Tâm lý “tốt khoe xấu che” từ trong tiềm thức khiến phòng khách luôn trở thành nơi để bày biện những thứ đẹp đẽ nhất, những tiện nghi cố gắng sắm sửa cho cả gia đình. Dù nhà trong có bộn bề thế nào, nhất thiết “mặt tiền” phải tươm tất. Đó là suy nghĩ đã ăn sâu ngàn đời nay…
Trong không gian nhỏ như một gia đình thì chuyện tiếp khách đã khó vậy, đón tiếp khách chốn công sở trang trọng còn cầu kỳ hơn. Không gian nơi đây phải luôn chỉn chu, gọn gàng, đẹp và quan trọng nhất là thể hiện được cá tính, nét đặc trưng nhất của gia chủ. Khách đến chơi nhà, có khách được mời, có khách vô tình, hữu ý ghé qua,…làm sao để gây ấn tượng chỉ trong “lần gặp mặt” đầu tiên, đó là “đề bài khó” muôn thuở được đặt ra cho các kiến trúc sư và các nhà thiết kế.
Điểm chung thường thấy ở nơi đón khách chốn công sở là sang trọng, gọn gàng, đơn giản nhưng đủ tiện nghi. Một quầy lễ tân rộng rãi, một chiếc ghế sofa êm ái dành cho khách, một lọ hoa tươi tắn, một tách trà nóng với ánh sáng ấm áp,… Bấy nhiêu có lẽ đủ để gia chủ không áy náy vì đôi khi phải để khách đợi chờ…
Cũng đôi khi có những diện tích “làm khó” người thiết kế. Đó là những không gian không vuông vức, nhiều khi như một sự tận dụng từ những mảng không gian thừa. Ở đây, tài nghệ của kiến trúc sư được phô bày khéo léo trên những đường cong, uốn lượn, tận dụng từng góc, cạnh để bài trí và sắp đặt sao cho hài hoà và tiện lợi nhất.
Nếu thư thả hơn về diện tích, người ta sẽ có nhã hứng đặt vào khoảng không ấy một vài chậu cây xanh. Lúc ấy, không gian mới thật sự sống động, như đưa thiên nhiên gần hơn với nhịp sống mỗi ngày trong bốn bức tường bê tông cốt thép. Cây xanh khiến không khí tươi mát hơn, nhất là trong phòng máy lạnh suốt. Cây xanh còn có tác dụng như một tiểu cảnh vui mắt trong tầm nhìn, nếu thi thoảng, nghỉ tay trước màn hình máy vi tính…
Cũng nhiều khi, để gây ấn tượng về những sản phẩm của mình, khu vực lễ tân còn là nơi trưng bày và triển lãm như một “show room” thu nhỏ. Những gì đẹp nhất, nổi bật nhất đều được bày biện ở đây, tạo ấn tượng thị giác ngay lập tức cho khách ghé thăm.
Nhưng đó là đối với những nơi vừa đủ rộng. Trong sự hữu hạn của không gian, mà thông thường là như thế, tài năng của các kiến trúc sư gần như thể hiện trọn vẹn trong từng đường nét thiết kế, sắp đặt nội thất. Với vài chục mét vuông, chỉ đủ kê một chiếc bàn lễ tân, đôi chiếc ghế chờ, một cái bàn nhỏ, và dành khoảng không còn lại để… thở, thì ánh sáng sẽ trở thành điểm nhấn một cách tự nhiên nhất.
Ánh sáng trên trần toả xuống, ánh sáng từ phía sau hắt ra, ánh sáng từ chiếc bàn lan toả,… tất cả kết hợp với nhau tạo thành dòng sáng nghệ thuật, làm cho không gian trở nên sang trọng và ấn tượng hơn rất nhiều. Những chi tiết trang trí ở những nơi hạn hẹp này cũng sẽ được giản lược tối đa, đôi khi chỉ cần một bức tranh tinh tế cũng đủ khiến không gian thanh lịch, hài hoà.
