Tôi nhớ, cách đây nhiều năm một đạo diễn khá nổi tiếng của sân khấu Pháp sang Việt Nam. Sau khi được giới thiệu đi xem một số vở chọn lọc ở Hà Nội và TP.HCM, ông đã phát biểu rất thẳng thắn trong buổi toạ đàm. “Sân khấu các bạn có nhiều cái hay, nhưng vẫn là một nền sân khấu tiểu thị dân...”. Nhiều người làm sân khấu của ta dự buổi toạ đàm giận tím mặt, vì cảm thấy bị xúc phạm. Cái ông khách mời này đúng là gây sốc, không quen môi mép xã giao hữu hảo theo thói thường của những cuộc du hí cưỡi ngựa xem hoa...
Một thời gian sau, tình cờ đọc đâu đó phát biểu của một nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu TP.HCM, sau chuyến đi Pháp: “Sân khấu Pháp cũng như Việt Nam thôi. Không thấy họ có gì quá ghê gớm, đặc sắc mà ta không làm được”. Tự nhiên cảm thấy buồn. Lòng tự tôn dân tộc luôn là điều cần có, thậm chí nó là một phần nhân cách của bất cứ nghệ sĩ sáng tạo chân chính nào. Nhưng cái lòng tự tôn hơi nhuốm màu AQ ấy chính là sự tự huyễn hoặc mình trước tinh hoa nhân loại. Cả một lịch sử phát triển rực rỡ của sân khấu Pháp, Ý..., nói chung là sân khấu châu Âu cho đến ngày hôm nay vẫn là những giá trị nghệ thuật mà cả thế giới phải ngưỡng mộ, không dám coi thường.
Biết mình biết người không phải là mặc cảm tự ti đáng xấu hổ, mà là động lực và khát vọng thể hiện mình trong sự hội nhập cùng nhân loại.
Quay lại câu nói xúc phạm “đáng ghét” của ông đạo diễn Pháp, sân khấu của ta có phải là một nền sân khấu tiểu thị dân? Và sân khấu tiểu thị dân là gì? Nói nôm na, sân khấu tiểu thị dân là sân khấu chỉ quẩn quanh thoả mãn nhu cầu và thị hiếu của một lớp người thành thị đến với sân khấu với mục đích thuần mua vui giải trí. Không thể coi nhẹ chức năng giải trí của nghệ thuật, thậm chí khi mà sân khấu vẫn ăn đong, du canh du cư, tự cung tự cấp để tồn tại. Nhưng, bao giờ chúng ta mới có một nền sân khấu theo kịp thời đại, như đánh giá tâm huyết của nhiều vị lãnh đạo nhà nước qua các thời kỳ và sự đòi hỏi của chính nghệ thuật sân khấu, của người làm sân khấu? Bao giờ “cho đến tháng mười”?
Phải chăng câu hỏi, như cởi trói sáng tạo cho văn nghệ sĩ, một quyết sách định hướng, quản lý sân khấu hữu hiệu phát huy những hiệu quả sáng tạo, không ném tiền nhà nước qua cửa sổ bởi những sự đầu tư lãng phí, ấu trĩ, lạc hậu... vẫn chưa có lời đáp do sự thờ ơ và cả chất xám “mòn” của nhiều công chức ăn lương mẫn cán?
Cơ quan quản lý sân khấu chỉ biết chăm chăm đi duyệt vở, ngoài ra không có động thái gì để định hướng phát triển cho nền sân khấu chủ trương xã hội hoá. Nghệ sĩ thì vì miếng cơm manh áo hàng ngày tất bật chạy sô đến mờ mắt và chẳng thiết tha với chính lương tâm và trách nhiệm công dân - nghệ sĩ. Các vở diễn sân khấu thì loay hoay cắm đầu tìm chiêu thức mua nước mắt, nụ cười khán giả hàng đêm mua vé nuôi sống mình, bất cần tư tưởng nghệ thuật và những triết lý nhân sinh - vốn là thước đo giá trị và cả lý do để nghệ thuật có mặt trong đời sống con người. Đó là chưa nói đến biết bao sự tầm thường, dung tục, nhảm nhí, hài hước rẻ tiền, mượn ma quỷ doạ người... như một trào lưu kiếm sống bất bình thường đến mức trở nên quen thuộc, trở thành vô cảm.
Sân khấu không thể là bữa tiệc cơm no rượu say, chén chú chén anh rồi ngủ quên thoả mãn. Sự nhìn lại mình của người làm sân khấu, quản lý sân khấu và một nền sân khấu không thể trách người xem quen tìm vui trong chốc lát... vẫn còn ở phía trước. Chúng ta có dám nghiêm khắc tự nhìn lại mình, hay lại như cái anh AQ ngơ ngáo, bất cần đời trong truyện của Lỗ Tấn ngày xưa?
Lê Chí Trung