Trong khuôn khổ hội nghị, với sự có mặt của khoảng 15 HTX, cơ sở tư nhân trồng rau củ quả, thanh long, khoai mỡ, khóm, chanh không hạt… của tỉnh Long An, ông Lê Minh Đức, giám đốc sở Công thương tỉnh Long An giới thiệu những thế mạnh của nông sản tỉnh nhà, điển hình như trái thanh long (khoảng 280.000 tấn) của tỉnh thơm ngon, chất lượng. Ông cũng đề cập tới nghịch lý mà người nông dân thường rơi vào cảnh được mùa mất giá: “80% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường Trung Quốc nên đầu ra khá bếp bênh, bị thương lái ép giá”. Đại diện các HTX, hộ gia đình cũng giới thiệu các mặt hàng nông sản chủ lực và những khó khăn, như: một số mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao đang trong giai đoạn thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả khá cao nhưng khó triển khai nhân rộng do thiếu vốn; đầu ra cho rau an toàn đang bị đánh đồng với rau trên thị trường...
Điển hình như các HTX của huyện Cần Giuộc. Toàn huyện hiện có hơn 1.800 ha chuyên canh rau màu với hơn 4.500 hộ, trong đó số hộ nông dân trồng rau trong vùng dự án sản xuất rau công nghệ cao của huyện là 3.927 hộ. Chủng loại rau bao gồm 34 loại (rau ăn lá chiếm 65%, rau gia vị chiếm 25, rau ăn quả chiếm 10% ). Ngoài ra toàn huyện có 140 ha trồng rau xà lách xoong. Năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM.
![]() |
Sắp tới SATRA sẽ có những hỗ trợ để Long An đưa thêm nông phẩm sạch vào thị trường. Trong ảnh: Khách hàng mua nông sản tại siêu thị Sài Gòn (Ảnh: Trung Dũng) |
Đến nay Cần Giuộc có 22 tổ sản xuất rau an toàn và 6 HTX, một Liên hiệp HTX sản xuất và dịch vụ rau an toàn. Về sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, riêng dạng nhà lưới để trồng rau xà lách xoong, toàn huyện có 140 ha (Mỹ Lộc 48 ha, Phước Lâm 40 ha, Phước Hậu 52 ha)...
Đại diện sở Công thương Long An cho biết, hàng hóa nông sản của tỉnh Long An được tiêu thụ qua nhiều kênh, như: thông qua thương lái, các HTX, tổ hợp tác cung cấp đến các doanh nghiệp, chợ đầu mối, người tiêu dùng trực tiếp tại các siêu thị... Theo các kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian. Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho các mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định. Từ thực tế đó, tỉnh Long An mong muốn được SATRA có thêm những hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu...
Đáp lời với đại diện sở ngành, cũng như các hợp tác xã, cơ sở nuôi trồng nông sản, thực phẩm của tỉnh Long An, ông Nguyễn Phúc Khoa, phó tổng giám đốc SATRA, khẳng định trong thời gian tới SATRA sẽ có thêm những hỗ trợ Long An trong việc tiêu thụ nông sản chủ lực, đồng thời sẽ giúp bà con nông dân mở rộng các chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Gọi là có thêm những hỗ trợ, bởi theo ông Khoa mỗi năm các đơn vị thành viên trực thuộc SATRA cần khoảng 100.000-150.000 tấn gạo, 10.000 tấn rau củ, 5.000 tấn thủy sản… phục vụ cho chế biến. Địa bàn Long An là một trong những địa phương thuộc tốp đầu mà SATRA nhắm đến. Theo đó, bình quân mỗi ngày đêm chợ đầu mối Bình Điền đang tiêu thụ các sản phẩm từ tỉnh Long An gồm: khoảng 150 tấn rau củ quả và hải sản các loại, khoảng 200 tấn thịt heo mỗi ngày/đêm, khoảng 1,2 tấn vịt nguyên con... Tính về tổng sản lượng và giá trị ở chợ Bình Điền thì Long An chiếm 10%.
