Vụt sáng trong mắt tôi là một tòa nhà đồ sộ, lấp lánh những ô kính nhỏ - ẩn hiện cả màu xanh bầu trời và màu xanh dòng sông Seine lúc hoàng hôn.
Sông Seine - thú chơi cũ và mới
Ngay buổi tối đầu tiên ở Paris, anh chị Trần Hải Hạc - Việt Linh “chiêu đãi” một cuộc đi dạo cảnh quan mới bên dòng sông đã đi vào thơ ca, âm nhạc của không riêng người Việt. Tòa nhà mang kiểu dáng một chiếc hài khổng lồ nhưng vẫn thanh nhã với hai đường cong duyên dáng ở mặt dưới và mặt trên. Nó trông như một nhà văn hóa, một nhà hát opera hiện đại chứ không phải một thương xá hay cao ốc văn phòng tối tân!
Ngắm nhìn tòa nhà, ta không có cảm giác về một khối bê tông hình hộp trần trụi và quyền lực cao ngạo. Càng không phải là loại cao ốc lợp kính lạnh lẽo, đầy ấn tượng “robot” - đã, đang hiện diện chán ngắt ở xứ mình và nhiều nơi khác. Sân bên ngoài tòa nhà thênh thênh nằm dưới vòm cong, thông ra bờ sông thoáng rộng. Ô hay, tòa nhà không “độc quyền thụ hưởng” cảnh sắc sông nước tuyệt vời. Không hàng rào, không cửa chắn, tòa nhà hào phóng mời gọi mọi người đi xuyên qua chiếc sân để cùng thưởng ngoạn con sông kiều diễm! Ở những đô thị của ta, có cao ốc phức hợp nào ven sông “chơi sang” như thế?
Đạo diễn Việt Linh (phải) giới thiệu tòa nhà báo Le Monde bên bờ sông Seine.
Đã hơn 7 giờ tối, trời vẫn còn sáng, tôi trông thấy một đôi thanh niên đang tập khiêu vũ điệu tango ở sân trước tòa nhà. Và rồi họ “mi” nhau trong cơn gió mát rượi. “Đã” thật, mùa hè nóng chảy mà có một chỗ hẹn hò tình tang như thế thì còn gì bằng! Thêm nữa, đường dẫn lên tòa nhà là những bậc thềm dài - tựa như khán đài hay ghế đá cho “người dưng” đi qua cứ bâng quơ ngắm cảnh.
Tại đây, tưởng như cũng bâng quơ, có một tấm bảng hình chữ nhật bằng kim loại màu xám bạc đứng yên, đầy khiêm tốn. Bảng có khoảng 10 chiếc nẹp giăng ngang và những con chữ đều đặn, quen quen? Chao ôi, đó chính là cái khung xếp chữ chì của nhà in ngày xửa ngày xưa, đã biến mất từ khi máy tính chiếm lĩnh các nhà in và tòa báo.
Và giờ đây cái khung xếp chữ phóng to đang thể hiện những con chữ cho biết tòa nhà mộc mạc và quyến rũ chính là trụ sở tập đoàn báo Le Monde. Đó là tờ báo Pháp nổi tiếng thế giới, sang năm sẽ lên 80 tuổi! Chúc mừng đồng nghiệp bô lão và “bô giai”, không những đứng vững trong thời đại truyền thông số mà còn tặng cho Paris một tuyệt tác kiến trúc lịch lãm và thân thiện - khai sanh năm 2021, ngay sau mùa Covid!
Lùi ra xa một chút, tôi nhận ra bên phải tòa nhà Le Monde là nhà ga xe lửa Austerlitz. Một đằng là siêu tân kỳ, một đằng là cổ điển gốc, thế mà đứng bên nhau vẫn là cặp đôi hài hòa. Tôi bỗng giật mình - “méo mó nghề nghiệp” khi thấy tên đường tại đây là Pierre Mendès France. Đúng rồi, ông ta là vị thủ tướng chủ trì việc ký Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, sau khi quân Pháp ngậm ngùi thua trận Điện Biên Phủ. Lại thêm một chi tiết liên quan Việt Nam trên phố phường Paris.
