Không gian trời đất ở đó là một vùng trũng thấp rộng lớn, với những mảng khối rừng - núi - hồ - đầm - bàu - sình lầy - ruộng rộng nhiều cây số vuông thông thủy cùng con sông Mẹ, sông Krong Ana. Những vòng núi bên trên bao một vòng cung xa xa ôm lấy khối trũng nội thủy khổng lồ bên dưới này.
Quê hương của người M’nông Rlăm là thế, đầy những chun, nưl (đầm lầy), mà Lọ (ruộng lúa nước) thì hình thành trong những chun, nưl đó. Họ biết rạ bha (sạ lúa) từ khi người Kinh ở đồng bằng còn phải gieo hạt lúa tạo mạ rồi đem cấy. Làm ruộng, là “lúa nước” đó, là một sự đặc biệt ở thượng nguồn, bởi khi nói đến Tây Nguyên chả hiểu sao người Kinh ta nghĩ ngay về cuộc sống với nền văn minh nương rẫy, chọc trỉa, hoặc cây công nghiệp sau này.
Thế nhân nhớ giùm cho, cái nền văn minh lúa nước sơn nguyên này, chả có tí gì giống tính chất - đặc trưng - khái niệm sách vở mà các vị giáo sư người Việt (và của thế giới nữa) viết về “văn minh lúa nước” như ở đồng bằng sông Hồng, sông Mê Kông, sông Chao Phraya (Thái Lan), sông Irrawaddy (Myanmar) hay ở các nước Malaysia, Nhật, Hàn, Philippines…
Ruộng và làng của người M’nông Rlăm.
Cộng đồng M’nông Rlăm kiếm sống bằng lúa nước nhưng tinh thần sống nghiêng hẳn về phía núi, tâm linh đại ngàn, ngưỡng vọng Yang Bre, Yang B’Nơm (thần Rừng, thần Núi) và mọi tín ngưỡng, lề thói, lễ tục đều dành cho rừng núi, cho mặt trời, chứ không theo mặt trăng. Họ đã sống vậy nhiều chục thế kỷ rồi. Họ thuộc chủng Australoid và nói thứ ngôn ngữ gốc Môn-Khmer cổ xưa.
Mà thú vị, độc đáo hơn nữa là hình thái đời sống họ không giống người M’nông ở cao nguyên trung tâm (thuộc tỉnh Đắk Nông giờ), các nhóm M’nông Nor, M’nông Prâng, hay M’nông Gar cách không xa họ, và đặc biệt là người Ê Đê. Phẩm chất M’nông của họ là cuộc hôn phối độc đáo giữa đời sống và văn hóa sắc tộc M’nông gốc ở phía tây nam với sắc tộc Ê Đê (gốc Nam Đảo cổ xưa) gần đấy ở phía bắc quê hương họ.
Duy nhất họ có đầy đủ cả tinh chất tuyệt diệu M’nông và Ê Đê. Nhà cửa không thả luôn xuống đất như người M’nông Gar, cũng không đưa sàn lên cao như nhà dài của người Ê Đê mà rơi vào khoảng giữa của hai không gian sống kia - nghĩa là vừa đủ thoát khỏi mặt đất. Là họ ở trong nhà sàn - nhà dài. Cái khoảng rời mặt đất kia “vĩ đại” thật, vừa đủ để tránh hơi đất, và cái khoảng “hụp” xuống kia cũng thông minh kỳ lạ, vừa đủ để không đụng trời xanh, nóng. Tư duy và kiểu cách sống chan hòa, thuận vào thiên nhiên.
*
Nơi ruộng sình ngoài kia, hạt lúa họ cho nẩy mầm rồi đưa ra rải xuống sình. Độ ba tháng thì thu hoạch. Xưa cắt lúa bằng tay, cho trâu đạp, nay cũng “chơi” máy gặt, máy tuốt hạt. Nhưng đây đó, sở thích cắt lúa vẫn còn. Nưl, lọ, tờm bhơm (cây lúa), ple bhơm (hạt lúa), grang pây (hạt gạo) không chỉ là cây trồng, nông phẩm, hàng hóa mà thành “người thương”, bầu bạn. Cùng nhau đi cắt, như một gia đình.
Mùa này bắt đầu thu hoạch cho nhà này trước, thì mùa kia bắt đầu từ nhà tiếp theo, cứ thế. Nhỡ có mảnh ruộng ai đó chín trước, thì ngồi lại bàn để linh hoạt điều chỉnh, thống nhất “giải quyết”. Sự công bằng diễn ra tự nhiên, gần như tuyệt đối. Nếu có cắt lúa trộm, hay vác lúa trộm thì do người di cư tự do mới vào chứ chẳng bao giờ là người cộng đồng M’nông Rlăm.
Mỗi năm hai vụ lúa, chẳng lo thiếu gạo. Thức ăn, rau, thịt, cá thì ở trên các sườn núi, dưới ruộng, hồ, đầm, vườn; trồng và đổi chác, và cả mua nữa. Nó nhắc loài người cái gì tối giản thanh lành, giao hòa vào trời đất, cỏ cây, về cõi sống thanh bình từng có thật ở dương gian. Và, rừng là bao dung, hào hiệp, lòng tốt mênh mông. “Chỗ nào có cái rừng, chỗ đó có cái ăn”, người M’nông có câu như thế.
