Thưa giáo sư, chuyện sách giáo khoa ở Việt Nam “có vấn đề” thì ai cũng biết, nhưng theo ông vì sao sau bao nhiêu lần sửa, chúng ta vẫn chưa có một bộ sách ổn định?
Tôi rất quan tâm đến sách giáo khoa. Lần nào về Việt Nam tôi cũng mua nhiều sách giáo khoa để nghiên cứu và tham khảo. Tôi ngạc nhiên về những thay đổi gần như hàng năm về sách giáo khoa! Những thay đổi từng năm chủ yếu là chỉnh sửa những sai sót (có người nói ví von là “những hạt sạn”) trong sách giáo khoa. Điều đáng nói là dù đã chỉnh sửa, mà hễ có người đọc kỹ thì vẫn phát hiện thêm sai sót. Do đó, những thay đổi hay chỉnh sửa chỉ mang tính chắp vá.
Nhìn qua những sai sót trong sách giáo khoa, có thể dễ nhận ra rằng những sai sót (nếu dùng chữ đó) có nguồn gốc từ sự thiếu ăn khớp giữa chương trình dạy và sách giáo khoa. Có chuyên gia nói thẳng rằng “cứ đi tham khảo nước ngoài, thấy cái này, cái kia hay rồi nhặt về ghép lại thì không thể thành sách hay được”. GS. Nguyễn Xuân Hãn từng nhận xét (và tôi đồng ý) rằng cách soạn sách giáo khoa hiện nay có vẻ từng phần, cắt khúc, và lắp ghép. Nó thiếu một tư duy tổng thể, thiếu tính liên tục và tính liên thông.
Chuyện về sách giáo khoa, các nước phát triển đã làm rất thành công, vì sao ta cứ phải quanh đi quẩn lại mà bàn chuyện này?
Tôi thấy ở Úc, mỗi môn học họ có một số sách giáo khoa. Đại đa số các tác giả sách giáo khoa là giáo viên có kinh nghiệm lâu năm biên soạn, chứ không phải các giáo sư, tiến sĩ. Bộ Giáo dục Úc không tham gia soạn sách giáo khoa. Các tác giả soạn theo chương trình và định hướng của bộ Giáo dục. Tôi ở Úc đã 35 năm mà chưa thấy họ thay đổi sách giáo khoa thường xuyên như ở nước ta, có những cuốn sách đã soạn từ những 50 năm trước nay vẫn được sử dụng. Dĩ nhiên, cũng có những sách giáo khoa thay đổi theo thời sự, nhưng thay đổi không nhiều và không mang tính sửa sai như ở Việt Nam.
Theo giáo sư, nên chăng có nhiều bộ sách giáo khoa để người học lựa chọn?
Theo kinh nghiệm thực tế của tôi ở Úc thì câu trả lời là nên có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học. Tôi lấy ví dụ như môn toán có sách giáo khoa nhấn mạnh đến lý thuyết, nhưng có cuốn nhấn mạnh đến ứng dụng, và có cuốn cân đối giữa lý thuyết và ứng dụng. Sự đa dạng về sách giáo khoa cũng là một cách đáp ứng nhu cầu của nhiều lớp học hay nhiều thể loại trường.
Ở các nước phát triển, liệu người học có quyền được lựa chọn bộ sách giáo khoa theo ý mình?
Ở Úc, mỗi trường chọn sách giáo khoa theo đề nghị của các giáo viên chủ nhiệm. Còn học sinh thì họ có nhiều lựa chọn, bên cạnh sách do trường chọn, họ có thể mua thêm sách giáo khoa từ các tác giả khác để bổ sung kiến thức.
Trong chuyện này, theo giáo sư, bộ Giáo dục - đào tạo có nên chỉ đóng vai trò định hướng bằng chính sách, mở cửa cho những nhóm tư nhân tham gia viết sách giáo khoa, thay vì vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay?
Đúng vậy, tôi nghĩ bộ không nên đứng ra soạn sách giáo khoa, mà chỉ đóng vai trò “tổng chỉ huy”. Bộ nên đề ra những định hướng chung, mục tiêu và đặc điểm chương trình học mà họ muốn đạt được, hay các hình thức về sách (kích cỡ, màu, font chữ...), các tác giả sẽ căn cứ vào đó mà soạn. Ở Úc hay ở miền Nam trước 1975, như tôi nói trên, tác giả sách giáo khoa là các nhà giáo chứ không phải là quan chức hay chuyên gia của bộ.
Như vậy có nghĩa ngành giáo dục phải giải quyết được bài toán “lợi ích” trong chuyện này?
Người ta nói nhiều về “nhóm lợi ích” nhưng tôi chưa rõ nó là gì, nên rất khó bình luận. Tôi nghĩ bộ Giáo dục - đào tạo không nên “ôm đồm” quá nhiều việc. Những gì thuộc về chuyên môn hãy để cho các chuyên gia phụ trách.
Một kinh nghiệm của quốc tế trong việc này mà Việt Nam có thể học hỏi, thưa giáo sư?
