Sập hầm thủy điện Đạ Dâng: nếu cứ quy tội... ông Trời

 08:15 | Thứ năm, 25/12/2014  0

Cần phải xem lại từ khâu thiết kế, giám sát tới thi công. Đương nhiên phải có sai chỉ là nằm ở khâu nào.

Không thể nói lỗi bất khả kháng

Ông Nguyễn Thế Phùng - Chuyên gia Hội đồng thẩm định Nhà nước về công trình ngầm là người có mặt tại hiện trường, tham gia giải cứu 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong suốt 4 ngày, đánh giá đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông, để đưa ra kết luận nguyên nhân ngay lúc này thì còn quá vội vàng.

Song cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Phùng khẳng định việc sập hầm Đạ Dâng, Chủ đầu tư đổ lỗi cho địa chất là lời bao biện, thiếu chuyên môn.

Địa chất nào sẽ có thiết kế đấy. Trong thành phố địa chất còn yếu hơn nhiều người ta vẫn làm được hầm. Không thể đổ lỗi cho địa chất, bản chất vụ việc là giải pháp kỹ thuật của đơn vị thi công thế nào?

Theo đó, ông Phùng cho rằng, cần phải xem lại từ khâu thiết kế, giám sát tới thi công. "Đương nhiên phải có sai chỉ là nằm ở khâu nào", ông Phùng khẳng định. 

Bên cạnh đó, công trình này đã được chuyển qua rất nhiều đời chủ đầu tư, thời gian thi công cũng bị kéo dài nhưng thi công lại không có đánh giá, giải pháp kỹ thuật phù hợp thì cũng là nguyên nhân dẫn tới sự cố này.

Là người trực tiếp có mặt tại hiện trường, theo đánh giá sơ bộ và theo quan sát của vị chuyên gia này, thì công tác thi công tại dự án này rất sơ sài. Hầm đã bị bỏ lâu, nếu muốn thi công phải tiến hành thẩm định, kiểm tra, đánh giá lại tất cả nhưng nếu không làm mà cứ thế kéo vào thi công, sự cố xảy ra là tất yếu.

Ông cho rằng, khảo sát phải đánh giá đúng, không thể nói là lỗi bất khả kháng được. Đất nào sẽ có giải pháp kỹ thuật phù hợp, trừ khi khảo sát không phát hiện ra.

Biết địa chất yếu vẫn làm?

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông nhận định, sự cố là do nhiều nguyên nhân. Có khách quan, có chủ quan nhưng nguyên nhân chính là do yếu tố con người. Đổ thừa cho chuyện địa chất yếu, cũng có nghĩa biết địa chất yếu nhưng vẫn cố tình thi công, đào ào ào để cho đổ, như vậy chẳng phải là làm bừa, là do chủ quan, do lỗi của con người.

Ở đây là sự thiếu trách nhiệm của nhà thầu, của chủ đầu tư, đơn vị giám sát, thi công...

Về quy trình thi công cũng thể hiện rõ có vấn đề. Việc gia cố tạm bợ, thiếu khoa học, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được thi công để dẫn tới sự cố sập hầm khiến 12 người mắc kẹt.

Việc giám sát, theo dõi quá trình đào không chặt chẽ. Trong quá trình đào nếu phát hiện rung chuyển, thiếu an toàn phải lập tức dừng lại và rút lui. Tuy nhiên, lại để xảy ra sự cố này chứng tỏ việc xem xét kỹ thuật ngay từ đầu đã bị xem nhẹ.

Một công trình quan trọng như vậy mà làm việc với tinh thần chủ quan, thiếu ý thức trách nhiệm thì sự cố xảy ra là điều được báo trước.

Tóm lại, các cơ quan chức năng cần phải xem xét một cách toàn diện. Thứ nhất phải, xem xét lại khâu khảo sát địa chất đã đánh giá đúng, đủ và có đưa ra những cảnh báo về nguy cơ địa chất, phương pháp ứng phó thế nào?

Thứ hai, giám sát thi công ẩu, không đảm bảo an toàn.

Thứ ba, khảo sát địa chất sai, dẫn tới công nghệ không tương thích là nguyên nhân dẫn tới khả năng tai nạn cao.

