yến mẹ lo làm tổ mà sinh sản chậm lại. Tổ yến non lại là món hàng giới trọc phú ưa dùng. Đàn yến bao lâu mới nhận ra mình không được đẻ vì cái tội chen chút vô một chốn có vẻ... an toàn.

Có lẽ một lúc nào đó yến sẽ nhiều tới mức nó không còn là món hàng đắc đắt đỏ. Cũng tới lúc những cái ổ không còn là hàng cao lương mỹ vị vì nó quá nhiều thì yến với đời sống bay bổng của chúng vẫn xứng đáng trường tồn.

Dòng enzim có trong tổ yến vẫn là một món quà thiên nhiên dành cho loài người và dành thật nhiều cho vùng đồng bằng bát ngát những khoảng sông khoảng đồng lộng gió.

Võ Diệu Thanh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.