Sách sử cho người trẻ

 14:44 | Thứ ba, 04/10/2016  0

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và những khách mời trẻ

Buổi tọa đàm về sách được tổ chức bởi Nhã Nam, với sự tham dự của Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cùng những gương mặt trẻ yêu thích lịch sử, là dịp để các bạn trẻ nêu lên quan điểm và đóng góp ý kiến của mình cho giải pháp: làm thế nào để giới trẻ Việt say mê môn sử, đặc biệt là sử nước nhà qua những cuốn sách?

Vì sao giới trẻ “xa lánh” sử Việt?

Nhiều bạn trẻ có chung quan điểm: người trẻ không hứng thú với môn lịch sử là do "ấn tượng" về môn học này từ những năm còn ngồi trong ghế nhà trường. Cụ thể, thời học sinh, họ đã không hề hứng thú với môn sử thông qua những cuốn sách giáo khoa hết sức khô khan, nội dung chưa đầy đủ và có quá nhiều con số phải ghi nhớ. Điều đó dẫn đến cảm nhận mơ hồ về môn lịch sử, vốn cần được khơi gợi dựa trên những bài học lôi cuốn, hấp dẫn. Thêm vào đó tình trạng “bắt buộc” học thuộc lòng môn sử khiến học sinh có cảm giác quá tải, trong khi các nguồn tham khảo hạn chế cũng như sự tương tác, phản biện giữa học sinh với thầy cô vẫn còn thiếu hụt.

Chính vì thế giới trẻ ngay từ đầu đã đánh mất niềm say mê với môn học này. Những gì họ học là chỉ để “đủ điểm” chứ không hoàn toàn do yêu thích. Một vài lý do nữa là tài liệu tham khảo từ nguồn sách ở ngoài khá khan hiếm hoặc khó tiếp cận, đa số các bạn trẻ phải lên internet để tìm hiểu. Những nguồn thông tin trên internet dù là đa chiều nhưng không thể đảm bảo tính chuẩn xác.

Cứ thế môn sử đã “ám ảnh” phần đông học sinh. Bạn Lê Nguyên chia sẻ: “Tôi đã từng là người đánh mất niềm tin vào môn lịch sử vì những gì tôi được học từ sách giáo khoa thì môn sử quá khô khan. Phần nữa là các sách dạy về sử mang nặng yếu tố chính trị, sự thảo luận, phản biện của học sinh cũng không được đón nhận - điều mà chúng ta đều biết nhiều quốc gia trên thế giới rất coi trọng”. Lê Nguyên cho biết thời gian gần đây “đã có hứng thú lại với lịch sử nhờ đọc một vài cuốn sách được các đơn vị làm sách trong nước xuất bản. Những cuốn sách đó phần nào đó bù đắp được sự thiếu hụt. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng tôi hi vọng trong thời gian tới môn lịch sử cần phải có nhiều thay đổi để học sinh có hứng thú hơn”.

Bớt định kiến

Một trong những khách mời buổi giao lưu, Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu – phó tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam đón nhận những ý kiến bàn luận của các bạn trẻ. Tuy nhiên từ khía cạnh của nhà nghiên cứu lịch sử, bà cũng nêu lên ý kiến của mình: “Tôi biết là nhiều bạn không thích môn sử là vì đã phải học những cuốn sách giáo khoa quá khô khan, đến ngay là tôi cũng không thể nào nhớ nổi những con số mà các bạn được học ở trong đó. Điều này rõ ràng sẽ cần phải thay đổi”.

         
          Một trong những cuốn sách của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường

TS Hậu cũng cho rằng chúng ta khoan đánh giá môn sử bằng những định kiến, đặc biệt là các định kiến chính trị để rồi xa lánh, chán nản môn sử, vì thực ra sách sử có thể tiếp cận không chỉ có sách giáo khoa trong nhà trường mà còn có những cuốn sách sử bên ngoài rất đáng đọc.

Theo đó, hiện nay có nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã cố gắng xuất bản sách lịch sử cho số đông độc giả. Ngoài sách chính sử, còn có những tác phẩm văn học lồng ghép những bối cảnh và các câu chuyện lịch sử…

TS Hậu nhận định: “Một vấn đề các bạn cần phải chấp nhận là Việt Nam chúng ta trải qua suốt mấy ngàn năm chìm trong chiến tranh, hầu như thời nào cũng có chiến tranh và cuộc chiến tranh kết thúc gần đây nhất là 41 năm. Đó là lý do dẫn đến việc không tránh khỏi những yếu tố chủ quan - đề cập nhiều đến chiến tranh theo từng thời kỳ. Cái chính ở những người đọc sử, học sử là cần phải khách quan xem đó chính là bản chất lịch sử. Hãy dẹp bỏ định kiến sang một bên, nếu sách giáo khoa không đáp ứng được kỳ vọng của các bạn, các bạn hãy đi tìm những nguồn sách bên ngoài của những tác giả lớn đã được xuất bản trở lại.”