*
Thế kỷ XXI đã đi được một phần năm, và ô kìa những căn nhà dài bằng gỗ kết hợp với tre nứa và lối sống sơn dã vẫn lừng lững. Rừng đã bóc trắng ra cả ở trên núi, bởi thời cuộc, nên ruộng hiện ra nguyên hình. Những Tơ, Yơl, Kdie, Dhăm, Pai Bi, Triêk, Mih, Dơng Kriêng, M’Liêng, Lê, Jun, Bông Krang, Yang Tao... ở huyện Lắk (Đắk Lắk) tràn đầy nhà dài như thế.
Chiếc gùi trở thành vật bất ly thân của phụ nữ M’nông.
Dáng hình người phụ nữ vẫn hắt bóng lên những căn nhà. Họ vẫn chiếc gùi trên vai lên xuống nhà dài. Người phụ nữ là chủ bếp, và chủ toàn bộ những gì trên cái nhà dài đó, lẫn ngoài ruộng vườn gần xa. Mẫu hệ mà, và con cái mang họ mẹ, sừng sững giữa thời hiện đại này. Thế nhưng người đàn ông vẫn được cung kính, coi trọng tuyệt đối. Họ vẫn ăn lẩu, uống bia, tán chuyện Sài Gòn, Hà Nội - từ internet. Họ vẫn mặc quần jeans, chạy xe máy, và đeo kính râm. Nhưng những ngày ý nghĩa nhất với họ vẫn là nướng tất cả những gì có thể ăn, uống những cần rượu từ ché.
Họ quay lại với bản chất của mình khi có thể. Họ không chấp nhận nói dối khi ngồi với nhau. Nói dối sẽ làm người ta nhỏ lại, và mất “chỗ” trong cộng đồng. Họ lấy “cái tình” làm chất lượng sống. Lấy thương yêu và sự sẻ chia làm mục đích. Còn vật chất và tiện nghi làm công cụ, phương tiện cho hai cái kia. Cả nhân loại đều biết giá trị sống cốt lõi và cuối cùng ở đời là thế, nhưng không làm được, thì ở đây, người M’nông Rlăm làm được, nhẹ nhàng, tự nhiên...
*
Mỗi lần lang thang, nghỉ, ngủ, ở trong căn nhà dài của họ, sao mà thấy nó gần gũi, ấm nhẹ, tự nhiên. Là không phải cẩn thận trong đi lại, ăn nói, nhìn, xem, nghe, đọc. Thích ngủ thì nằm đâu cũng được. Thích hát bất cứ khi nào thấy hứng. Không cần phải chào hỏi hay cảm ơn nhiều. Họ bảo quà cho họ không nên là thứ sắm bằng tiền mà là đến với họ, và khi đi nhớ đến họ. Họ bảo đã ở nhà họ là có gì ăn đó, không bao giờ lên kế hoạch món ăn, thức uống, bài trí không gian.
Bon của người M’nông làm ruộng nước từ xa xưa đã được tổ chức lớp lang.
“Hiện đại” và “văn minh” là ở tinh thần sống này đây chứ nào xa xôi nữa. Xa hoa là tinh thần được xa hoa, chứ đâu phải là người, chỗ, món, hay chỗ ở, chỗ chơi, chỗ trò chuyện. Tâm hồn túng thiếu, lòng dạ nham nhở thì ăn mặc có đẹp đến đâu, đi xe đắt tiền đến mấy, ở nhà to đến thế nào cũng chỉ là tự đánh lừa trái tim mình và đánh lừa con người ta thôi. Hạnh phúc thực sự của bất cứ kẻ nào dưới vòm trời này cũng là yên vui.
*
Ba mươi lăm năm trước, rừng vẫn tràn đầy trên các dãy núi vòng cung đó và liếm xuống hồ Lăk. Trong ruộng còn rộn rã các loài thủy sinh, huống chi sông, hồ. Sự thanh lành tuyệt đối, nguyên thể, nguyên bản. Và cơ bản chỉ có người M’nông Rlăm, và M’nông Gar ở gần đó. Giờ, mấy chục sắc tộc đổ về đây. Xứ sở bỗng chật chội, dồn nén, áp lực lên trên núi, xuống ruộng, đầm, hồ. Những bon M’nông này chợt bị bọc lại, bóc ra khỏi ngàn xanh, bỗng chơi vơi. Tội nghiệp.
Đó đây, người từ Buôn Ma Thuột, cách họ bốn mươi lăm cây số, bắt đầu mở những tour du lịch đưa khách phương xa xuống nơi ở của họ để kiếm tiền. Sự chân thiện, minh triết và văn minh bị sự ranh khôn trục lợi. Bước chân du lịch đè lên đầu thì cành cây ngọn cỏ ở đó bị vùi dày.
Ta yêu thương cho hình mẫu cuộc sống tươi đẹp thuần khiết của thế gian giữa thế giới xao động nhốn nhào ở khắp nơi và nhất là khi nó nằm trong toan tính của những kẻ phương xa không tạo ra giá trị, không dấn thân, cống hiến mà rắp tâm thu vén lợi lộc bằng cách dễ dàng nhất. Dương gian ta bà này khắp nơi đã rung lắc và vỡ toang bởi xu thế “vật chất hóa” thế gian, “tiện nghi hóa”, “tối đa hóa”, “xảo quyệt hóa” rồi.
Bao giờ đến lượt M’nông Rlăm?
Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình