"Phù thủy đền gà", một câu thành ngữ đã có từ xa lắm. Và câu thành ngữ này cũng có nguồn gốc xuất xứ từ xa xưa.
Truyện kế rằng: Có một anh “thầy dở thợ dốt” sau khi tính toán bèn quyết chí hành nghề phù thuỷ. Cũng không khó lắm. Bí quyết của nghề này là phải có đủ vốn kiến thức “múa mồm múa mép” để bịp và phải biết lúc nào thì nên bịp và nên bịp hạng người nào.
Khốn nỗi, anh chàng dốt kia không biết các món “võ” đó nên cứ nhắm mắt làm đại. Con người ta ốm không qua khỏi đến tìm, anh ta cũng hăm hở nhận lời cúng ma và còn quả quyết như đinh đóng cột là sẽ khỏi. Làm lễ cúng xong, anh ta vui vẻ nhận tiền, gà, rượu ra về. Bất đồ có lần, vừa bước chân ra khỏi cửa thì người bệnh đã chết.
Minh họa: Nhốp
Một lần khác, có người mất trộm nhờ anh ta gieo quẻ để tìm ra thủ phạm. Anh ta đoán hướng kẻ trộm giấu tang vật rồi ậm ờ chỉ bừa người nghi là đã lấy trộm. Nghe thầy phán, suy đi xét lại, người mất trộm bèn đổ vấy ngay cho ông hàng xóm. Thế là hai người cãi nhau một trận ra trò. Ông hàng xóm bỗng dưng bị oan, tức khí nện cho người mất trộm một trận. Anh này ức quá, đến nhà thầy phù thuỷ hỏi lại nơi giấu của mất trộm. Thầy chỉ thiên chỉ địa lung tung. Ra đào đất lên không thấy, anh ta mới vỡ lẽ mình bị lừa. Thế là anh quay về đòi lại gà, rượu đã lễ thầy. Rủi là thầy đã ăn hết gà, uống hết rượu từ lâu rồi.
Trong lúc bực bội, người mất trộm bèn bắt luôn đàn gà nhà thầy phù thuỷ. Gà bị đuổi chạy tứ tung, kêu quang quác. Thấy thế, những người trước đây được thầy phù thuỷ xem bói cũng kéo đến nhà để đòi lại những thứ đã cống thầy. Có cái gì trong nhà thầy, họ lấy sạch nói là để đền tiền gà rượu, tiền cống oan cho thầy. Không ít người xót của, vừa lấy đồ vừa mắng nhiếc thầy thậm tệ.
Thành ngữ "phù thuỷ trả tiền gà", "phù thuỷ đền gà" ngày nay dùng để nói việc ai đó bắt đền người khác, do nhận làm lại không nên việc như đã hứa nhưng lại nhận tiền của người ta khá hậu hĩnh. Bây giờ, chuyện này chẳng hiếm. Có nhiều vị chức sắc quan tham hay những kẻ “chân gỗ, buôn nước bọt”, hứa hươu hứa vượn rồi ung dung nhận tiền của bao người khốn khó. Khi việc không thành, họ trở thành đối tượng bị những người mất của vỡ mộng kia tới bắt đền. Cũng giống như thầy phù thuỷ xưa, họ không những bị mất tiền mà còn bị bẽ mặt với thiên hạ:
Phán nhăng, phán cuội lấy tiền
Nhìn gương phù thuỷ, chớ nên phán liều...
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)