Phan An: Cũng có thể chỉ là nửa đêm thèm kem

 16:20 | Thứ ba, 24/06/2014  0

Người ta nói loài voi không bao giờ quên. Dù có trải qua bao nhiêu năm, một con voi cũng sẽ tìm được đường về để nằm chết bên một bến sông cũ. Dù có bị vứt đi đâu, con chó cũng tìm được đường về nhà chủ cũ. Dù có bay đến đâu, con ong cũng quay về tổ cũ. Nhưng con người thì hay quên. Rất hay quên.

Tôi đã quên bao nhiêu thứ trên đời? Tôi không biết. Gương mặt hai thằng Phóng và Quân, hai anh em sinh đôi học chung với tôi mấy năm tiểu học, giờ trong kí ức tôi chỉ còn là một vệt lờ mờ. Chị của hai đứa nó tên là Giải, bố nó là ông Hai Biền, ông này có huân chương kháng chiến. Thằng Trung bị điện giật chết năm lớp Năm, tôi chỉ nhớ một bên khăn quàng của nó ngắn hoẳn, xoắn tít như đuôi chuột, và nó mặc cái quần xanh đậm chỉ dài đến mắt cá, với đôi xăng-đan bằng cao su màu đen, và nó luôn đứng thứ ba trong lớp. Đứng thứ nhì là thằng Nin, có lần dẫn tôi về nhà chơi, cây gáo nhà nó ra nhiều trái tròn bóng loáng. Trái gáo phơi khô, cưa đôi, bỏ hết ruột, dùng làm gáo múc nước thay cho gáo dừa. Thằng Nin là thằng già trước tuổi. Dọn cơm trưa cho tôi ăn, nó nói “Mi ăn đi cho biết bữa cơm nhà nghèo.” Mà câu đó có phải nó nói không nhỉ, hay là thằng Phương? Vì thằng Phương cũng hay dẫn tôi về nhà chơi. Nhà thằng Phương quay tơ, mẹ nó ngồi bên cái nồi to đầy kén tằm. Nồi sôi ùng ục, khói bốc lên nghi ngút che hết mặt bà. Bà mặc cái quần đen, hai bàn chân to bè nứt nẻ. Nhà tôi thỉnh thoảng cũng nuôi tằm, mỗi khi tằm chín thằng Điệp bên cạnh nhà lại chạy qua ngồi bên nong tằm, phụ bắt tằm bỏ lên né. Con tằm màu vàng, trong suốt, nằm trong những hom né làm bằng cây rang—hình như nơi khác gọi là cây chổi chà. Cây này cũng dùng làm chổi được, quê tôi gọi là chổi rang.

Thằng Điệp có đứa em gái tên là Nguyệt, bị ngớ ngẩn, chiều chiều thường đem chổi rang ra quét sân, kêu soàn soạt. Trên gác nhà nó có rất nhiều sách, tôi mê nhất là cuốn Vùng trời thủng, và một cuốn gì quên mất tên, kể chuyện kho báu trong hang động của người Thượng. Tôi vừa đọc vừa sợ, vì trong truyện có ma, và vì ba nó chết vì bệnh ung thư, mà người ta nói với tôi ung thư là bệnh lây. Hôm ba nó chết, người ta gặp con bé Nguyệt đi ngoài đường. Hỏi nó đi đâu, nó nói: “Bé lên nhà ngoại, ba bé chết rồi,” và cười hí hửng.

