Quy hoạch có còn là công cụ khoa học, liêm chính?

 15:14 | Thứ hai, 01/08/2022  0
Những tranh cãi về quy trách nhiệm đã “băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương- Tố Hữu (Hà Nội) giữa các cơ quan quản lý chưa có hồi kết. Tức là, mặc dầu đã, đang hiển nhiên gây hậu quả nghiêm trọng, rất lâu dài - nhưng vụ việc lại có thể không dễ xử lý để giữ niềm tin của nhân dân vào một công cụ quản lý khoa học, liêm chính của Nhà nước - đó là quy hoạch.

Để giúp bạn đọc có thêm góc nhìn khách quan về khía cạnh pháp lý cũng như chuyên môn quy hoạch đô thị qua sự kiện nêu trên, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thành Tài (Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh) và ông Trần Trung Chính (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam).

Tuyến đường Lê Văn Lương có nhiều công trình cao tầng ở hai bên đường. Ảnh: Ngọc Thành/ Vnexpress


Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh:

Hủy bỏ và lập lại quy hoạch?

Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh quy hoạch thể hiện trong Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy có nhiều sai phạm ở những dự án  trên tuyến đường Lê Văn Lương- Tố Hữu. Vậy cơ quan, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thành Tài: Trước hết chúng ta cần biết, để một Đồ án Quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần có tổ chức tư vấn (trong nước, ngoài nước) đủ năng lực thực hiện theo quy định.

Trong quá trình lập quy hoạch đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và  nội dung đồ án quy hoạch đô thị. Tiếp theo, đồ án quy hoạch đô thị phải được thông qua hội đồng thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014.

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Phạm Danh.

Còn trong trường hợp đồ án quy hoạch cần phải diều chỉnh, thì theo Điều 51 Luật Quy hoạch năm 2009 quy định về Nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, là: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.”

Như vậy, theo quy định này chỉ người nào có thẩm quyền ký phê duyệt quy hoạch thì người đó ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như việc phê duyệt một quy hoạch mới.

Cụ thể trong kết luận thanh tra số 39/KL-TTr thì trong trường hợp 19 dự án trên đường Lê Văn Lương có sai phạm về điều chỉnh tầng cao, mật độ xây dựng,... thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về UBND thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khi đã tự ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, dù họ không có thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ người nào có thẩm quyền ký phê duyệt quy hoạch thì người đó ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như việc phê duyệt một quy hoạch mới.

Tuy nhiên, để xác định mức độ chịu trách nhiệm của từng cá nhân hay tổ chức thì còn phụ thuộc vào kết luận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thưa ông, vậy hành vi vi phạm về lập quy hoạch xây dựng, hay điều chỉnh quy hoạch bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng từ trước ngày 28.1.2022 (thời điểm nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực) sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Nghị định 121/2013/NĐ-CP về hành vi tương ứng.

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 121/2013/NĐ-CP xử phạt đối với hành vi Vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

-Điều chỉnh quy hoạch xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quy định, quy hoạch phân khu không phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có tỷ lệ lớn hơn không phù hợp với quy hoạch chi tiết có tỷ lệ nhỏ hơn đã được phê duyệt;

-Điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư phát triển đô thị mà không điều chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Rừng chung cư tạo nên cảnh tượng ngột ngạt ở trục đường Lê Văn Lương khi nhìn từ trên cao. Nguồn: Ngọc Tân/ Zing.vn


Còn Điều 10, Nghị định 139/2017/NĐ-CP xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng quy định, phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

- Điều chỉnh quy hoạch xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng; hoặc Điều chỉnh quy hoạch xây dựng đối với một lô đất trong khu vực quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm thay đổi mật độ xây dựng hoặc mật độ dân số, dẫn đến làm vượt khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật hoặc hạ tầng xã hội của đô thị, khu vực.

Cả hai Nghị định đều đề cập biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ và lập lại quy hoạch xây dựng.

Ngoài ra, những cá nhân có chức vụ, quyền hạn có hành vi sai phạm trong hoạt động xây dựng, xâm phạm tới lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mật độ dân cư tăng cao cộng với việc bố trí nhiều tòa nhà văn phòng là một phần nguyên nhân khiến trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên ùn tắc. Nguồn: Zing.vn


Ông Trần Trung Chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển hạ tầng:

Cần "công cụ" có thể lượng hoá những thiệt hại do nạn "phá nát" quy hoạch gây ra

Theo dõi qua báo chí, chúng ta dễ dàng thấy các vụ việc sai phạm do điều chỉnh quy hoạch ngày càng nhiều về số lượng, quy mô và do thế mức độ thiệt hại cũng lớn hơn. Thưa, là người nghiên cứu đô thị, ông có thể cho biết những nguyên nhân nào là căn bản?

