Phán quyết của PCA có gây bất lợi cho quyền đắc thụ lãnh thổ Trường Sa-Hoàng Sa?

 08:24 | Thứ bảy, 30/07/2016  0
LTS. Trung tuần tháng 7, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague Hà Lan (PCA) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông, theo đó: “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý; tất cả các thực thể ở quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện để hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế; những hành động của Trung Quốc như ngăn chặn ngư dân đánh bắt cá, bồi lấp đảo nhân tạo... là không hợp pháp. Từ nội dung phán quyết của PCA, TS. Trần Công Trục phân tích những yếu tố pháp lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam và các tranh chấp trên Biển Đông.

Hội đồng trọng tài 5 thành viên thành lập theo phụ lục VII, UNCLOS 1982 thụ lý vụ kiện của Philippines và sẽ giải tán sau khi ra phán quyết. Ảnh PCA

» Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động bay trái phép ở Trường Sa

» Toàn văn phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc

» Tòa Trọng tài bác bỏ 'quyền lịch sử' của Trung Quốc trên Biển Đông

Phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ nhằm khẳng định rằng, nếu căn cứ vào các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) có liên quan đến hiệu lực của các thực thể địa lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, thì tất cả các thực thể ở quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Kể cả đảo Ba Bình, mặc dù đó là một đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, cho dù cấu tạo bằng đất, san hô hay bằng đá, nhưng đó là một đảo quá bé nhỏ, với diện tích khoảng 0,4km2, lại nằm trong khu vực địa lý có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho sự sinh sống của con người (nếu không có sự can thiệp cải tạo của con người) và đương nhiên là không có đời sống kinh tế riêng.

Trong phán quyết Tòa không đề cập đến các thực thể này thuộc chủ quyền nước nào, vì Tòa Trọng tài không có thẩm quyền bàn đến. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm chính thức bảo lưu chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên việc chúng ta ủng hộ và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài thì không hề ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì, về mặt nguyên tắc, Việt Nam đã luôn luôn tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì chúng ta phải bảo lưu lập trường này, giữ gìn nguyên tắc trước sau như một.

Trước khi bước vào đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với các bên liên quan, tuyệt đối không thể vì bất kỳ lý do nào mà từ bỏ bất cứ một thực thể nào trong phạm vi quần đảo Trường Sa, dù là do Philippines, Malaysia hay Đài Loan đang chiếm đóng… Vì vậy, tháng 12.2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói với các nhà báo ở Hà Nội rằng: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa Trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa Trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”. Đồng thời Việt Nam cử đoàn dự phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc, một biểu hiện tích cực hưởng ứng quá trình thụ lý và xét xử của Hội đồng trọng tài, là thiện chí của Việt Nam với tư cách một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, hiện đang đứng trước những thách thức về tính hiệu lực của bản “Hiến chương xanh” này!

          Trong Biển Đông có hai tranh chấp cơ bản: thứ nhất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; thứ hai là tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề. UNCLOS 1982 chỉ áp dụng cho loại tranh chấp thứ hai.

Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài đã phân tích, giải thích cặn kẽ, cụ thể và rất thuyết phục về giá trị hiệu lực của các thực thể địa lý trong Biển Đông để sử dụng cho việc xác định các vùng biển và thềm lục địa của chúng. Có thể thấy rằng những lập luận của Tòa đã khiến chúng ta phải soi lại mình để có những hiệu chỉnh cho phù hợp ngay từ trong nhận thức về những khái niệm cơ bản thế nào là đảo, quần đảo, quốc gia quần đảo, các thực thể địa lý (hay còn gọi là các cấu trúc địa lý) không được coi là đảo. Chẳng hạn, “tổng thể quần đảo Trường Sa” được Tòa kết luận là một “thực thể thống nhất” có quy chế pháp lý riêng, chứ không theo quy chế của “quốc gia quần đảo” quy định tại Điều 47, UNCLOS 1982, như Trung Quốc từng giải thích và áp dụng điều này để công bố hệ thống đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) năm 1996. Đây chính là việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 của Trung Quốc. Họ cũng đang có phương án lặp lại điều tương tự ở Trường Sa. Tuy nhiên, với phán quyết này, Tòa đã cảnh báo và ngăn chặn tính toán này của Trung Quốc.

Người dân Philippines vui mừng sau phán quyết của PCA. Ảnh TL

Còn Việt Nam cũng như một số bên liên quan, cho đến nay mới chỉ đưa ra những phát biểu quy định mang tính nguyên tắc về các vùng biển tạo ra bởi các thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa theo UNCLOS 1982 chứ chưa công bố chính thức phạm vi cụ thể của các vùng biển này theo UNCLOS 1982. Trở ngại nằm trong chính nhận thức của chúng ta. Bởi vì, có không ít người cho rằng Việt Nam cũng nên xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho một số thực thể ở Trường Sa với hy vọng sẽ “dễ quản lý”, không để Trung Quốc và các thế lực khác dễ dàng qua lại tự do trong vùng nước nằm ở khoảng giữa các thực thể này gây bất lợi cho việc phòng thủ, bảo vệ đảo.