Truyện tranh, phim ảnh đến truyện dã sử

Trong buổi giao lưu, anh Phạm Vĩnh Lộc, người được cộng đồng mạng biết đến như một phượt thủ trẻ tuổi yêu thích lịch sử. Anh Lộc thường đăng các bức ảnh chụp ở nơi có dấu ấn lịch sử, kèm theo là những câu chuyện tự viết dựa trên kiến thức của mình lên trang cá nhân.

         
 Cuốn Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim          

Anh Lộc chia sẻ: “Tôi thích sử, lại thích cả phượt nên tôi thường tranh thủ những chuyến đi để đến những nơi mà ở đó tôi biết có lưu giữ những dấu ấn, những câu chuyện lịch sử. Tôi thường lấy kiến thức mình có được từ sách vở đem so sánh với những mẩu chuyện mà mình được nghe, được thấy tận mắt qua các chuyến đi như vậy.

Điều đó càng làm cho mình cảm thấy yêu thích môn sử hơn. Từ đó mình muốn các bạn trẻ có thể tiếp cận những gì mình biết bằng cách viết lại những mẩu chuyện theo lối kể tươi vui, mới mẻ nhưng vẫn đầy đủ thông tin.”

Dù vẫn còn nhiều mặt hạn chế để tiếp cận với sách lịch sử, nhưng một số các bạn trẻ yêu sử ngày nay vẫn cố gắng tích lũy kiến thức và phổ biến những kiến thức đó cho cộng đồng qua các loại hình văn hóa. Chẳng hạn như truyện tranh, phim ảnh và các mẩu chuyện vui viết về các nhân vật lịch sử hoặc các sự kiện lịch sử...

Anh Nguyễn Phú Cường, một khác mời của buổi giao lưu, nêu quan điểm: “Nhiều năm qua, chúng ta du nhập văn hóa Trung Quốc rất nhiều.  Để giảm thiểu tình trạng Người Việt giỏi sử Tàu hơn sử Việt tôi nghĩ cần phải có thêm nhiều cuốn truyện dã sử của những tác giả trẻ được đầu tư và xuất bản. Dù truyện được khai thác theo lối viết thời đại, nhưng nhiều cuốn vẫn có thể phản ánh được phần nào các bối cảnh hay các nhân vật lịch sử có trong truyện.”

“Đó là điều chúng ta nên làm. Chúng ta cần làm sao người Việt đọc sách Tàu, xem phim sử thi Tàu nhưng vẫn giữ được mình là người Việt Nam, hiểu được lịch sử văn hóa Việt Nam” - Tiến sĩ Hậu tiếp lời. Bà cho rằng  chúng ta không thể chối bỏ sự du nhập văn hóa, bởi thời đại nào cũng có sự ảnh hưởng từ Trung Quốc. Cái quan trọng là chúng ta tiếp nhận nó ra sao và từ đó làm cách nào để người Việt, nhất là giới trẻ thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam như từng thích tìm hiểu sử Tàu qua những sản phẩm nghệ thuật mà Việt Nam du nhập vào.

“Bên cạnh khuyến khích các tác giả viết truyện dã sử, chúng tôi, những nhà nghiên cứu lịch sử đang cố gắng làm ra những cuốn sách sử trở nên dễ tiếp nhận hơn với đại chúng, với giới trẻ chứ không đơn thuần là sách nghiên cứu để chúng tôi đọc”, TS Hậu khẳng định.

Hữu Nam

» Người Việt chỉ đoàn kết khi đứng trước mối hoạ bên ngoài?

» TS Bùi Trân Phượng: 'Vì sao cứ nói học sử là để nuôi dưỡng lòng yêu nước?'

» ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: 'Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền, cả biển sâu'

» Một cách ứng xử tùy tiện với di sản dân gian

» Chân lý mù từ sách giáo khoa địa lý Trung Quốc

» Trong sách giáo khoa Lịch sử, sự thật chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa có mấy phần?

» Lịch sử phải được ghi lại, được giáo dục đầy đủ

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.