Sơn FOCI dựng lại cơ nghiệp

 09:49 | Thứ năm, 18/08/2022  0
Sơn không bị hoang tưởng, anh chỉ đơn giản là đủ trí tưởng tượng để mơ một giấc mơ đủ xa, đủ cao và đủ lỳ đòn để từng bước thực hiện giấc mơ đó, dù đời có làm anh bầm giập đến mức nào đi nữa.

Hồ Thế Sơn, ông chủ chuỗi cửa hàng thời trang FOCI lên đến hơn 110 cơ sở trải khắp cả nước, sang tận nước ngoài từ cách đây 15 năm, đột ngột… trắng tay. Đâu ai tin rằng một ông anh rất “đại ca” thuở nào có lúc nằm nhà ăn mì gói cả tháng vì rỗng túi. Nhưng chưa bao giờ khao khát chinh phục thị trường thời trang thế giới ngừng cháy bỏng trong anh. Và một lần nữa, Sơn Faifo bước chân ra thương trường lớn, vẫy vùng mạnh mẽ hơn khi thành thạo bài học về đội ngũ.

Khi “đại ca” hết tiền 

Chúng tôi biết nhau cũng gần hai mươi năm, khi Hồ Thế Sơn còn là thành viên ban chủ nhiệm Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Lúc đó, hình ảnh về anh là một kiểu doanh nhân gốc miền Trung chăm chỉ chịu khó, rất thạo việc kinh doanh và được anh em trong ngành bình chọn vui là “người bán hàng số 1 Việt Nam” vì thành tích suốt ngày rong ruổi khắp ngã đường đất nước để… mở cửa hàng thời trang. 

Năm 2006, huyền thoại trong ngành marketing hiện đại là Philip Kotler sang thăm và làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, Hồ Thế Sơn vinh dự được chọn là một trong 10 doanh nhân hàng đầu dự tiệc tối và có riêng 30 phút để trao đổi trực tiếp với ông Philip Kotler - một hình ảnh đẹp của lớp doanh nhân năng động tự tin bước ra thương trường thế giới.

Hồ Thế Sơn trở lại thị trường thời trang với mô hình nhượng quyền Faifo International Franchise, nhằm từng bước thực hiện giấc mơ kiến tạo Hội An thành “thủ đô may đo của thế giới”.


Còn nhớ, khi đoàn doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sang Singapore để khởi động câu chuyện - mà như giáo sư Võ Tá Hân của đảo quốc sư tử này nói - là “đặt chân lên ban công ra thế giới của Việt Nam”, Hồ Thế Sơn chọn một lịch trình lạ hơn mọi người: anh đi khảo sát thị trường, đi thâm nhập đời sống của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Singapore thay vì tranh thủ đi chơi như nhiều người khác.

Sơn lại còn không biết uống bia, nhưng rất thích lang thang vỉa hè cùng những bạn trẻ, vì anh tin là “tụi nhỏ có điều kiện học hành hơn mình, nên có nhiều thứ học được lắm”. Vậy mà, đùng một cái, Sơn… hết tiền. Hết sạch sành sanh. Chúng tôi ngồi với nhau ở Hội An, và không tin được cảnh anh nói nhẹ như không: vợ chồng anh chia tay, anh chỉ mang theo đúng một vali quần áo, một chiếc Vespa cũ và… một tủ sách. Giờ anh chính thức làm lại từ số 0. Tôi không tin. Vì thực tế của những cuộc ly hôn trăm triệu đô, nói kiểu gì đi nữa thì ai cũng được tòa chia một núi tiền đủ để sống nhàn hạ suốt đời. Anh cười: “Không tin thì thôi”. Tôi đi hỏi vài người liên quan tới phiên toà ly hôn này, và được xác nhận: Đúng là ông Sơn ra về tay trắng. 

Tôi hỏi anh: “Ủa giờ đại ca tính sao?”. “À, tính chuyện làm sao để đưa tài năng may đồ vest của người Hội An, người Quảng Nam quê mình đi khắp thế giới!”. Xong anh trình bày kế hoạch, hào hứng, sôi nổi và xúc động vô cùng trước viễn cảnh “đi vô bất kỳ một trung tâm thương mại lớn nào trên thế giới cũng sẽ thấy một gian hàng may đo tên là Faifo - tên cũ của Hội An. Ở đó, các chuyên viên tư vấn được đào tạo từ Hội An kết hợp cùng công nghệ lấy số đo thông qua trí thông minh nhân tạo, thực tế tăng cường sẽ giúp đo chính xác dáng người của khách, chuyển dữ liệu về Hội An, may xong và ship đến tận nhà bất kỳ nơi nào trên thế giới. Hội An lâu nay nổi tiếng thế giới dịch vụ may đồ vest, anh muốn cùng với các nghệ nhân may đo và người dân Hội An chung tay để biến Hội An thành thủ đô may đo của thế giới”. 

Tôi nghĩ: “Có khi nào ông này chia tay vợ xong hết tiền rồi bị hoang tưởng không trời?”.

Sức mạnh của… vũ trụ 

Không tiền, không sở hữu công nghệ, không có đội ngũ trong tay. Nhưng Hồ Thế Sơn sở hữu ba điều quan trọng nhất của khởi nghiệp: vốn xã hội - là thứ uy tín, niềm tin của mọi người mà anh đã gầy dựng được bấy lâu; niềm say mê bất tận cộng với sự kiên trì tối đa của một người dốc hết trái tim - all in - vào điều mình tin tưởng, để từ đó tạo ra lợi thế thứ ba: sự hợp lực của vũ trụ. Đúng là như cách mà sách Nhà giả kim đã nói, nếu bạn thực sự khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp bạn đạt được thành tựu này. 

