“Mỗi ngày tôi sản xuất được 150 ký rau sạch. Với số lượng này thì chúng tôi tạm sống ổn. Nhưng, rất khó để phát triển vì thị trường bấp bênh, đầu ra hạn chế nên chẳng thể làm giàu với nghề rau được”. Anh Nguyễn Văn Hà, một nông dân ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn nói về nghề trồng rau của mình.
Rải bịch hột giống xuống luống gieo, anh Hà chỉ tay về đàn chim sẻ đứng “bất lực” trên hàng dây phơi ngoài khu vực trồng rau, cười khoe: “Không một hột giống nào mất đi, nhờ vào hệ thống lưới phủ kín. Trước đây do làm rau tự phát nên không trang bị lưới phủ thì thả hột giống xuống là bị hao hụt vì chim ăn”. Đó là một minh hoạ nhỏ để anh Hà nói về việc đầu tư hệ thống kỹ thuật để làm rau sạch. Theo đó, chi phí lưới phủ, máy bơm, máy xới đất… của anh lên đến hơn 100 triệu đồng chỉ cho khuôn đất 2.500m2 trồng rau.
“Hiện nay tôi đang trồng các loại rau chính là rau dền và các loại cải. Lúc trước do trồng rau tự phát để bán nên tôi không chú ý đến các thiết bị kỹ thuật nên năng suất không cao, sâu bọ nhiều buộc phải dùng phân và thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Vì vậy nên chất lượng rau không được đảm bảo, dẫn tới việc mất khách hàng. Nay nhờ chịu đầu tư làm rau sạch thì nguồn ra đỡ hơn”, anh Hà nói.
Theo anh Hà, hệ thống lưới dù có tốn kém nhưng sẽ ngăn được sâu bọ, làm nhỏ đi những hạt mưa lớn có thể làm dập rau. Và, quan trọng nhất là không sử dụng các loại thuốc có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra, trồng rau an toàn thì chi phí phân bón cũng cao hơn nhiều so với các loại thuốc rẻ tiền mà độc hại của Trung Quốc.
Ông Lương Văn Hùng, 50 tuổi, ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, trồng gần 3.000 mét vuông đậu que, nuôi mấy đứa con đi học. Gia đình sống chính bằng rẫy đậu nên đời sống khá bấp bênh. Mấy năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông Hùng năng động giao vợ canh tác thêm xúplơ để cải thiện thu nhập.
“Nói thiệt là chuyện mua bán bây giờ tiện hơn nhiều vì công ty, thương lái vào tận vườn mua sản phẩm rồi tự họ phân phối. Nhưng, mình trồng được 10 thì chỉ bán có bảy, phần dư lại không cách nào ăn hết mà bán nữa thì không ai mua. Bình quân hai tháng cũng bán được 80 triệu, tính toán công cho cả nhà mấy lao động và chi phí phân bón, rồi mướn người làm cỏ, trồng tỉa… lời được 10 triệu”, ông Hùng nói.
Anh Nguyễn Văn Hà thì có nỗ lực khác để khắc phục rủi ro đầu ra. Ngoài việc bán rau cho tư thương, anh còn trực tiếp chở rau ra chợ đầu mối Hóc Môn với hi vọng bán được giá hơn. Không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có đêm bán ế hay giá quá thấp, anh phải đành đoạn vứt bỏ mà về. Theo anh Hà, không thể bán rẻ, vì nếu bán rẻ thì hôm sau lại bị ép tiếp.
“Cái khó là chính mình trồng ra cây rau nhưng không quyết định được giá bán. Lái buôn vẫn là những người hưởng lợi nhất, khi họ ép được giá của mình. Ra đến chợ rau mới thấy, giá thay đổi theo từng giờ, đang chênh lệch 3.000 đồng/kg nhưng thoáng chốc còn 1.000 đồng/kg liền”, anh Hà nói.
