Nếu ai đã có dịp thưởng thức Làng Tôi và À Ố Show, hẳn sẽ cảm nhận rõ tâm tình mà những người thực hiện chương trình đã gửi gắm. Vẫn mãi là những câu chuyện về làng, những người làng, văn hóa làng, vẻ đẹp làng…xuyên suốt từ Bắc chí Nam, từ những cánh đồng thơm mùi lúa chín của đồng quê Bắc Bộ đến những chân trời tít tắp giữa sông nước Nam Bộ mênh mang. Văn hóa làng, vẻ đẹp làng, những người làng ấy đang chấp chới, mất còn, nếm trải sự xâm thực của làn sóng đô thị hóa ra sao? Bằng sự hợp nhất của nhiều loại hình, ngôn ngữ nghệ thuật, đắm chìm trong một thứ ánh sáng thanh khiết nhưng huyền bí và mộc mạc của tre, âm thanh sống động của đời sống làng quê đã tràn về phủ đầy tâm cảm của người thưởng ngoạn…
Cái tên À Ố bắt nguồn từ Làng – Phố, do chương trình hướng đến khách du lịch nước ngoài, nên đạo diễn Tuấn Lê đã chọn tên À Ố cho dễ gọi, dễ nhớ. Chia sẻ mạch cảm hứng đã đưa anh đến với À Ố Show, Nhất Lý, đạo diễn âm nhạc tâm sự: “ Đặt ra mối tương quan giữa Làng và Phố, tôi nghĩ nhiều về làng hơn phố. Trên bất kỳ mảnh đất nào của nông thôn Việt Nam, phố cũng đang xâm thực làng, những căn nhà ống đang xâm lấn những cánh đồng như một thứ “mốt”. Người nông thôn sính phố, người thành thị lại vọng ngoại, sính ngoại, bắt chước ngoại….đó là sự tự ti, yếm thế, thiếu hụt về văn hóa.
Người ta mua đất của nông dân bằng héc ta, bán bằng mét vuông. Người nông dân bán đất thành công nhân rất nhanh đi vào những thành phố. Người ta đua nhau xây những khu ổ chuột cho dân nghèo đổ về. Cuộc sống thay đổi như châu Âu 100 năm trước, sinh ra những người chủ mới rất giàu có đối lập với những người công nhân như nô lệ với mức thu nhập rất thấp. Không thể không nghĩ đến những sự bất công mới, sự thay đổi đời sống người nông dân khi không còn đất, cánh đồng thành sân golf, đang có vườn lại đi vào nhà tầng… Dường như chúng ta không đủ tỉnh táo trong sự phát triển ồ ạt này, và chủa đủ bình tĩnh để nhìn ra cái mà mình đã mất. Đó là vấn đề không của riêng ai… Tôi không đặt vấn đề mâu thuẫn, với vai trò người nghệ sĩ, tôi chỉ đưa ra vài hình ảnh va đập của việc đô thị hóa ào ạt nông thôn, đi kèm theo sự thay đổi quá nhanh sẽ dẫn đến mất cân đối, khiến người ta nhìn nhận những giá trị khác đi, phủ nhận văn hóa của chính mình. Từ Làng Tôi đến Làng Phố là sự tự hủy hoại văn hóa nghệ thuật của chính mình” Đạo diễn Tuấn Lê cũng tỏ ra nuối tiếc những kiến trúc đẹp một thời đã tạo nên dấu ấn Sài Gòn: “ Trên đường Đồng Khởi, không còn nữa những kiến trúc tiêu biểu đầy cá tính. Người giàu phải trả rất nhiều tiền để được ở những khu du lịch sinh thái, những mái lá rêu phong, trong khi người làng lại xây nhà ống! Trong nhiều thập kỷ, người ta cấm mình và mình tự cấm mình, bỗng chốc vỡ òa ra trong sự xâm nhập của văn hóa tiêu thụ, người nào cũng có một điện thoại di dộng, nhưng tri thức lại khập khiễng, nhân tạo, sinh ra những tật xấu không đâu có cả ”.