Tuy nhiên, chi tiết kế tiếp còn lạ và vui vui hơn nữa. Chẳng là, chị Việt Linh kể nhiều năm trước, dọc lề đường tại đây còn nhiều cây cỏ hoang dại. Nhìn kỹ, có cả loại lá giống như rau dền trời, rau tàu bay, khiến chị cứ tự nhiên ngắt về để nấu nồi canh “thương nhớ quê nhà”! Mấy bà đầm đi qua thấy người phụ nữ Á Đông nhặt cỏ dại, trố mắt. Chị nhẹ nhàng giải thích cho họ, đó là một loại dược thảo phương Đông…
Ảnh và ảnh mọi nơi
Anh Hải Hạc sinh ở Paris, giáo sư kinh tế, còn chị Việt Linh là người Sài Gòn, dân điện ảnh. Cả hai đều là những người sành sỏi thủ đô Pháp và sẵn sàng chia sẻ nhiều điểm tinh tế, độc đáo cho thân hữu. Trước lúc cụng ly rượu vang và ăn tối, hai anh chị trao thêm món quà bất ngờ khi đưa chúng tôi đi ăn… ảnh! Đầu tiên là đến bờ kè Bercy, nơi có những nhà hàng, quán cà phê ven sông - bắt đầu lên đèn vàng kỳ ảo. Ở đấy, có một con tàu sắt sơn xám, mang hàng chữ đỏ màu son môi Quai de la Photo - Bờ kè Nhiếp ảnh. “Đỉnh” chưa, con tàu vừa là nhà hàng nổi, vừa là nơi triển lãm ảnh trên sông!
Xem triển lãm ảnh trên nhà hàng nổi Quai de la Photo.
Không gian giới thiệu ảnh là hầm tàu để lộ thiên, sàn lát gỗ bóng loáng. Các bức ảnh được in khổ thật to, trình bày trên các bức vách sơn trắng. Khung cảnh theo phong cách tối giản mà thanh lịch. Bộ ảnh đang triển lãm là ảnh chụp dân Pháp đi nghỉ hè ở các bãi biển. Các bức ảnh đều mang tính đời thường, không cầu kỳ kỹ thuật nhưng vẫn lôi cuốn vì góc độ và khoảnh khắc hiếm có.
Dường như vì lý do “privacy” - riêng tư, nên không thấy ảnh chụp các bãi biển “monokini” hay “sans kini” nghe nói rất nổi tiếng ở Pháp (hầu như khỏa thân, không biết có phải là huyền thoại hay không?). Dẫu sao, “gớm” thật, bên ly cà phê và rượu cùng thức ăn ngon, khách có thể “nhấm nháp” cả hình ảnh thực của dòng sông Seine cùng một thế giới muôn màu muôn vẻ từ các nơi tựu về.
Đi dạo một vòng con tàu, tôi thấy “mãn nhãn” về cả hình ảnh, nhất là cách chơi và hưởng thụ thiên nhiên, nghệ thuật. Nhưng la cà Paris mấy ngày sau, tôi còn mãn nhãn hơn khi chứng kiến nhiều triển lãm ảnh khác, ở đủ loại không gian. Trước nhất vẫn dọc theo sông Seine, đoạn gần nhà thờ Đức Bà, có hẳn khoảng 100m bờ kè đang trưng bày nhiều bức ảnh cỡ panô quảng cáo khổ lớn. Khách đi bộ trên thảm đá xanh vừa ngắm nhìn những du thuyền qua lại trên sông, vừa xem những bức ảnh kể chuyện trên bờ.
Tại quảng trường mênh mông trước cửa tòa lâu đài Hotel de Ville (Tòa thị chính) mọc lên một triển lãm ảnh, với nhiều tấm partition - mở ra như những trang sách lớn. Thoạt đầu, tôi tưởng là triển lãm ảnh về sự kiện 11.9 - ngày tòa tháp đôi ở New York bị máy bay khủng bố san phẳng cách đây đúng 22 năm. Song, đây lại là triển lãm về cuộc đảo chính ngày 11.9 năm 1973 ở Chile. Không thể quên 50 năm trước, bọn quân phiệt Pinochet lật đổ Tổng thống Allende - biểu tượng của chế độ dân chủ. Những hình ảnh về cuộc đảo chính đẫm máu đã tái hiện ký ức bài học đau thương về các cuộc xung đột dưới áp lực của các siêu cường.
Và lạ chưa, người ta còn bày ảnh triển lãm trên hàng rào sắt bên hông Tòa thị chính. Cuộc triển lãm mang tên Une lettre d’Amour à Paris - Lá thư tình gởi Paris. Tác giả Peter Turney, một người Mỹ gốc Pháp được mời trưng bày khoảng 20 tấm ảnh trắng đen, thể hiện các phút giây đầy yêu thương của các cặp tình nhân trên phố. Và cả những khoảnh khắc nhân ái và thư giãn của người Paris từ già đến trẻ. Trong khi ấy, bước xuống trạm metro Hotel de Ville, tôi được “bo” thêm triển lãm ảnh ở hành lang đợi tàu. Những bức ảnh sinh hoạt Paris miêu tả từ cảnh đi chợ, đi xe buýt đến ngồi quán và đám cưới, với nhiều gương mặt cận ảnh người xưa, vào thập niên 1950-1960 xa vắng.
Triển lãm ảnh dọc theo hàng rào Tòa thị chính Paris.
