Vậy nhưng, đúng một tuần sau khi chuyến bay MH370 đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh mất tích một cách đầy bí ẩn, chính Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã chính thức thông báo rằng chiếc máy bay đã bị chuyển hướng một cách có chủ đích sang bờ biển phía Tây đất nước, về phía eo biển Malacca.
Nhưng điều đáng nói hơn là việc người đứng đầu Chính phủ Malaysia xác nhận, tín hiệu cuối cùng mà vệ tinh của quân đội nước này thu được từ máy bay mất tích là lúc 8 giờ 11 phút ngày 8.3, tức hơn sáu tiếng rưỡi đồng hồ sau khi máy bay mất liên lạc với trung tâm điều khiển ở vùng biển gần đảo Thổ Chu của Việt Nam.
Vậy mà trong suốt một tuần trước đó, tàu bè và máy bay của nhiều quốc gia đã sục sạo có lẽ là từng mét vuông mặt biển ở khu vực kể trên như là mò kim đáy bể theo đúng nghĩa của từ này. Thậm chí, để tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia (mà thực tế đã bay đi cách đó hàng trăm dặm), Việt Nam đã đồng ý để một lượng lớn tàu chiến và máy bay của nhiều nước đi vào vùng biển của mình trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông vẫn là một đề tài hết sức nhạy cảm!
Trong suốt một tuần trước đó, người ta được chứng kiến một điệp khúc lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán: Buổi sáng các tờ báo phương Tây đăng tải nguồn tin của chuyên gia hàng không Mỹ nói rằng có thể máy bay đã bị bắt cóc, đến chiều giới chức Malaysia lại lên tiếng bác bỏ, chưa kể còn khiến tình hình thêm rối loạn với thông tin hai người Iran đã sử dụng hộ chiếu ăn cắp để lên máy bay.
Rốt cục, để “kỷ niệm” một tuần máy bay mất tích, với 239 hành khách và thành viên tổ bay có mặt trên đó, ông Thủ tướng Malaysia đã nhắc lại hoàn toàn những điều mà truyền thông phương Tây, không phải phỏng đoán mà là khẳng định!
Trước khi đọc bản thông báo được viết ra giấy, ông Razak cũng rào trước bằng tuyên bố Malaysia “chịu trách nhiệm trước các điều tra viên và thân nhân hành khách để chỉ thông báo những tin tức đã được kiểm chứng”. Có vẻ như ông Razak muốn nhắc đến câu chuyện ngụ ngôn về cậu bé chăn cừu, năm lần bảy lượt la toáng lên rằng “có chó sói” khiến cả làng phát hoảng. Rồi đến khi chó sói đến thật, đã không còn một ai tin lời cậu bé nữa, để rồi cả đàn cừu của cậu trở thành miếng mồi ngon của đàn thú dữ.
Nhưng tuyên bố đó cũng không thể xoa dịu được cơn bực tức của những người có chồng, con, cha mẹ, em trai... đi trên chuyến bay MH370. Kể từ khi chiếc máy bay bị mất tích, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, quốc gia có tới 153 hành khách trên máy bay, ít nhất đã hai lần ra tuyên bố chỉ trích Malaysia trong việc thiếu minh bạch thông tin về quá trình điều tra.
Hãng tin chính thức của nước này, Tân Hoa xã, còn có bài bình luận chỉ trích gay gắt hơn rằng “với điều kiện công nghệ ngày nay, sự trì hoãn (cung cấp thông tin) cho thấy dấu hiệu của hiện tượng xao lãng nhiệm vụ hoặc miễn cưỡng chia sẻ thông tin đầy đủ và kịp thời”.
Trong thời đại văn minh như ngày nay, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ chẳng quay lưng lại với Malaysia. Các nước vẫn cam kết sẽ hết lòng trợ giúp nước này tìm kiếm chiếc máy bay. Bởi một mạng người cũng đã là vô giá chứ không nói đến 239 con người có mặt trên đó.
Và giờ, với việc bị chỉ trích ém nhẹm thông tin trong vụ điều tra về chiếc máy bay mất tích, Malaysia có thể sẽ phải hứng chịu những hệ quả xấu của sự thiếu minh bạch này. Chưa nói đến những vấn đề vĩ mô, bất cứ du khách nào cũng sẽ ngần ngừ khi chọn Malaysia là điểm đến trong kỳ nghỉ sắp tới, khi mà nỗi lo từ vụ máy bay mất tích sẽ rình rập còn chính quyền thì không coi trọng đúng mức tâm lý của các thân nhân hành khách.
Nhật Hoàng