Thứ tư, khi làm có yếu tố chủ quan. Thi công cẩu thả, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt dẫn tới sập hầm.

Cuối cùng, thiếu chuyên nghiệp, chủ quan, thiếu năng lực dẫn tới xác xuất tai nạn cao nên và đã xảy ra tai nạn.

Việc quy trách nhiệm thế nào? Trước hết, trách nhiệm chính ở đây là chủ đầu tư. Chủ đầu tư ngoài việc phải bồi thường, chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự cố còn phải chịu trách nhiệm về pháp luật nếu có.

Tất nhiên, có thể xem xét một số yếu tố khách quan, nhưng đó chỉ là nhân tố để xem xét giảm nhẹ chứ không thể trốn tránh, lẩn tránh trách nhiệm.

Lập đơn vị giám định độc lập xác định rõ nguyên nhân

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, cho rằng cần phải lập Hội đồng giám định độc lập để xác định nguyên nhân, truy rõ trách nhiệm cụ thể.

Nguyên tắc trong xây hầm quan trọng nhất là biện pháp thi công, quá trình thi công không tốt, thời điểm thi công không phù hợp sẽ xảy ra sập hầm.

Trong sự cố vừa qua, có thể thấy đơn vị thi công đã không thể chủ động và không xử lý được tình huống.

Ông Hùng bức xúc khi chủ đầu tư cho rằng đây là lỗi bất khả kháng, do địa chất yếu. Theo ông, không thể nói lún, nứt do thời tiết, vỡ ống nước Sông Đà là do khách quan.... điều kiện thiên nhiên có trước, làm sập hầm là do con người. Do không đảm bảo an toàn khi thi công, không xử lý được tình huống, không coi trọng tính mạng con người, do chạy đua tiến độ... việc đổ lỗi cho địa tầng yếu là cách thường thấy sau mỗi sự cố xảy ra.

Cách giải thích của chủ đầu tư thể sự bao biện, chưa cầu thị, chưa nhìn nhận trách nhiệm của mình. Với thái độ như vậy thì sẽ còn nhiều vụ việc tương tự xảy ra, vì cứ có lỗi lại đẩy cho ông trời, không thừa nhận sự yếu kém của mình để khắc phục.

____________________ 

Rà soát các thủy điện vừa và nhỏ sau vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng 

Bộ Xây dựng hôm nay (25.12) đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra các công trình thủy điện vừa và nhỏ đang thi công trên cả nước. 

Đây là động thái nhằm hạn chế tai nạn khi thi công thủy điện sau vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng vào ngày 16.12 khiến 12 công nhân bị kẹt trong hầm đến gần 4 ngày. 

Theo Bộ Xây dựng, sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vào sáng ngày 16.12 cho thấy thực trạng công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng tại một số dự án thủy điện vừa và nhỏ còn nhiều tồn tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn công trình và tính mạng con người. 

Do vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát các hoạt động đầu tư xây dựng, công tác quản lý chất lượng và an toàn trong xây dựng công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Phạm vi rà soát bao gồm từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, nghiệm thu các công trình, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng đường hầm, có điều kiện địa chất phức tạp và tiến độ thi công kéo dài, để tránh lặp lại sự cố tương tự. 

Trường hợp phát hiện các sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả rà soát sẽ được tổng hợp gởi Bộ Xây dựng trước ngày 15.2.2015. 

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, tính “an toàn” là một trong bốn ưu tiên hàng đầu trong thi công các công trình xây dựng, bên cạnh ba yếu tố khác là chất lượng, giá cả và tiến độ. Tuy nhiên, những sự cố xảy ra tại các công trình xây dựng, đặc biệt là tại các công trình thủy điện gần đây, cho thấy tính an toàn đang bị xem nhẹ. 

Hiện cả nước có 284 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 14.698 MW đang vận hành, và 204 dự án khác (6.146 MW) đang thi công, dự kiến đến năm 2017 sẽ phát điện.

Văn Nam (TBKTSG Online)

___________________________ 

Vũ Lan 

 

Theo: Đất Việt

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.