Sân trước nhà ga Lyon cũng có triển lãm ảnh và các phiên bản tranh. Quanh công trường sửa chữa nhà thờ Đức Bà cũng thế. Người ta sử dụng vách ngăn bảo vệ công trường để trưng bày hình ảnh về lịch sử và các chi tiết kiến trúc của giáo đường bậc nhất nước Pháp. Đi xem dù là lướt qua các cuộc triển lãm ngay nơi công cộng, tôi ngỡ mình đang sống trong thế giới hai chiều. Ước gì nay mai, tại các công thự, các trạm metro, các quảng trường lớn, các công trình văn hóa và tôn giáo, các bờ kè sông của Sài Gòn và nhiều đô thị khác cũng sẽ là nơi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật tương tự. Hãy đa dạng cách thức quảng bá cái đẹp của dân tộc và nhân loại ra với công chúng để mọi người đều được học hỏi và thụ hưởng! Xã hội đâu cần tốn kém nhiều, đâu cần những dự án “tỷ tỷ”, mang danh mỹ miều “chấn hưng văn hóa”!
Hội ngộ Petrus - nhớ người Sài Gòn xưa
Paris luôn có nhiều điều kỳ thú mới mẻ nhưng mỗi lần đi thăm, tôi thường nghĩ đến câu chuyện người Sài Gòn đầu tiên đến “Kinh đô ánh sáng”. Chắc chàng trai đó ngày ấy có vô số sự ngạc nhiên, chẳng kém các thế hệ hậu sinh. Tên anh đầy đủ là Petrus Trương Vĩnh Ký, 26 tuổi, nhà ở khu Chợ Quán, làm phiên dịch cho sứ đoàn Phan Thanh Giản. Cách đây 159 năm, Petrus Ký và sứ đoàn đặt chân tới Paris, cũng vào tháng 9.
Lần này, tôi lại có may mắn hội ngộ với gia đình hậu duệ con người nổi tiếng của Sài Gòn và đất Nam Kỳ xưa. Anh Richard, chị Christine, chị Josiane là cháu nội của cụ Trương Vĩnh Tống - người con út của Petrus Ký. Cụ Tống được thân sinh giao giữ gìn mộ phần và gia sản văn hóa. Ngoài ra, còn có chị Rosalie là cháu nội của cụ Trương Vĩnh Thế - con trưởng của Petrus Ký. Thấm thoát bốn năm từ lần đầu gặp các anh chị ở Paris. Đêm nay, trong một quán nhỏ ở quận 13, chúng tôi họp mặt, hàn huyên mà câu chuyện chính vẫn là Petrus Ký.
Họp mặt gia đình hậu duệ Petrus Ký và thân hữu.
Chàng trai Petrus Ký từ chuyến đi làm việc ở Paris năm 1863 đã có cơ hội chứng kiến tận mắt sự cường thịnh của các nước phương Tây công nghiệp hóa. Ông và các sĩ phu thức thời cuối thế kỷ XIX như Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch hẳn đều nhận ra phải lấy văn minh và tri thức hiện đại để canh tân đất nước thì mới giành và giữ được độc lập. Trong hoàn cảnh thuộc địa, yêu nước theo cách của mình, Petrus Ký cống hiến trọn đời cho nghiên cứu học thuật cả Đông lẫn Tây.
Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, tích cực dạy học, làm báo, viết sách từ điển và văn sử. Qua đó, Petrus Ký truyền bá chữ quốc ngữ và các kiến thức hiện đại, truyền dẫn tình yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Một tấm gương cần mẫn như thế rất xứng đáng được tôn vinh nhưng đến nay sự nhìn nhận ông vẫn chưa phải đều khắp và thông suốt.
Huyện Chợ Lách - Bến Tre, lấy hình tượng nhà bia kỷ niệm Petrus Ký đưa vào logo của huyện. Toàn tỉnh Bến Tre từ lâu có chương trình học bổng Trương Vĩnh Ký dành cho học sinh giỏi. Thành phố Bến Tre dành một con đường lớn, trang trọng đặt tên ông. Thế nhưng, rất buồn tiếc, ở thành phố nơi ông sống và làm việc lâu nhất là Sài Gòn, tên Petrus Ký không còn được đặt cho ngôi trường học sinh giỏi có từ năm 1927. Tượng toàn thân Petrus Ký ở công viên trước dinh Độc Lập, được người dân quyên tiền đúc tặng, sau tháng 4.1975 bị dời đi. Tuy vậy, như một lời tri ân thành kính, gần đây tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở Hà Nội vẫn đặt tượng Petrus Ký. Đồng thời có một gian trưng bày Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên mà ông có thời gian là tổng biên tập. Chính một bảo tàng ở Paris đã gởi tặng bản sao tờ Gia Định Báo số 1.
Paris và Sài Gòn - nước Pháp và Việt Nam còn nhiều kỷ niệm và ký ức chung để chia sẻ, còn nhiều kinh nghiệm hay quý để học hỏi, nào phải chỉ là hai miền đất lãng du thoáng qua.
Bài và ảnh: Phúc Tiến