Lạc trong không gian hơn 100 tác phẩm nghệ thuật độc bản này, có người bất chợt “giật mình” trước sự tôn nghiêm thuần tịnh, bao dung lớn lao, thánh thiện vô ngần của các bậc thánh tôn, chư tôn, các bậc đại trí, các bậc đạo sư, các bậc đại thành tựu. Nhưng cũng có những người cảm thấy “đồng nhập” ngay bởi vì đó là những an bình, đại dũng, tôn nghiêm mà họ đã có thể phần nào “chạm tới” nhờ vào những công đức tu tập của mình trong đời sống. Đây là điểm rất đặc biệt của những bức tranh này: chúng nhắc nhở và giúp mỗi người thưởng lãm tranh quay lại nhận biết và điều chỉnh chính mình.
Mỗi bức tranh đều hoàn toàn độc lập về lối vẽ, hình thái, màu sắc, không bức nào giống bức nào nhưng đều mang một điểm chung mà hầu hết người xem tranh đều cảm nhận thấy nhưng lại không định nghĩa được điểm chung đó là gì.
TS. Trịnh Thắng cho biết đã sáng tác liên tục trong khoảng thời gian 4 tháng để hoàn thành bộ tranh đặc sắc này trong đại nguyện vẽ về các bậc thánh tôn, các bậc chư tôn, các bậc đại trí, các bậc đạo sư và các bậc đại thành tựu. Trong đó có những bậc giác ngộ và những bậc dẫn lối như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giê-Su, Đức Liên Hoa Sinh... Các tác phẩm chính thức được ra mắt công chúng yêu tranh trong khuôn khổ triển lãm “Phấn tảo”, khai mạc ngày hôm qua (10.8) tại Hà Nội.
Lễ khai mạc ấm áp đậm chất nghệ thuật với nhiều màn ngẫu hứng đặc sắc.
Tác giả Trịnh Thắng chia sẻ: “Khi vẽ những bức tranh này tôi không nghĩ gì, đặt bút là vẽ, từ lúc đặt bút đến lúc dừng bút là xong, xong là không còn sửa gì nữa. Đây chính là lý do tôi vẽ hơn một trăm bức tranh liên tục mà không có sự nhàm chán, chai sạn, không cảm thấy đang theo một lối mòn nào cả. Nhưng có một điểm chung, đó chính là cái thần của tất cả các bức tranh. Tranh ở trạng thái như đã hóa thần.”
Cái thần đó chính là trạng thái tinh thần, trạng thái tâm của các nhân vật trong tranh. Theo TS. Trịnh Thắng, nếu ai đó gọi những tác phẩm này là những bức tranh chân dung thì thực ra chưa chính xác bởi vì tranh không tập trung vào những chi tiết mô phỏng trọn vẹn, hoàn hảo hình tướng và dung mạo một ai đó, mà đi sâu vào khắc họa trạng thái tinh thần cốt tủy bên trong của một bậc đại thành tựu.
TS. Trịnh Thắng và bộ tranh Rung động từ hư vô tại buổi trưng bày.
TS. Trịnh Thắng chia sẻ thêm: “Nhìn vào các bức tranh, chúng ta thấy ngay mắt của các vị ấy không phải là những con mắt vật lý bên ngoài mà là trạng thái của tâm. Nếu mắt bình thường cần có lòng đen, lòng trắng, lông mi, lông mày, rất rõ ràng, ai nhìn vào cũng thấy đó là mắt. Còn trong những bức tranh này, đôi khi chỉ là vài nét chấm phẩy, đôi khi chỉ là vài lớp màu chồng lên nhau, đôi khi là mắt to mắt bé và đặc biệt là hai mắt không bao giờ giống và đều nhau y hệt. Các bộ phận cơ thể cũng không cân đối theo tỷ lệ vàng của một khuôn thước đẹp.”
Bộ tranh Rung động từ hư vô trưng bày tại triển lãm tranh “Phấn tảo”. Triển lãm mở cửa tự do từ 9h – 17h từ nay đến 25.8.2024 tại 34 Châu Long, Ba Đình, Hà Nội.
Nguyên Mai