Bên phải hình tháp tròn và cờ ngũ hành theo kiến trúc Mông Cổ.
Hành trình tham quan Nội Mông còn có phủ Phật sống Ulan. Phải gọi là đại phủ vì công trình hoành tráng nằm trên một quả đồi đẹp, khuôn viên rộng 200.000 m2, diện tích xây dựng là 27.000m2. Kiến trúc pha trộn gồm Trung tâm triển lãm văn hóa tôn giáo quốc gia (Trung Quốc), khu nhà Phật và trung tâm nhập thất (Mông Cổ) bao quanh bởi bức tường dài 1450m, với 999 bánh xe nguyện cầu (Tây Tạng).
Có người gọi là chùa vì có tượng Phật. Có người gọi tu viện vì quá thênh thang. Không gian lạnh, chẳng thấy sư lẫn tăng ni.
Tháp canh ở một góc tiểu trấn Kangbashi.
Dân du lịch gọi là phủ Phật sống vì là nơi tu hành của Phật truyền thừa đời thứ 12 ở Nội Mông. Bạn tôi thắc mắc: “Đã là Phật làm sao có chuyện chết hay sống? Tây Tạng, Ngoại Mông, Ấn Độ… cũng có Phật sống, vậy đâu là Phật sống chính tông?”.
"Ở Trung Quốc, có Phật sống được nhà nước công nhận, có Phật sống được dân gian xác tín nghĩa là sao?”. Cái này thì tôi chịu, không giải thích được.
Một góc tiểu trấn Kangbashi (Khang Thành).
Tiểu trấn Kangbashi (Khang Thành) cũng là điểm nên ghé. Ngày xưa, đây là điểm dừng chân nhộn nhịp trên con đường tơ lụa từ Á sang Âu của người Trung Quốc. Vì nhiều lý do, tiểu trấn bị xóa sổ. Nay nó được phục dựng lại gần như nguyên mẫu nhưng không có người ở. Chủ yếu phục vụ du lịch với các dịch vụ cả cổ lẫn tân.
Không có trong chương trình nhưng nhiều du khách Việt vẫn đến mua vé viếng mộ Vương Chiêu Quân và tham quan lăng Thành Cát Tư Hãn.
Nấm mồ xanh của nàng Chiêu Quân
“Chiêu Quân cống Hồ” là điển tích nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại, được biết đến trên sân khấu kịch nghệ, cải lương miền Nam trước 1975.
Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, sinh tại Hồ Bắc (Trung Quốc), được tuyển vào làm cung phi của Hán Nguyên đế (năm 49 TCN). Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà đến Trường An, định lấy công chúa để tạo mối giao hoà giữa hai nước. Hán Nguyên đế ban cho Thiền Vu 5 cung nữ, trong số này có Vương Chiêu Quân. “Tứ đại mỹ nhân” thứ tự là Tây Thi “Trầm ngư” (cá lặn), Vương Chiêu Quân “Lạc nhạn” (chim rơi), Điều Thuyền “Bế nguyệt” (mờ trăng), Dương Quí Phi “Tu hoa” (hoa thẹn).
Sau khi Hô Hàn Tà mất, nàng đã lấy con làm chồng theo tục nối dây của người Hung Nô. Khu mộ của Vương Chiêu Quân to lớn hơn mường tượng. Ngoài bia mộ thờ Vương Chiêu Quân trên ngọn núi nhỏ, còn có những khu vực như nhà bảo tàng phục dựng lại câu chuyện tình của nàng, ngôi dinh thự mà vua Hung Nô xây tặng, nhà biểu diễn ca nhạc, hai bên quảng trường là những khối kiến trúc biểu tượng của nhà Hán và triều đại Hung Nô phục chế gần như nguyên bản.