Sau khi đã có chương trình giảng dạy, bước kế tiếp là soạn sách. Có ba mô hình soạn sách giáo khoa: mô hình một là bộ chọn một hay vài viện - đại học phụ trách; mô hình hai là nhiều nhóm viết sách và bộ phê chuẩn; và mô hình ba là các nhóm ngoài giáo dục (như các nhóm tôn giáo) soạn và bộ phê chuẩn. Dù là mô hình nào thì phải có hai nhóm: nghiên cứu và soạn thảo. Nhóm nghiên cứu thường có khoảng mười người, giáo sư về giáo dục, và một-hai đại diện của bộ. Nhóm soạn thảo cũng có khoảng mười người, trong đó có một-hai giáo sư chuyên ngành làm cố vấn và giáo viên có kinh nghiệm soạn thảo. Sau khi soạn sách, bước kế tiếp là thử nghiệm, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá trước khi triển khai đại trà. Nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng trong việc soạn và triển khai sách giáo khoa, nhưng rất tiếc đó là một khâu yếu của giáo dục Việt Nam.
______________________
Bùi Duy Thanh Mai (thành viên nhóm Cánh Buồm):
Xin đừng lạc đề
Cải cách giáo dục có thể không cần tiêu nhiều tiền, không cần nói đến tiền, nếu biết cách tổ chức.
Tôi thực sự ngạc nhiên. Không phải ngạc nhiên vì số tiền thứ trưởng bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đưa ra, mà vì phương hướng các cuộc thảo luận đang bàn đến và đang dẫn dắt độc giả. Khi mà mục đích của đề án giáo dục là để khắc phục những vấn đề yếu kém, bất cập trong chất lượng giáo dục, thì cái chúng ta cần quan tâm trước tiên là những vấn đề đích thực, cốt lõi trong giáo dục, rồi mới đến đề án tiêu hết bao nhiêu tiền, tiền được tiêu như thế nào…
Những vấn đề về thuật ngữ college hay university, rồi vấn đề tài chính đơn cử như tốn hết bao nhiêu tiền cho đề án này nọ, tuyệt nhiên không nên và cũng không phải những vấn đề đích thực, hay đáng để phức tạp hoá trong giáo dục. Cái đáng quan tâm, thậm chí “đáng phức tạp” nằm ở nội dung cải cách, phương thức cải cách thì hình như không mấy ai quan tâm. Không lẽ những điều này quá phức tạp đối với công chúng?
Nói đến giáo dục là phải nhắc đến học sinh và giáo viên. Giáo viên dạy gì, dạy như thế nào? Học sinh học gì và học như thế nào? Tất cả những vấn đề này cần một định hướng đúng đắn, hợp lý, sáng suốt trả lời được câu hỏi: Dạy và học hướng đến một con người như thế nào? Việc đưa ra những quyết định và đường hướng cực kỳ thiết yếu này chính là trách nhiệm nặng nề mà bộ Giáo dục - đào tạo gách vác từ trước đến nay.
Thiết nghĩ, ngay từ trong thảo luận đã cần phải xác định đúng vấn đề cần bàn và đáng bàn. Có lẽ đã là quá đủ những cuộc bàn cãi bất tận vốn chỉ dừng ở lời nói. Giờ những người thực sự có tâm huyết, năng lực và tầm nhìn nên bắt tay vào làm.
Chúng tôi muốn được nhìn thấy sản phẩm đổi mới giáo dục là những con người Việt Nam tự chủ, có trách nhiệm và có một tâm hồn phong phú. Một công dân dám tự chủ và được tự chủ sẽ không ngần ngại đào sâu, tìm tòi và khám phá con người bản thân cũng như xây dựng chủ kiến bản thân. Một người công dân trách nhiệm có đủ năng lực để nhận trách nhiệm, giữ trách nhiệm và không dửng dưng với những cái thiện, ác, đúng, sai, nên và không nên trong cuộc sống. Một người công dân với một tâm hồn phong phú sẽ tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống, không vô cảm trước cái đẹp, cái xấu, và luôn hướng đến những giá trị tích cực để vươn lên.
Để đạt được những điều này thì trước hết phải có một nền giáo dục mà ở đó học sinh biết cách học. Mỗi môn học là một đối tượng học sinh cần chiếm lĩnh và mỗi đối tượng này cần phải được chiếm lĩnh theo những cách khác nhau.
Như tuyên ngôn của nhóm (được in trên đầu mỗi bộ sách trong suốt bốn năm qua), chúng tôi tin rằng: “Giáo dục tiểu học ổn định và bảo đảm chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội cùng ổn định”. Và đó mới chính là mục tiêu trọng tâm mà một cuộc cải cách thực sự cần đặt lên hàng đầu.
Nhóm Cánh Buồm được nhà giáo Phạm Toàn sáng lập năm 2009, bao gồm những phụ huynh và một số trí thức cùng tập hợp lại nghiên cứu về giáo dục hiện đại và đã biên soạn ra một bộ sách giáo khoa mới. Cho tới nay, nhóm đã biên soạn được 18 đầu sách giáo khoa mẫu từ lớp một tới lớp năm cho các môn văn, tiếng Việt, lối sống…, ba sách cẩm nang dạy học cho giáo viên và sắp tới chuẩn bị xuất bản thêm hai đầu sách dịch cho tủ sách Tâm lý học giáo dục.
Q.L ghi
_______________________
Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)