Ông Trần Trung Chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển hạ tầng.

Ông Trần Trung Chính: Tất nhiên sẽ có nhiều nguyên nhân. Nhưng quy hoạch sử dụng đất đai và điều chỉnh quy hoạch là một loại công cụ quyền lực của Nhà nước, nên nếu sai, cái sai đó thuộc trách nhiệm các cơ quan nhà nước. Tôi chỉ  điểm qua vài nghi vấn từ  Kết luận số 39 của Thanh tra bộ Xây dựng:

Cán bộ chăm chỉ và ngân sách công dồi dào? Bản kết luận  cho thấy nhiều dự án thuộc tuyến đường này được/ bị  UBND TP Hà Nội và  Sở Quy hoạch & Kiến trúc “điều chỉnh quy hoạch” nhiều lần. Vì sao chính họ là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, phê duyệt, rồi lại "chăm chỉ" điều chỉnh cũng các dự án đó? Làm quy hoạch phải có tiền, mỗi lần điều chỉnh cũng một lần tiền. Cán bộ ta phải làm đi làm lại mất nhiều thời gian công sức tiền bạc, thì tính vào đâu?

Mức phạt trên cơ sở nào? Bản Kết luận chỉ ra có nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng. Có thể hình dung các cuộc “điều chỉnh đi điều chỉnh lại” đều sinh thêm nhiều căn hộ có giá bán nhiều tỷ đồng, mà chỉ phạt bên điều chỉnh vài trăm triệu, có bõ, có tương xứng không?

Hình ảnh kẹt xe, ngập nước ở Hà Nội sau trận mưa lớn hồi cuối tháng 5.2022. Ảnh: Soha


Có bao nhiêu loại hậu quả? Theo Kết luận 39 thì "việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ". Vậy ít nhất việc điều chỉnh gây hai hậu quả lớn. Một là lấy đi các loại đất công cộng (đất giáo dục, trường học, cây xanh...) chuyển thành diện tích thương mại (nhà ở, văn phòng, siêu thị...); Hai là tăng áp lực dân số lên hạ tầng là  gây nhiều thảm họa, đặc biệt là thảm họa giao thông. Tất nhiên sẽ có các mức độ gây hậu quả khác nhau ở hàng chục dự án khác nhau, mà Kết luận số 39 của Bộ Xây dựng chưa đánh giá cụ thể.

Vô phương cứu chữa? Vì nhà đã bán, dân đã ở từ lâu nên không thể có chuyện “buộc hủy bỏ và lập lại quy hoạch xây dựng” sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho dân, cho chính quyền? Còn nếu cứu chữa bằng cách “cưa ngọn” để giảm diện tích ở, giảm dân số... cũng chẳng khả thi, bởi trên thực tế đã có mấy tòa cao ốc xây sai phép bị “cưa ngọn”?

Có tính tổng mức thiệt hại được không? Khó! Vì ở ta chưa phát triển khoa học lượng giá cho từng loại tổn thất theo thời gian. Dù theo một số nghiên cứu, mỗi năm nạn ùn tắc giao thông gây thiệt hại chung cho Hà Nội khoảng 1-1,2 tỷ đô la Mỹ. Nhưng riêng cho tuyến đường này thì sao, bởi ngoài tiêu hao “năng lượng không hữu ích” trong quá trình di chuyển, thì những thiệt hại về thời gian, sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân... do bị ảnh hưởng bởi chỉ số ô nhiễm không khí gấp nhiều lần so với quy định, là bao nhiêu?

Hiện chúng ta vẫn chưa có một công cụ nào có thể tính toán, đo đếm được những thiệt hại do “nạn điều chỉnh quy hoạch” gây ra? Nếu cứ tiếp tục không tính được thiệt hại, thì cũng không hoàn thiện được các căn cứ khoa học để có thể xử lý bên gây thiệt hại một cách công bằng theo pháp luật. Và luật còn thiếu các căn cứ pháp lý để thực thi, thì vẫn sẽ còn khối người coi nó như chuyện có thể đùa, thậm trí đùa dai!?

Nguyễn Lê thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.