Tuy nhiên, điều đó có thể gây nên hiệu ứng “lợi bất cập hại”, vô tình “vẽ đường cho hươu chạy”. Chính phán quyết mới nhất của Tòa cho thấy chúng ta không thể áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 một cách tùy tiện để phục vụ những mục đích ngắn hạn, nhất thời. Mặt khác, chúng ta càng làm rõ yêu sách các vùng biển tạo ra bởi các thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa mà chúng ta có chủ quyền, cũng như những thực thể chúng ta đang quản lý thực thi chủ quyền trong thực tế, sẽ càng góp phần vào việc thượng tôn pháp luật, bảo vệ UNCLOS 1982 và hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp có thể nảy sinh do tình trạng nhập nhằng ngoài thực địa. Như vậy, nội dung Tòa Trọng tài tuyên về hiệu lực của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa như phân tích ở trên, rõ ràng đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức pháp lý hết sức có giá trị để vận dụng trong thực tế có hiệu quả nhất.

Thiết thực nhất là sẽ có tác động tích cực để gỡ được nút thắt của tiến trình ASEAN và Trung Quốc gặp phải trong quá trình tiến hành tham vấn, đàm phán để ký được một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ai ai cũng đang kỳ vọng. Sở dĩ trước đây COC không đi đến đâu vì tranh cãi chủ yếu xung quanh phạm vi áp dụng nó. Vì muốn hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đòi hỏi phạm vi điều chỉnh của COC phải nằm trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn. Và tất nhiên không một quốc gia nào ven Biển Đông chấp nhận điều phi lý này. COC không thể ký kết được chính là do cái nút thắt này. Hy vọng phán quyết sẽ giúp cho các bên có được công cụ và phương pháp để tháo gỡ nó nhằm nhanh chóng ký kết được COC.


 Diễn biến của tiến trình thụ lý hồ sơ và xét xử của Tòa trọng tài 

Ngày 29.10.2015, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague - Hà Lan (PCA) ra thông cáo báo chí về vụ kiện giữa Cộng hòa Philippines với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; trong đó khẳng định rằng PCA có thẩm quyền thụ lý, xét xử vụ kiện này theo đúng quy định của UNCLOS và, cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ràng buộc của UNCLOS có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ mọi điều khoản của UNCLOS.

Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện không làm mất đi thẩm quyền ra phán quyết của PCA. Bởi vì, PCA đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng Philippines chủ yếu khởi kiện các nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và phân định biên giới biển giữa hai nước, do đó nó vượt qua thẩm quyền của PCA. Ngược lại Tòa khẳng định, bản chất vụ kiện của Philippines phản ánh tranh chấp giữa hai nước liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Đồng thời, PCA cũng đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc với ASEAN năm 2002 là thỏa thuận để giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua thương lượng. PCA phán quyết rằng DOC chỉ là một thỏa thuận chính trị mà không ràng buộc pháp ý, do đó không liên quan đến các quy định trong UNCLOS về việc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua bất kỳ phương tiện nào mà hai bên đồng ý.

Vì vậy, PCA sẽ không ra phán quyết về chủ quyền của Việt Nam và các nước khác; không cần phải được xác định trước khi phiên Tòa có thể tiến hành. Tòa cũng nhắc lại rằng, vào tháng 12.2014, Việt Nam đã đệ trình “Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam” đối với phiên tòa này, trong đó Việt Nam khẳng định rõ “không có nghi ngờ gì về thẩm quyền của Tòa trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng”. Phán quyết của PCA về thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines là thắng lợi bước đầu, nhưng vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982, cũng như công pháp quốc tế. Có thể nói lần đầu tiên các tranh chấp về việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 theo các cơ chế thích hợp đã được vận dụng để thụ lý và xét xử các vụ kiện được đơn phương đệ trình.


 TS. Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ

» Những sai lầm của Trung Quốc từ vụ kiện về Biển Đông

» 'Đường lưỡi bò'

» Đài truyền hình Bình Thuận ngưng chiếu phim Trung Quốc

» Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc

» Philippines, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA

 Google Maps xóa tên Trung Quốc ở bãi cạn tranh chấp với Philippines

» Philippines: Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết Biển Đông

» Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động bay trái phép ở Trường Sa

» Philippines: Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết Biển Đông

 Mỹ nỗ lực xoa dịu căng thẳng sau phán quyết toà quốc tế

» Toàn văn phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc

» Tòa Trọng tài bác bỏ 'quyền lịch sử' của Trung Quốc trên Biển Đông

» Trật tự Biển Đông: Không thể hành xử kiểu “một mình một chợ”!

» G7 sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết vụ kiện Biển Đông

» Tòa Trọng tài ra phán quyết vụ kiện Biển Đông vào ngày 12.7

» Trung Quốc ngang ngược doạ dẹp căn cứ Philippines

» Mỹ ưu tiên không quân đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

» Trung Quốc quanh co trước phán quyết vụ kiện

» Thông điệp 'rắn' của Mỹ gởi Trung Quốc

» Báo Philippines: Ngày 7.7 có phán quyết vụ kiện Trung Quốc

» Trung Quốc nỗ lực 'mua chuộc' Mỹ trước thềm phán quyết Biển Đông

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.