Ảnh minh họa.
Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Reuters với khoảng 500 chuyên gia kinh tế trên toàn cầu, tỷ lệ lạm phát gia tăng trong thời gian qua ở các nền kinh tế lớn chỉ là tạm thời.
Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, mức tăng cao nhất trong gần 50 năm. Con số tương tự được dự báo cho năm 2022 là 4,5%. Có tới hơn một nửa trong số 48 nền kinh tế hàng đầu được Reuters theo dõi đều có mức dự báo tăng hơn so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, việc các biến thể mới của COVID-19 xuất hiện, khiến Olympic Tokyo 2020 phải diễn ra trong tình trạng không có khán giả là một lời nhắc nhở đối với nền kinh tế toàn cầu.
“Trong thời gian qua, các thị trường tài chính đã xác định rằng cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra vẫn chưa kết thúc. Biến thể Delta là một thách thức lớn”, Ethan Harris, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Securities cho biết.
“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy biến thể Delta có thể tác động ở mức vừa phải tới nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, nếu có những thay đổi khác, chúng tôi có thể đưa ra những dự báo mới”.
Thị trường tài chính đang ở tình trạng chưa rõ ràng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này, nơi các nhà hoạch định chính sách vật lộn với tình trạng các ca nhiễm COVID-19 gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn có thể gây ra nhiều áp lực về giá.
Về rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt, gần 80% các chuyên gia đều đồng ý rằng sẽ đến từ dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, gần 70% các chuyên gia cho biết tỷ lệ lạm phát tăng lên gần đây ở các nền kinh tế lớn chỉ là tạm thời.
“Đây là thời điểm mà tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã bất ngờ tăng trở lại và đang dẫn đến một loạt các yếu tố bất ngờ khác”, Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Barclays nhận định.
Trong khi các nhà kinh tế dự đoán FED sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào cuối năm 2022, một số nhà phân tích khác lại nhận định họ sẽ nâng tỷ lệ lãi suất vào đầu năm tới. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Anh được dự đoán sẽ giữ nguyên chính sách tới cuối năm sau.
Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua các tài sản liên quan tới đại dịch sau cuộc họp vào tháng 9 tới và sẽ ngừng hẳn việc này vào cuối tháng 3.2022.
Trong khi nhiều quốc gia đã bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn, một vài nền kinh tế mới nổi vẫn đang đối phó với tình trạng thiếu vắc xin.
“Vắc xin vẫn là chìa khóa. Rủi ro vẫn đang gia tăng ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là ở Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và một số nền kinh tế khác”, Vishwanath Tirupattur, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley chia sẻ.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức tăng trưởng có thể giảm từ 18,3% trong quý I xuống còn 8,1% trong quý II do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới mức chi tiêu của người tiêu dùng.
Các chuyên gia nhận định cả Úc và Ấn Độ đều sẽ chịu áp lực về kinh tế trong quý II sau khi trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, qua đó ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi.
Số lượng việc làm tại Brazil được dự báo sẽ phục hồi sau khi nước này chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng vọt trong năm nay. Bên cạnh đó, triển vọng đối với nền kinh tế Mexico dường như sáng sủa hơn.
Làm thế nào để thị trường lao động phục hồi hoặc thích ứng hiệu quả sau khi các chương trình hỗ trợ của chính phủ hết hiệu lực cũng sẽ là một vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.
Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán vẫn sẽ ở mức cao hơn thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, kể cả ở Mỹ, nơi có tỷ lệ tuyển dụng vào mức cao nhất thế giới trong vài tháng qua.
Anh Nguyễn (Property Area)