Bảo tàng sáp về tình sử “Chiêu Quân cống Hồ”. Ảnh Internet
Vùng đất này được người Mông Cổ gọi là “thanh trủng” – nấm mồ xanh. Và cũng giống như Thành Cát Tư Hãn, mộ của nàng chỉ là mộ gió, không có thi hài, được dựng lên để thờ linh hồn. Giữa quảng trường là hai bức tượng đá cao lớn thể hiện nàng sánh đôi cùng Hô Hàn Tà trên đôi ngựa Mông Cổ cao to, ngay cổng vào là bức tượng đá trắng đặc tả nét đẹp của nàng Vương Chiêu Quân. Cho dù nằm xa xôi ở vùng Nội Mông, nhưng hàng năm du khách trong và ngoài nước vẫn lũ lượt tìm đến chỉ để thắp cho nàng nén hương và chiêm vọng nhan sắc nàng…
Đứng trước khu mộ gió đồ sộ của Chiêu Quân, tôi chạnh lòng nhớ về Công chúa Huyền Trân tài sắc, dẹp tình riêng để chinh phục trái tim Chế Mân, vua Chămpa. Đổi lấy cuộc nhân duyên đó là “Hai châu Ô, Rí vuông ngàn dặm” (vùng đất Nam Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam ngày nay) và sự chung sống hòa bình giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Công trạng của nàng to lớn gấp nhiều lần nàng Vương Chiêu Quân.
Tri ân công đức của công chúa Huyền Trân, dân Huế đã lập đền thờ nàng tại thôn Ngũ Tây, nhưng do chiến tranh, ngôi đền xưa đã không còn. Mãi đến năm 2006, mới được đầu tư xây dựng lại, thành trung tâm văn hoá công chúa Huyền Trân dưới chân núi Ngũ Phong.
So với quần thể đồ sộ của mộ gió Vương Chiêu Quân, đền thờ Huyền Trân công chúa quá khiêm tốn. Cái tên Vương Chiêu Quân xuất hiện khắp nơi ở Mông Cổ, Trung Quốc và “xuất khẩu” sang cả Việt Nam với bao huyền tích, giai thoại, kịch nghệ… Còn tên tuổi Công chúa Huyền Trân vốn khiêm nhường, lại càng khiêm nhường hơn khi nhiều đô thị lớn đã xóa sổ tên nàng khỏi tên đường. Hình như chỉ còn duy nhất một con đường nhỏ, vắng bóng người ở TP.HCM...
Dưới bóng Thành Cát Tư Hãn
Gọi lăng là theo thói quen tôn kính của người Mông Cổ với người khai sinh ra đế chế hùng mạnh, từng chinh phục từ Á sang Âu. Phải nói chính xác là bảo tàng vì cho đến nay, dù tốn nhiều công sức tìm kiếm vẫn chưa ai biết Thành Cát Tư Hãn chôn ở đâu, thậm chí chết vì bệnh gì.
Lăng được xây dựng từ năm 1954 - 1956 bởi chính phủ Trung Quốc theo phong cách truyền thống của Mông Cổ.
Cụm tượng nổi "Thành Cát Tư Hãn Tây chinh" bằng đồng, cao gần 30 mét, trước trụ sở Khu tự trị Nội Mông ở Kangbashi.
Thành Cát Tư Hãn tức Nguyên Thái Tổ, có tên là Thiết Mộc Chân. Sau khi đánh bại nước Kim, thu phục Tây Hạ, tiêu diệt Tây Liêu, chấm dứt sự chia cắt của Trung Nguyên suốt hơn 500 năm, ông thống lĩnh đại quân Tây chinh, lập nên vương triều trải dài từ Á sang Âu, lớn nhất trong lịch sử thế giới. Lãnh thổ rộng trên 30 triệu km2 với hơn 40 quốc gia và trên 700 dân tộc.
Cần như cả đời ông sống trên lưng ngựa và giữa sa trường. Chỉ với 200 ngàn kỵ binh, cơ động thần tốc, ông tiến hành đại chiến xưa nay chưa từng có và chưa hề nếm mùi thất bại. Vó ngựa Mông Cổ mang theo cả văn hóa phương Đông và văn minh Trung Nguyên vào phương Tây, xóa bỏ hàng rào giữa các châu lục, lập nên vùng tự do mậu dịch, thông thương hòa bình và được xem là hình thức ban đầu của thương mại toàn cầu hóa hiện nay.