Trước nhà tôi lúc đó có hai cây ổi, một cao, một thấp, mọc cạnh hàng rào. Hàng rào là rặng chè tàu quấn đầy dây tơ hồng. Gần hố nước - quê tôi gọi là ục bom - có một lùm cây lọ nồi xanh um. Quả cây lọ nồi đen, to cỡ bằng ngón tay trỏ, ăn ngòn ngọt. Có lần tôi tìm được một quả trứng gà mềm èo, bây giờ thì tôi biết là do con gà ăn thiếu can-xi, nhưng lúc ấy thì tôi thấy lạ lắm, tôi cầm quả trứng khoe quanh xóm. Năm tôi lên lớp hai thì lùm cây lọ nồi này bị nhổ đi để trồng cột điện. Từ đó đến nay tôi chưa thấy lại cây lọ nồi bao giờ, cũng có thể ở nơi khác người ta gọi nó bằng một cái tên nào đó khác. Cây ngải trắng ngày trước mẹ tôi vẫn nấu chè thì có khá hơn, sau này tôi biết nó tên thật là cây hoàng tinh. Mà cũng không chắc nó là cây hoàng tinh, tôi ăn một li chè hoàng tinh mà bỏ dở nửa chừng, trong khi chè ngải ngày xưa tôi ăn cũng được ba bát. Mấy cây ngải mọc ở góc vườn, gần ụ rơm. Mỗi lần tới mùa mưa, tôi lại hái quả lêkima nhét vào ụ rơm, ủ cho chín. Quả lêkima nhiều bột, vàng rực, nhìn thì ngon, nhưng ăn dở. Quả vú sữa cũng dở. Thật ra là do tôi kén ăn. Hồi nhỏ tôi chỉ thèm ăn kem. Người ta chở bỏ kem trong thùng xốp, buộc một bên xe đạp, đạp quanh làng, rao: “Kem đây cà rem đây”. Tôi không có tiền, thèm quá, đứng trong nhà gọi: “Kem!”. Người ta đạp xe vào sân, tôi sợ quá chui xuống gầm giường trốn, mạng nhện phủ đầy đầu cổ.

Nhưng tôi kể tất cả những chuyện ngớ ngẩn này để làm gì? Tôi cũng không biết. Tôi chỉ muốn viết ra. Có thể có ai đó muốn đọc, ai đó muốn nghe. Tôi không biết.

Bạn ạ, ở rừng quốc gia Nam Cát Tiên có một con tắc kè. Tất nhiên là rừng có nhiều con tắc kè, nhiều loại tắc kè khác nhau. Nhưng có một con mà tôi gặp khi đi bộ trên con đường mòn xuyên rừng dẫn ra Bàu Sấu. Nó là một con tắc kè rất bình thường, lấp ló dưới gốc cây bằng lăng, giương mắt lên nhìn tôi. Thấy tôi tới gần, nó giật lùi vào đống lá khô, và biến mất. Vậy thôi. Một con tắc kè mà tôi gặp trong rừng, từ mấy năm trước. Nhưng từ bấy đến nay, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ: Mỗi ngày trôi qua, tôi lại đi trên bao nhiêu con đường mới, tôi sẽ gặp thêm bao nhiêu con người mới, sẽ biết thêm bao nhiêu điều mới, và đến một lúc nào đó tôi sẽ quên là tôi từng gặp một con tắc kè, và có thể con tắc kè ấy vẫn còn ở đâu đó, dưới một gốc cây bằng lăng nào đó trong cánh rừng Nam Cát Tiên. Cũng như cây lọ nồi bị nhổ đi năm lớp hai mà cho đến bây giờ tôi chưa tìm thấy lại, hay như mấy trái gáo trước nhà thằng bạn tôi, hay như những cái kén tằm trôi lập lờ trong cái nồi bốc hơi nghi ngút, sôi ùng ục, hay cuốn truyện thời thơ ấu có cái hang động mà tôi quên mất tên, hay những quả lêkima vàng rực, tất cả, một lúc nào đó, đã từng tồn tại, nhưng lại đang dần dần bị lãng quên. Bởi chính tôi. Như là tôi đang lặng lẽ nhìn một phần của mình dần dần bỏ mình đi, dần dần chết đi, mà không làm gì được.

Và bạn ạ, cứ mỗi khi nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy buồn buồn.

Phan An

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.