“Với À Ố Show phiên bản mới, chúng tôi thêm nhiều phần phố hơn về cấu trúc và hình thức, dàn khung nhôm đại diện cho sắt thép, sự xâm chiếm của đô thị do chính con người dựng nên đã hủy diệt thiên nhiên, tự nhiên…Cuối cùng, thiên nhiên và sắt thép phải hòa quyện để cùng vận hành cuộc sống. Chọn tre làm nghệ thuật, khai sinh ý tưởng xiếc tre, xây dựng không gian âm nhạc của người phương Đông…chúng tôi muốn quay lại với cái gốc của người Việt, văn hóa Việt trong một cách nhìn mới, để chia sẻ được với nhân loại, với thế hệ trẻ”, Tuấn Lê bộc bạch.
Khai sinh ở đất Bắc, lưu lạc giang hồ khắp thế giới, cuối cùng Làng tôi và À Ố Show lại chọn Sài Gòn làm nơi “đất lành chim đậu”. Nhất Lý đã thuê nhà dài hạn ở Sài Gòn. Hỏi vì sao anh rời bỏ Hà Nội và thành lập công ty TL’s với bốn thành viên Tuấn Lê, Tất My Loan, Nhất Lý, Nguyễn Lân ? Nhất Lý cười rạng rỡ: “ Thực ra tôi muốn lôi Tuấn Lê ra Hà Nội, nhưng cuối cùng tôi lại chạy vào đây. Vấn đề là môi trường phát triển, không phải mình muốn là được. Sản phẩm văn hóa cần một thị trường tiêu thụ lành mạnh.
Cuộc đấu tranh giữa người làm nghệ thuật và kinh tế từ À Ố Show đã đưa chúng tôi đến quyết định lập công ty. Chúng tôi muốn tạo ra một nhóm làm nghệ thuật có cách làm, cách tư duy độc lập, không bị những người làm kinh tế coi như người làm thuê và trở thành công cụ của họ".
Đụng chạm đến việc ứng xử với đời sống của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ dân gian, Nhất Lý tỏ ra đau xót thấm thía: Tôi đã từng sống với các nghệ nhân ca trù nhiều năm, hiểu hơn ai hết nỗi tủi nhục của họ. Chúng ta cứ hô hào phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, nhưng tài sản văn hóa thì không ai chăm chút để nó phát triển cả. Chính nghệ nhân là nạn nhân, vì chẳng ai đoái hoài đến đời sống thường nhật của họ… Có những nhạc cụ từ xưa đến nay chính người Việt cũng không biết, âm sắc rất đẹp nhưng âm lượng trong dàn nhạc lại quá nhỏ. Câu chuyện của tôi là xây dựng không gian âm nhạc phương Đông để tạo dựng tác phẩm nghệ thuật”. Trân quí và lo lắng thực tâm cho đời sống anh em nghệ sĩ, ước mơ cống hiến những tác phẩm để người Việt có thể tự hào, Tuấn Lê từ Đức đã trở về. Bỏ nhiều công sức để biến rạp Hào Huê từ hoang tàn thành cơ ngơi khang trang để huấn luyện, đào tạo và tập luyện thường xuyên cho anh em nghệ sĩ.
Không những thế, anh còn chăm chút cho diễn viên của mình nơi ở sạch sẽ chu tất, mang lại một cuộc đổi đời thực sự cả về vật chất và tinh thần cho những diễn viên xiếc trẻ vốn đang sống quá bấp bênh trong những khu nhà ổ chuột tồi tàn. Tuấn Lê cho biết, “ Hy vọng trong tương lai sớm nhất, tôi sẽ kéo các bạn vào đây. Diễn viên rất cần được tập luyện thường xuyên, và người đạo diễn như chiếc gương phản biện để nghệ sĩ nhìn thấy họ… Môi trường làm việc và môi trường sống phải thực sự được chăm chút thì diễn viên mới có thể phát huy hết khả năng của mình”.
Chia tay những con người quên mình vì nghệ thuật, Nhất Lý và Tuấn Lê, ý nhị tiết lộ: “ Sau Làng tôi, Làng phố, sẽ là…Làng nước! Nước hiện diện trong tất cả mọi sinh hoạt và văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Ối! Làng nước ơi!”
Phương Hoa