Cụm tượng đồng trước Kangbashi, tiểu trấn sầm uất của "Con đường tơ lụa". Bầy ngựa rẽ phải đến thảo nguyên, bầy lạc đà rẽ trái vào sa mạc.
Gần 800 năm trước, chưa có Internet, ông đã mở con đường giao lưu trao đổi tin tức toàn cầu, nối kết các nước. Đế quốc Mông Cổ đã hiện thực hóa nền chính trị thế tục (không tôn giáo), không xem trọng địa vị tiền tài, tự do thương mại, cộng hưởng tri thức, dung hòa tôn giáo, được miễn quyền ngoại giao, công pháp quốc tế, hệ thống bưu chính toàn cầu… cấu thành nền tảng trụ cột cho thế giới cận đại. Có học giả cho rằng: “Toàn cầu hóa là khởi nguồn từ đại thống nhất thế giới của Thành Cát Tư Hãn”.
Được xem là thiên tài quân sự kiệt xuất nhân loại, ông kiến lập đội quân ưu tú, có vũ khí tốt nhất trên thế giới đương thời. Danh tướng Douglas Mac Arthur (Mỹ 1880 – 1964), nói: “Thành công của Thành Cát Tư Hãn khiến người ta kinh ngạc và thành tựu của hầu hết các chỉ huy trong lịch sử quân sự thế giới đều bị lu mờ”.
Ngày 15.12.1206, các trưởng bộ lạc, tộc trưởng, chư Vương, quần thần của toàn bộ Mông Cổ tại sông Onon đã long trọng tổ chức đại hội Khuruldai, có thể gọi là “Quốc hội Mông Cổ”. Họ nhất trí đề cử Thiết Mộc Chân (44 tuổi) làm Khả Hãn, tôn hiệu là “Thành Cát Tư Hãn”. Ông xác lập “Thiên hộ chế”, mở rộng quân đội, xây dựng hình phạt chính trị, ban bố bộ luật thành văn đầu tiên của Mông Cổ “Đại Trát Tát”, vượt xa thời đại hoàng kim của nền chính trị dân chủ Hy Lạp Athens thời đại Pericles (495 – 429 TCN).
Tượng Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1277). Ảnh: TL
Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, Thành Cát Tư Hãn là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại. Tài sản ông để lại và những vật bồi táng trong huyệt mộ của ông, đủ để nuôi người Mông Cổ hiện đại trong 300 năm. Ông cũng là vị vua được thờ cúng nhiều nhất. Các lễ tế Thành Cát Tư Hãn gồm đại lễ tế Xuân, Hạ, Thu, Đông cũng như tế trăng và cúng tế thường ngày.
Trong đó lễ tế Xuân long trọng nhất, tức “Tra Kiền Tô Lỗ Khắc Tế”, còn gọi là tế sữa tươi. Lễ tế Hạ còn gọi là tế ao hồ, dùng sữa của 81 con bạch mã để cúng tế cửu thiên. Lễ tế Thu là lễ tế cấm sữa. Lễ tế Đông còn gọi là tế dây da, tưởng nhớ việc cắt cuống rốn của Thành Cát Tư Hãn.
Sau khi ông mất, các Đại Hãn nối ngôi không còn giữ được vương triều hùng mạnh. Cháu nội ông là Hốt Tất Liệt (1215 - 1294) từng xua quân xâm lược Đại Việt, cả ba lần đều đại bại (1258. 1285, 1288).
Đế quốc Mông Cổ ngày càng suy vong, chia cắt thành Nội và Ngoại Mông, lãnh thổ chỉ còn chưa tới 1/10 thời hưng thịnh. Âu cũng là luật nhân quả của lịch sử các quốc gia.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Mỹ