Lý giải về việc “bắt tay” với tỉnh Long An, theo ông Khoa: “Lợi thế của Long An trước hết là khoảng cách địa lý, gần TP.HCM, là nơi cung cung cấp mặt hàng chủ lực cho chợ Bình Điền. Long An với thế mạnh nông nghiệp, những sản phẩm cạnh tranh như: rau lá, rau mùi, rau gia vị. Về trái cây, có thế mạnh về trái thanh long mà chất lượng trái đã được thẩm định trên thị trường. Về thịt tươi sống, Long An là tỉnh có đàn heo 300.000 con, quy mô đó đảm bảo "tiếng nói" trong thị phần cung cấp thịt heo tươi sống cho TP.HCM. Ngoài ra, đây cũng là tỉnh có đàn gà, vịt, trứng hàng đầu các tỉnh ĐBSCL. Long An cũng có thế mạnh về các mặt hàng nông nghiệp kỹ thuật cao. Nông dân Long An áp cụng khoa học kỹ thuật tốt, điển hình như là việc trồng các loại chuối đưa ra thị trường, được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận. Trong đó chuối Fohla bán cao hơn cả mặt hàng chuối nhập hiện nay”.
Ngoài hợp tác xúc tiến tiêu thụ nông sản, thực phẩm với tỉnhLong An, theo ông Khoa, SATRA cũng đã làm việc với Bến Tre, An Giang, Cần Thơ… Trên cơ sở hợp tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương. Ví dụ Bến Tre tập trung vào thế mạnh trái cây, như: bưởi da xanh Chợ lách, dừa, xoài Tứ Quý. Với An Giang là các mặt hàng gạo, cá, khô, mắm… “Chúng tôi làm việc với các địa phương, trên cơ sở hợp tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của những địa phương đó. Trong điều kiện cho phép của mình, SATRA sẽ hỗ trợ bà con trong việc thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Cùng với địa phương hướng dẫn các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ hoàn chỉnh các thủ tục để đưa sản phẩm đặc sản, hàng Việt Nam chất lượng cao ra thị trường thông qua kênh bán hàng SATRA, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân thành phố”, ông Khoa khẳng định.
“Các hộ nhà vườn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản bởi họ không trồng nhiều loại. Sản lượng yêu cầu mỗi ngày, định kỳ phải đều thì họ không đáp ứng được. Nhưng rào cản lớn nhất là các nhà vườn nghe đến vấn đề giấy tờ thường ngại. Yêu cầu đăng ký giấy tờ với cơ quan hữu quan địa phương xác nhận tiêu chuẩn (chẳng hạn VietGap) họ lại sợ tốn tiền. Thủ tục thanh toán trực tiếp cho siêu thị, hồ sơ, báo cáo thuế… họ cũng ngại.
Nhà vườn lo trồng đã mệt rồi, lại lo luôn đầu ra thì họ bảo nhức đầu lắm bởi không quen những thủ tục đó. Trong khi đó HTX lại có nhiều lợi thế, như có nơi thu mua, đi giao cho siêu thị mỗi ngày đều ồn định, hạn chế được chi phí… Nhà vườn gặp những khó khăn khi cạnh tranh không trực tiếp như vây nhưng khi vượt qua được những điều họ coi là trở ngại đó thì giá lại tốt so với HTX. Bởi qua HTX giá lên có khi tới 50%. Hướng lâu dài là nhà vườn cần khắc phục những hạn chế như vừa nêu”, ông Giang Minh Trường, giám đốc TTĐH Satrafoods.
T.Dũng
» Người Sài Gòn dùng điện thoại thông minh mua thịt heo
» Cầu Tre và những “nhịp cầu” đến thực phẩm tươi sạch
» Hệ thống bán lẻ SATRA giảm giá 10% trái cây Nam bộ
» Vissan: 14% cổ phần thuộc về Anco của Masan
» SATRA và chuỗi ẩm thực khép kín: đưa vị tươi, lành vào đời sống thị dân