Cầu kỳ và chăm chút hơn, có thể dùng những vật liệu sang trọng và cao cấp để thiết kế nên những điểm nhấn ấn tượng. Kiến trúc sư có thể dùng đá xuyên sáng, các loại đá, gỗ nhân tạo để tạo hình theo ý muốn, từ bàn, ghế, đến trần, vách, sàn nhà,… nêu bật được “tính cách đặc trưng” của gia chủ.
Đối với những nơi công cộng, mỗi ngày đón tiếp một lượng khách lớn như quầy giao dịch ở ngân hàng, bệnh viện, quầy vé ở các hãng máy bay, sảnh lễ tân ở các toà nhà văn phòng,… thì khu giao tiếp chung này được đặc biệt chú trọng. Người ta thường sử dụng nhiều chất liệu thuỷ tinh, inox,… ở đây để tạo cảm giác rộng rãi, thoáng và sang trọng. Các vật liệu dưới bàn tay khéo léo của kiến trúc sư, kết hợp cùng điệu vũ ánh sáng của các loại đèn được bố trí cân đối, ít nhiều sẽ gây ấn tượng khó quên với khách.
Hoặc là sang trọng, hiện đại, hoặc là truyền thống, cổ xưa, hai phong cách rõ ràng và riêng biệt dù sao cũng là một “đề bài” nhẹ nhàng. Thế nhưng, nếu chủ nhà mong muốn kết hợp hai phong cách ấy làm một, cùng thể hiện trong cùng một không gian, thì vấn đề trở nên thú vị và không còn đơn giản nữa…
Không gian làm việc nhất thiết phải tiện nghi và hiện đại, gọn gàng. Nhưng không gian tiếp khách thì phải là một điểm nhấn mang tính truyền thống để thể hiện tính hoài niệm, giữ gìn bản sắc lâu đời của người Việt xưa nay. Sự pha trộn này nếu đi chệch hướng sẽ tạo nên sự kệch cỡm và lạc lõng, vô vị. Do đó, tính hài hoà và ứng dụng trong tổng thể thiết kế đã được cân nhắc vô cùng cẩn trọng.
Và một bộ ghế salon tay gỗ với bàn nước thấp cũng bằng gỗ màu nâu cánh gián đặc trưng trong những gia đình trí thức trung lưu xưa đã được đặt trang trọng giữa bốn bề bàn ghế văn phòng, vách ngăn hiện đại. Không gian đặc biệt này được “nhấn” bằng một hành lang cao lưng lửng, ngay cả lối lên cũng lửng lơ, chỉ cách bằng một bậc tam cấp; vừa có tính riêng tư, lại vừa hoà hợp với toàn cảnh không gian chung.
Khu bàn nước phía trên nối kết với sàn bằng chiếc tủ búp phê quen thuộc trong gia đình. Thiết kế ấn tượng vừa lạ, vừa quen, vừa có chút hoài niệm trong không gian đổi mới.
Điểm giao thoa giữa hai mảng không gian chính nhờ màu nâu chủ đạo. Sắc màu cánh gián óng ánh, không kém phần sang trọng, là mối liên kết giữa xưa và nay, giữa sự nền nã, trang trọng dưới mái nhà Việt với sự tiện nghi trong môi trường làm việc theo phong cách Âu hoá. Không gian tiếp khách này, nhờ vậy, trở nên ấn tượng và độc đáo, đơn giản nhưng toát lên nét thanh lịch, hài hoà.
Như một nét văn hoá trong tâm thức người Việt, sự hiếu khách thể hiện lòng tôn trọng của chủ đối với khách, không phân biệt sang hèn hay quen lạ. Khách đến nhà là vinh dự cho gia chủ, cũng như một dịp để giới thiệu những cái hay, cái đẹp đến khách quan, cho nên không khó để nhận ra sự đầu tư chăm chút cho những khu vực này. Một nơi đủ gọn gàng để gây ấn tượng từ lần gặp gỡ ban đầu, âu cũng là một sự đầu tư sâu sắc…
Thành Nhàn
____________________________
Trang này thực hiện với sự phối hợp của công ty TTT Corporation