Niềm tin và cơ hội thị trường Theo sở Công thương TP.HCM , hiện nay sản lượng tiêu thụ rau sạch tại các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố là 217,53 tấn/ngày gồm 118,9 tấn rau thường và 98,63 tấn rau sản xuất đạt chuẩn VietGAP (tạm gọi là rau sạch - PV). Kênh phân phối chủ lực của sản phẩm rau VietGAP tại TP.HCM là hệ thống siêu thị - cửa hàng tiện lợi, số ít còn lại là qua các kênh khác như chợ, cửa hàng tạp hoá, bếp ăn trường học. Cũng theo sở này, các đơn vị sản xuất rau của tành phố cung ứng được 38% tổng sản lượng rau tiêu thụ (46% đối với tổng sản lượng cung ứng rau thường và 29% đối với tổng sản lượng rau VietGAP). Phần còn lại do các đơn vị từ các tỉnh miền Đông, miền Tây nhập về. Căn cứ vào những phân tích cho thấy cơ hội cho các đơn vị sản xuất rau tăng qui mô sản xuất vì lượng cung ứng hiện nay chưa được 1/3 so với lượng cung ứng toàn thành phố đối với mặt hàng rau lá VietGAP. Theo nhận định của sở Công thương, vẫn còn một số đơn vị cung ứng rau trên địa bàn thành phố (đặc biệt là rau VietGAP vẫn chưa có điều kiện và cơ hội đưa hàng hoá vào được các hệ thống phân phối do còn nhiều khó khan vướng mắc liên quan đến phương thức, qui trình thu mua, tiêu chuẩn chất lượng mẫu mã. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được khái niệm kỹ thuật, qui trình sản xuất và những lợi ích cơ bản của rau an toàn cũng như rau VietGAP nên dễ có sự nhầm lẫn. Thế nhưng giá của rau VietGAP lại cao hơn từ 10-15% so với các loại rau thường... |
Giám sát cộng đồng Khi quyết định mở Sky Times-quán cơm trưa theo mô hình từ trang trại tới bàn ăn với nguyên liệu là thịt, rau, củ, quả… do chính gia đình nuôi trồng bằng phương pháp hữu cơ, chị Kim Ngân đã nắm bắt nhu cầu của thị trường từ chính nhu cầu “ăn sạch” của bản thân. Có điều, sự nắm bắt và đáp ứng ấy chỉ diễn ra trong phạm vi Sky Times, xoay quanh một chữ "tín” có tính chất cá nhân và tự bảo chứng. Khoảng cách lớn nhất giữa cung và cầu rau sạch- rau an toàn hiện nay không hoàn toàn ở vấn đề giá (rau an toàn thường mắc hơn rau thông thường) hay hệ thống phân phối (chỉ xuất hiện chủ yếu ở siêu thị, cửa hàng) mà chính ở sự bất đối xứng về thông tin khi người tiêu dùng không thể chắc rau an toàn mà mình mua có… an toàn hay không nên trong nhận thức có sự… cào bằng. Với một giả định rau nào cũng không an toàn, không ít người thay vì chọn lựa ngay từ đầu, họ tự vệ bằng các biện pháp “vệ sinh” khác sau khi mua “đổ đồng”. Không phải là không có lý nhìn vào kết quả nhiều đợt thanh kiểm tra trong thời gian vừa qua, nhiều nhà phân phối tự xưng bán rau an toàn nhưng chỉ là “treo đầu dê bán thịt chó”. Chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đang được nhà nước và nhà sản xuất lựa chọn như một sự bảo chứng rộng rãi. Thế nhưng, như nghiên cứu “Tại sao rau an toàn tại TP.HCM gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ?” đã chỉ ra, giấy này chỉ xác nhận trên quy trình sản xuất và mẫu sản phẩm đem đi kiểm nghiệm chứ không xác nhận chính bản thân sản phẩm đang lưu thông. Do vậy, nó chỉ là bước đầu để công bố rằng người sản xuất đang sản xuất sản phẩm an toàn còn việc quản lý sản phẩm vẫn phải tiếp diễn sau đó. Kinh nghiệm của Thái Lan, một nước áp dụng GAP trước Việt Nam cho thấy chỉ nên chứng nhận cơ sở sản xuất rau an toàn trong một năm và mạnh dạn cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn chứ không chỉ chứng nhận vùng đất trồng rau an toàn. Tất nhiên, điều này sẽ khiến cho nhà quản lý hao tâm tổn sức nhiều hơn trong việc thanh kiểm tra. Trong thực tế, đã có trường hợp giấy được cấp trong thời hạn ba năm rồi nhưng quay trở lại thì không còn đất nữa hay đất đã bị nhiễm độc rất nhiều. Không có cơ quan quản lý nhà nước nào có thể trăm tay ngàn mắt bằng chính các thành viên, họ tự canh chừng nhau vì uy tín của tổ chức, cũng là vì quyền lợi của mình. Khi đã làm được việc giới thiệu và đảm bảo mình là ai, thì còn lại là bài toán lời - lỗ, cũng không hề đơn giản, như trường hợp ‘thành công” nhưng “thất bại” của trung tâm Thực phẩm an toàn Sao Việt ở TP.HCM trong nghiên cứu nói trên. Thành lập từ năm 2002, trải qua sáu năm hoạt động, Sao Việt nhận thấy giá thành sản xuất rau an toàn không cao hơn so với sản xuất rau thông thường nhưng các chi phí sau thu hoạch như sơ chế, đóng gói, làm mã vạch, vận chuyển… đã khiến cho giá bán sản phẩm cao. Trong khi đó, không nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá ấy. Cuối cùng, họ đã phải tuyên bố giải thể. Nhưng đó là bài toán khác với lời giải khác, chẳng hạn như giảm chi phí thế nào. Và cũng tin rằng, mức sẵn sàng chi trả phụ thuộc vấn đề niềm tin khi nó có cơ chế xác định. Nguyên Lê |
Thanh Nhã