Sơn có một năng lực rất lạ, mà chúng tôi hay gọi là “khoảnh khắc nhận giải Oscar thì sẽ nói gì”. Trong cái giây phút quan trọng đó, anh biết mình sẽ phải cảm ơn người đồng sáng lập là chuyên gia hàng đầu thế giới về nhượng quyền thương hiệu, vậy làm sao để thuyết phục được một người siêu bận rộn như bà Nguyễn Phi Vân tham gia? Anh bán thành công giấc mơ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người thợ may xứ Quảng, anh kéo được Phi Vân về bằng niềm tin “quảy gánh băng đồng ra thế giới”, để từ gạch nối quan trọng này, team công nghệ cũng rục rịch tham gia, team marketing cũng xắn tay áo vô… chơi chung. 

Hồi Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam, có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp, Faifo International Franchise là dự án duy nhất không có “yếu tố Pháp” được lên ngồi trò chuyện ngang hàng với nhân vật đang thực hiện ngoại giao thương mại này. Hồ Thế Sơn không tặng bộ vest nào, vì hình như lúc đó may chưa xong, nhưng anh kịp thêu tên Tổng thống Pháp lên chiếc cà vạt để ông đeo đi dự một sự kiện sau đó. Mà chính từ sự kiện này, một cộng sự khác về tài chính quyết định tham gia cùng Sơn. Mọi việc có vẻ rất ổn, anh bay đi bay lại thị trường Mỹ và Canada - với hành trang là cái vé khứ hồi và câu chuyện đẹp đẽ về đưa Hội An ra thế giới. Rồi dịch Covid-19 ập tới, tất cả mọi cánh cửa đóng sập lại. 

Đừng hẹn nhau ở đỉnh vinh quang 

Tôi được rủ rê đến dự lễ ký kết hợp tác giữa Faifo và đối tác nhượng quyền tại Canada vào một ngày cuối tháng 3. Hơn 5 năm trôi qua kể từ cái ngày Hồ Thế Sơn ngồi ở Hội An thông báo làm lại từ đầu, và thấy anh vẫn… y chang ngày xưa. Cái đam mê, năng lượng tích cực và niềm tin bất tận vào con đường đang đi của anh như càng ngày càng rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn sau thời gian bó gối nằm chờ thời.

“Ủa dịch thì anh làm gì?” -  “Đóng một cái thuyền bè, thả mình trôi bồng bềnh theo sông nước Quảng Nam, để thấy quê mình đẹp và nghèo, để tính toán là nếu mình đặt các xưởng may ở thôn xóm nào nhiều thợ nhất, tuyến đường nào thì thuận tiện giao nhận hàng, chỗ nào là trung tâm đào tạo bổ sung nghệ nhân may đo, nơi nào là kho cung ứng…, rồi để nghĩ xem nếu mình đem học viên trên thế giới về Hội An học tư vấn may đo thì sẽ kèm theo các tuyến trải nghiệm thế nào…”. 

Hồ Thế Sơn giới thiệu mô hình hoạt động may đo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Faifo với đoàn khách Đại học Fulbright Việt Nam.


Faifo cuối cùng cũng có cửa hàng to đẹp rực rỡ ở trung tâm Hội An, nơi mà du khách có thể tới trải nghiệm việc dùng một cái ứng dụng trên điện thoại để tự đo từ áo sơ mi, quần tây đến áo vest của mình. Tự chọn kiểu, chọn vải, nhìn thấy hình ảnh giả lập bản thân đang mặc bộ vest để đi tiệc, và còn được chọn loại nút làm bằng vỏ ốc xà cừ có khắc tên mình.

Sơn đưa tôi xem danh sách những tập đoàn, ngân hàng lớn đã dùng cái ứng dụng điện thoại này của mình may đồng phục cho nhân viên, làm quà tặng đối tác. Tôi lại thấy chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn mặc đồ vest Faifo tại đại hội cổ đông một cách đầy tự hào. Tôi hiểu là Sơn không bị hoang tưởng, anh chỉ đơn giản là đủ trí tưởng tượng để mơ một giấc mơ đủ xa, đủ cao và đủ lỳ đòn để từng bước thực hiện giấc mơ đó, dù đời có làm anh bầm giập đến mức nào đi nữa. 

Anh nói, tới tuổi này chuyện giàu có không còn quan trọng, cái anh muốn là dùng chính mô hình kinh doanh lợi thế này để tạo ra hàng ngàn công việc lương cao, tạo lập cuộc sống bền vững cho những gia đình ở các vùng quê chung quanh Hội An. 

Chúc mừng Hồ Thế Sơn, anh vẫn không biết uống bia, nhưng biết cách tận hưởng hạnh phúc của việc hoàn thành những bước đi nhỏ, thậm chí rất nhỏ trên con đường chẳng mấy ai đi của mình. Và bởi vậy, chẳng cần hẹn nhau ở đỉnh vinh quang, chỉ cần đi cùng nhau từng bước trên con đường tạo ra giá trị Việt là được. 

Bài: Trần Bung -  Ảnh: NVCC

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.